Tin tức tổng hợp tuần 1 (tháng 01-2017) 

Tin tức tổng hợp tuần 1 (tháng 01-2017)

Thứ hai - 09/01/2017 10:46

1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:

* Ngày 03-01, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Trong năm qua, Ban chỉ đạo đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Cụ thể, ngành Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn, cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản. Ngành Công thương kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lương, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2016, toàn tỉnh đã kiểm tra được trên 45 lượt, xử lý vi phạm hành chính 11 vụ với số tiền 43,05 triệu đồng, tiêu hủy 250kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngộ độc với 25 người mắc và 217 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, không có tử vong.

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2017, đồng chí Nguyễn Văn Hòa đề nghị các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho người lãnh đạo, quản lý; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; tăng cường năng lực của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn.

* Sáng 4-1, UBND huyện Đăk Tô tổ chức Hội nghị gặp mặt già làng tiêu biểu trên địa bàn huyện năm 2016. Có 41 già làng tiêu biểu trong các thôn DTTS trên địa bàn huyện đã về dự.

Trong những năm qua, đội ngũ già làng trên địa bàn huyện Đăk Tô đã phát huy vai trò của người uy tín trong làng, đóng góp tích cực trong việc tham gia thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Các già làng cũng tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào ở địa bàn, khu dân cư tăng cường đoàn kết ở khu dân cư, vận động bà con trong thôn, làng tham gia phát triển kinh tế, xóa nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Đặc biệt, đội ngũ già làng, người có uy đã phát huy vai trò của của mình trong việc tham gia giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng khu dân cư.

Các già làng còn gương mẫu đi đầu trong việc vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; giáo dục con cháu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; vận động con cháu đi học chuyên cần.

Bên cạnh đó, các già làng đóng góp tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Tại Hội nghị, có 8 già làng được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa nghèo, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn năm 2016.

* Sáng 4-1, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. PTT Trương Hòa Bình chủ trì HN.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Lại Xuân Lâm -Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Năm 2016, tai nạn giao thông trong cả nước tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2015. Toàn quốc xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông làm chết 8.685 người, bị thương 19.290 người; so với năm 2015 giảm 1.261 vụ, 43 người chết và 1.792 người bị thương. Có 40 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì tai nạn giao thông, 20 địa phương tăng số người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có 9 tỉnh tăng trên 10%.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông xử lý trên 4 triệu trường hợp vi phạm, nộp ngân sách gần 3 ngàn tỷ đồng, tạm giữ gần 35 ngàn xe ô tô, trên 500 ngàn xe mô tô, tước giấy phép lái xe gần 400 ngàn trường hợp, phát hiện 1.322 vụ phạm pháp hình sự…

Năm 2017, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lấy chủ đề: “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” và đề ra mục tiêu phấn đấu giảm từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng biểu dương sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là 13 địa phương giảm sâu về 3 mặt. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế như: tai nạn giao thông còn nhiều, chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều tỉnh tăng cao cả 3 mặt, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Năm 2017, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia và Ban an toàn giao thông các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, sắt, thủy nội địa; đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các hoạt động đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông tới mọi đối tượng; tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn...

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm; xây dựng văn hóa giao thông đến mọi người dân, nhất là thanh thiếu nhi;  các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền văn hóa giao thông và tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm tai nạn giao thông, xây dựng giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương nhằm kiềm chế tai nạn giao thông… Đặc biệt, trước mắt, thực hiện nghiêm Công điện của Chính phủ về công tác bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết nguyên đán và lễ hội xuân 2017…

Nhân dịp này, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đã tặng cờ thi đua cho 10 tập thể, tặng bằng khen cho 51 tập thể và 36 cá nhân có thành tích trong tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016.

* Ngày 4-1, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác khoa học-công nghệ năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và có bài phát biểu chỉ đạo.

Dự  Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cùng đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

Năm 2016, ngành Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; trong đó trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa khoa học-công nghệ trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước theo chuỗi giá trị; đưa khoa học và công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, có tỷ trọng giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...

Đối với tỉnh Kon Tum, năm 2016, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã có những chuyển biến tích cực; tiềm lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ được tăng cường; các đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã được áp dụng rộng rãi vào sản xuất và đời sống, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu ngành Khoa học và công nghệ trong cả nước đạt được trong năm 2016.

Về nhiệm vụ năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đầy khoa học và công nghệ phát triển; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng và phát triển thương hiệu và tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương cần tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của các nhà khoa học ở nước ngoài, đội ngũ chuyên gia, trí thức, khoa học trong nước để phục vụ cho khoa học và công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng...

* Ngày 4-1, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Tô Văn Tám - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tổ chức giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 tại huyện Đăk Hà.

Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại khu giết mổ gia súc tập trung thị trấn Đăk Hà và mô hình chợ an toàn thực phẩm được Sở Công thương và huyện Đăk Hà triển khai thí điểm tại Trung tâm thương mại huyện; thăm, kiểm tra mô hình kinh tế VAC của gia đình ông Trần Văn Dương ở thôn 4, xã Đăk Mar; thăm mô hình trồng rau an toàn trong nhà bạt của gia đình ông Vũ Xuân Sao, thôn 1, xã Đăk Mar và kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Đăk Psi.

Làm việc với UBND huyện Đăk Hà, đoàn đã nghe báo cáo tình hình thực hiện các chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện.  Theo báo cáo, đến nay, toàn huyện Đăk Hà đã có 10 hợp tác xã, 36 tổ hợp tác và 37 trang trại đạt tiêu chí trang trại mới, 5 tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch với 567 hộ tham gia và 723 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Trong đó, đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho 324 cơ sở, có 124 chủ cơ sở không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đã được tập huấn kiến thức và ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác kiểm tra, giám sát liên ngành được thực hiện thường xuyên, góp phần kiểm soát tốt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu dùng.

Trong giai đoạn 2011 – 2016, đã tiến hành kiểm tra 3.705 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Kết quả kiểm tra có 2.808 cơ sở đạt yêu cầu, đồng thời phát hiện, xử phạt 114 cơ sở vi phạm các lỗi như: không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phiếu khám sức khỏe định kỳ cho người lao động… nộp ngân sách Nhà nước 96.750.000 đồng. Công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được thực hiện đảm bảo...

Đồng chí Tô Văn Tám đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Đăk Hà trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm những năm qua. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, huyện Đăk Hà cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đến người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; có giải pháp quy hoạch, bố trí hợp lý các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn và sử dụng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm...

Đối với những kiến nghị, đề xuất của huyện, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tổng hợp để chuyển tới Quốc hội, các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

* Ngày 4-1, Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin tỉnh phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin huyện Ngọc Hồi tổ chức trao tặng 5 con bò giống sinh sản cho 5 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam là người đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn trên địa bàn hai xã Đăk Xú và Bờ Y với tổng trị giá 85 triệu đồng.

Toàn bộ kinh phí được trích từ nguồn Quỹ vì nạn nhân chất độc da cam/diôxin tỉnh.

* Sáng 5-1, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu Trung ương, tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.

Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, dự Hội nghị có đồng chí Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Ngọc Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Sau đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, hệ thống dân vận các cấp đã được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ tham mưu công tác dân vận ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; nhận thức của hệ thống chính trị đối với vị trí, vai trò của công tác dân vận được nâng lên; chính quyền các cấp chú trọng hơn công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cơ sở; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đẩy mạnh có kết quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình Dân vận khéo; ngành Dân vận sớm triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy tốt vai trò tham mưu cho Trung ương và các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận…, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội.

Triển khai công tác dân vận năm 2017, Ban Dân vận Trung ương xác định tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm: triển khai thực hiện và tăng cường kiểm tra chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa phương về công tác dân vận, trọng tâm là Quyết định 290-QĐ/TW, Nghị quyết 25-NQ/TW, Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW; tham mưu cấp ủy đảng và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội hướng mạnh về cơ sở, vận động các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh năm 2017; Ban Dân vận Trung ương và các địa phương phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan tham mưu tổng kết và thực hiện một số đề án của Trung ương; tham mưu cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của chính quyền; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả, điển hình, kinh nghiệm triển khai chương trình hành động số 31-CTr/BDVTW của Ban Dân vận Trung ương thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về công tác dân vận.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ Ban Dân vận Trung ương đề ra cần tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là trong xây dựng cơ chế chính sách cần quán triệt thực hiện nghiêm túc nguyên tắc mọi chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh; các cấp ủy phải coi trọng và dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; có những biện pháp cụ thể và tích cực quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tổng kết và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận.

* Sáng 5-1, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Hội nghị phiên cuối năm 2016. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Năm 2016, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của cấp trên và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được hầu hết các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra.

Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lãnh đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh làm tốt công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm ở khu vực biên giới; tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giúp dân xóa nghèo; triển khai phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lực lượng Biên phòng được nâng lên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao…

Trong huấn luyện, Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện 3 khâu đột phá đạt được kết quả quan trọng, nhất là về huấn luyện chiến đấu; từng bước xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; năng lực tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Biên phòng tỉnh được nâng lên; công tác hậu cần, tài chính, kỹ thuật, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ được đảm bảo.

Công tác đối ngoại biên phòng với các tỉnh của hai nước Lào và Campuchia có đường biên giới tiếp giáp với Kon Tum được chú trọng, tiếp tục đổi mới và triển khai có chiều sâu, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hòa đánh giá cao những kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong năm 2016. Những kết quả đó đã góp phần tích cực vào bảo đảm quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là khu vực biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội trên địa bàn tỉnh…  

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trong năm 2017 Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung quán triệt thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; đồng thời, thực hiện quyết liệt các mặt công tác trọng tâm, nhất là nâng cao hiệu quả về công tác xây dựng quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong giải quyết các vấn đề có liên quan trên khu vực biên giới...

* Ngày 5-1 Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố tổng kết công tác Nội chính và phòng chống tham nhũng năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.  Đồng chí Đặng Thanh Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Năm 2016, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát, quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chủ động triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác nội chính; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cho nhân dân hiểu và cảnh giác trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động; chủ động thực hiện tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị ngay từ cơ sở; việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, đúng quy định của pháp luật…

Công tác phòng chống tham nhũng được triển khai với nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm, tội phạm và tệ nạn xã hội.

Năm 2017, Ban Nội chính Tỉnh ủy cùng các cấp ủy đảng, các cơ quan khối nội chính tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới; thực hiện có hiệu quả các giải pháp về bảo đảm quốc phòng an ninh, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn đối với các âm mưu phá hoại của bọn phản động; xử lý tốt các vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phức tạp phát sinh ngay từ cơ sở; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố xét xử và thi hành án; nâng cao chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo…

Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu đề xuất Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức về phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đọa đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…

Sau khi nghe 17 ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu, đồng chí Đặng Thanh Long ghi nhận và trả lời một số ý kiến thuộc thẩm quyền. Đồng chí cũng lưu ý các huyện ủy, thành ủy tiếp tục làm tốt công tác về nội chính, công tác phòng chống tham nhũng trên cơ sở thượng tôn pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý hậu thanh, tra, kiểm tra, kiểm toán của các đơn vị trên địa bàn và thực hiện các kết luận của Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng chống tham nhũng; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan; xem xét giải quyết tốt tin báo tố giác tội phạm, tham nhũng…

* Ngày 6-1, diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh lần thứ II.

Hội nghị đánh giá, năm 2016, các cấp Hội đã nỗ lực tuyên truyền, động viên hội viên, phụ nữ tham gia triển khai tích cực các mặt công tác đề ra. Trong đó, các cấp hội đã chủ động tham mưu cấp ủy thực hiện đúng quy trình về công tác cán bộ, tổ chức đại hội phụ nữ cơ sở và tỉnh, thực hiện có hiệu quả cao nhất 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Năm qua, hơn 25 ngàn lượt hội viên được tuyên truyền, giáo dục, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật pháp của Nhà nước; 20 ngàn lượt chị em được vận động, tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; duy trì 127 địa chỉ tin cậy ở cấp huyện, nhằm phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng; vận động xây dựng, sửa chữa 27 mái ấm tình thương và tiếp nhận gần 10 ngàn suất quà tặng cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tín chấp cho 27 ngàn lượt hội viên vay tổng nguồn vốn 817 tỷ đồng; kêu gọi 65.395 lượt hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm với số tiền hơn 27 tỷ đồng, giúp hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn không tính lãi.   

Ngoài ra, hội phụ nữ các cấp còn tham mưu, đề xuất với các cấp ủy đảng và chính quyền, tổ chức đoàn thể khác thực hiện công tác giám sát, phối hợp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng địa phương.

Tại hội nghị, đại diện các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã ký kết giao ước thi đua năm 2017 triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Thi đua cao nhất thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó chú ý huy động chị em phụ nữ tập trung “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; tiếp tục thực hiện đạt có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2016- 2021 đề ra; tổ chức cho hội viên, chị em cơ sở học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và hoàn thành các chỉ tiêu lớn của 2 cuộc vận động "Rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”...

Nhân dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng giấy khen cho 25 tập thể, 37 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào hội năm 2016 và 15 tập thể thực hiện tốt các chuyên đề thi đua lớn do Hội đề ra năm qua.

* Chiều 6-1 tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi tiếp và làm việc với ông Lê Thanh Nam - Giám đốc Công ty cổ phần Bkav nhằm đánh giá việc hợp tác sử dụng Chương trình văn phòng điện tử (eOffice) trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Qua hơn 6 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh có 30 cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh và huyện đã được cài đặt, hỗ trợ, hướng dẫn và đưa vào sử dụng phần Chương trình eOffice; hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều đã sử dụng thành thạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, xử lý văn bản tại các cơ quan, đơn vị. Hiện nay, tỉnh đang tổ chức triển khai việc liên thông trong xử lý văn bản điện tử giữa các cơ quan và các cấp; đã có trên 80% văn bản đến, đi được xử lý qua chương trình liên thông. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình tại tỉnh cũng phát sinh một số bất cập, hạn chế từ hệ thống, chi phí bản quyền, quy trình thực hiện… làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính của địa phương.

Tại buổi làm việc, đại diện Bkav đã cung cấp các thông tin về quá trình triển khai eOffice tại Kon Tum; giới thiệu về khả năng đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển các ứng dụng nhằm triển khai chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh; ghi nhận những yêu cầu của các đơn vị sử dụng trong công tác bảo trì, vận hành, cung cấp dịch vụ….

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất tiếp tục duy trì, sử dụng có hiệu quả hệ thống Chương trình eOffice tại các đơn vị đã được cài đặt; yêu cầu Sở Thông tin - Truyền thông và Công ty BKAV phối hợp với đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập của chương trình trong quá trình sử dụng; tập trung hoàn thành việc liên thông văn bản điện tử tại tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố; tăng cường đảm bảo an toàn dữ liệu; triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng đảm bảo khả năng tích hợp, kết nối liên thông của hệ thống…

* Ngày 7-1, Bưu điện tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đồng chí Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bưu điện tỉnh Kon Tum tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; năng động, sáng tạo, đoàn kết;  đẩy mạnh hoạt động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng và phát triển mạng lưới đến tận vùng sâu, vùng xa; tiếp tục làm tốt công tác dịch vụ hành chính công như đã quy định… nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Theo báo cáo, dù còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2016 Bưu điện tỉnh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch giao, tổng doanh thu phát sinh đạt 100,2% kế hoạch năm; doanh thu tính lương đạt 113% kế hoạch, tăng 29% so với năm 2015; đời sống cán bộ, người lao động được đảm bảo và nâng cao.

Năm 2017, Bưu điện tỉnh tiếp tục phấn đấu vượt kế hoạch từ 2% trở lên; tiếp tục mở rộng nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ; mở rộng mạng lưới và phát huy lợi thế, dịch vụ truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh…

Tại hội nghị, Bưu điện tỉnh Kon Tum đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông; 4 tập thể được nhận giấy khen của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong năm 2016…

2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:

* Ngày 29-12-2016, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Quyết định 412-QĐ/TU về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về “tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới”.

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo do Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở Đảng làm Trưởng Ban; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm Phó Trưởng ban Thường trực; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban; Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm Phó Trưởng Ban chuyên trách; 22 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Ban Chỉ đạo 04 Tỉnh ủy có nhiệm vụ: Tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết; báo cáo và đề xuất Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy những chủ trương, giải pháp để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ở các cấp, các ngành. Định kỳ đánh giá việc thực hiện, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy xem xét công nhận các xã đủ điều kiện đưa ra khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn, phân công lại các cơ quan, đơn vị nhận kết nghĩa xây dựng xã, thôn phù hợp với điều kiện từng cơ quan, đơn vị.

* Ngày 30/12/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 59/2016/QĐ-UBND về Đề án tổ chức, xây dựng, huấn luyện, hoạt động và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, Đề án tổ chức, xây dựng lực lượng DQTV nòng cốt gồm: Đăng ký, quản lý nguồn, tuyển chọn lực lượng DQTV nòng cốt; Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Cán bộ quản lý chỉ huy đơn vị DQTV; Quy định về chất lượng DQTV; Bảo đảm nhà làm việc, nhà ở và trang thiết bị chuyên ngành quân sự cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã và nhà ở cho tiểu đội Dân quân thường trực.

Công tác đào tạo, giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự gồm: Đào tạo cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Bồi dưỡng, tập huấn cán bộ; Giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự cho chiến sỹ DQTV; Đảm bảo chế độ, chính sách; Chế độ phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị DQTV; Chế độ, chính sách đối với Chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã, Thôn đội trưởng và Dân quân tự vệ; Chế độ phụ cấp thâm niên; Chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự; Chế độ trong tập huấn cán bộ DQTV và các chế độ khác.

Đề án nhằm mục tiêu xây dựng tỷ lệ đảng viên trong lực lượng Dân quân tự vệ, trong đó: Đảng viên trong Dân quân đạt 20% trở lên, Đoàn viên trong Dân quân đạt 60% trở lên; đảng viên trong Tự vệ đạt 52,48% trở lên, Đoàn viên trong lực lượng Tự vệ 57,52% trở lên. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức và cán bộ chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ các cấp đúng quy định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Phấn đấu có 100% Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng dân quân cơ động, Tiểu đội trưởng dân quân cơ động, Tiểu đội trưởng dân quân thường trực là đảng viên.100% Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã đạt trình độ Trung cấp trở lên, trong đó 35% đạt trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên; 80% Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã đạt trình độ Trung cấp trở lên, trong đó 35% đạt trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên; sắp xếp 80% Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự xã được đào tạo theo quy định. Tổ chức huấn luyện 100% cơ sở Dân quân tự vệ, quân số huấn luyện đạt 90% trở lên so với tổng số lực lượng Dân quân tự vệ, kết quả huấn luyện 100% đạt yêu cầu (trong đó 65% khá, giỏi trở lên).

* Ngày 30/12/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 61/2016/QĐ-UBND về Bảng đơn giá nhà, công trình xây dựng năm 2017 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo đó, Bảng đơn giá nhà, công trình xây dựng ban hành kèm theo Quyết định này áp dụng cho các đối tượng được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai năm 2013; áp dụng để quản lý các hoạt động mua bán, kinh doanh nhà ở, tính thuế và các loại phí, lệ phí có liên quan đến nhà ở theo quy định của pháp luật.

Quyết định này có hiệu kể từ ngày 09/01/2017 và thay thế Quyết định số 55/2015/QĐ-UBND ngày 28/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Bảng đơn giá nhà, công trình xây dựng năm 2016 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này theo đúng quy định; xây dựng bảng đơn giá nhà, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 01/12 hàng năm để xem xét ban hành và thực hiện từ ngày 01/01 năm sau.

Ngày 30/12/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 60/2016/QĐ-UBND về việc bãi bỏ một số chính sách đặc thù đối với các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo đó: (1) Bãi bỏ Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND ngày 06/01/2012 của UBND tỉnh Kon Tum Quy định một số chính sách đặc thù đối với các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum; (2) Bãi bỏ Quyết định số 17/2014/QĐ-UBND ngày 26/02/2014 của UBND tỉnh Kon Tum về việc sửa đổi Khoản 1, Điều 3, Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND ngày 06/01/2012 của UBND tỉnh Quy định một số chính sách đặc thù đối với các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; (3) Bãi bỏ Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 59/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh về việc kéo dài thời gian thực hiện các Quyết định của UBND tỉnh hết hiệu lực vào cuối năm 2015.

UBND tỉnh Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan tham mưu triển khai thực hiện và xử lý các tồn đọng (nếu có) đối với các chính sách đặc thù đang triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 38/2011/NQ-HĐND ngày 05/12/2011 của HĐND tỉnh.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

* Ngày 30/12/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1637/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó:

Mục tiêu của phương án nhằm nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng và hiệu lực của công tác PCCCR, chủ động trong công tác PCCCR đối với Ban chỉ huy các cấp và các đơn vị chủ rừng chủ rừng, hạn chế các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra; tập trung bảo vệ an toàn trước nạn lửa rừng đối với các khu rừng đặc dụng, rừng biên giới, rừng tự nhiên còn giàu tài nguyên, các khu rừng phòng hộ, khu vực rừng thông, rừng khộp và rừng trồng các loại, góp phần bảo vệ phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Về phạm vi thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó xác định khu vực trọng điểm và diện tích rừng dễ cháy, gồm: Khu vực 1, có nguy cơ cháy rừng rất cao, gồm các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H'Drai với diện tích rừng 90.423,3 ha (40.480,4 ha rừng  trồng; 49.943 ha rừng tự nhiên); Khu vực 2, có nguy cơ cháy rừng cao, gồm các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum với diện tích rừng 14.932,2 ha (6.651,3 ha rừng trồng, 8.280,9 ha rừng tự nhiên); Khu vực 3, có nguy cơ cháy rừng trung bình, gồm các huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông với diện tích rừng 55.406,5 ha (9.769,1 ha rừng trồng, 45.637,4 ha rừng tự nhiên).

Tổng nhu cầu kinh phí của phương án khoảng 246 tỷ đồng. Hiệu quả của phương án bảo vệ được diện tích rừng hiện có, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, tác động tích cực và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến; nâng cao năng lực PCCCR về chỉ đạo, chỉ huy, trình độ chuyên môn; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư ở các thôn, làng và chính quyền cơ sở thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn; xây dựng được quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành góp phần thực hiện có hiệu quả công tác PCCCR; xây dựng được lực lượng PCCCR từ cơ sở để làm nòng cốt, phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tham gia chữa cháy rừng khi xảy ra; sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư cho công tác PCCCR; phân định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của chủ rừng, thôn, làng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong PCCCR; đưa công tác PCCCR vào nề nếp ở các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, chủ rừng, cộng đồng dân cư thôn làng nhằm phát huy sức mạnh của toàn xã hội để từng bước thực hiện xã hội hoá công tác PCCCR.

UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT tổ chức hướng dẫn cụ thể các đơn vị, địa phương, các đơn vị chủ rừng tổ chức triển khai thực hiện Phương án; tham mưu sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện theo quy định.

* Ngày 04/01/2017, UBND tỉnh ban hành văn bản số 12/UBND-KGVX yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai một số nội dung liên quan rà soát, chấn chỉnh việc tổ chức học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.

Theo đó, tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể giáo viên nội dung Công văn số 521/BGDĐT-NGCBQLCSGD ngày 03/02/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông để giáo viên hiểu rõ việc chuyển từ ngạch sang hạng chức danh nghề nghiệp chưa yêu cầu ngay giáo viên phải đạt trình độ ngoại ngữ, tin học theo quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Tại thời điểm này, chỉ những giáo viên có nhu cầu thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì mới cần phải bảo đảm có đủ trình độ/chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định. Không được bắt buộc tất cả các giáo viên khi chuyển từ ngạch sang hạng chức danh nghề nghiệp phải có trình độ/chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ngay theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị tổ chức dạy, thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trên địa bàn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Có biện pháp xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong việc tổ chức học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cũng như tổ chức dạy học không bảo đảm chất lượng.

Nguyễn Phi Em (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Lượt xem:307 | lượt tải:144

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Đào Duy Tùng

Lượt xem:389 | lượt tải:332

TÀI LIỆU

Giao ban báo chí quí I-2024

Lượt xem:241 | lượt tải:74

HD.51.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:65 | lượt tải:29

TÀI LIỆU

phổ biến, quán triệt Kết luận 72.TW và Chương trình 77.TU (gửi kèm CV 2303-CV/BTGTU)

Lượt xem:618 | lượt tải:700

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú

Lượt xem:698 | lượt tải:291

HD.50.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:671 | lượt tải:369


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm130
  • Hôm nay7,933
  • Tháng hiện tại290,587
  • Tổng lượt truy cập30,366,137
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây