Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) được thành lập ngày 20/9/1972. Ngay sau khi thành lập, Sư đoàn đã chiến đấu và lập công xuất sắc ở Plei Cần, Đăk Siêng, Đăk Pét, Non Nước, mở rộng vùng giải phóng ở Bắc Kon Tum, góp phần cùng với các đơn vị tạo thế và lực mới cho chiến trường Tây Nguyên. Trong chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn là đơn vị nổ súng đầu tiên mở màn cho chiến dịch tiến công tiêu diệt địch phòng ngự ở Đức Lập, cùng các đơn vị giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, Quân cảng Cam Ranh và toàn tỉnh Khánh Hòa. Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt 02 trong 05 mục tiêu chủ yếu là Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Sau ngày miền Nam giải phóng, Sư đoàn làm nhiệm vụ phát động quần chúng, truy quét Phun Rô, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam Pu Chia và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong thời kỳ mới, Sư đoàn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
50 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển, bằng máu, mồ hôi, công sức, trí tuệ, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết - Thống nhất - Kiên cường - Quyết thắng”. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Sư đoàn 02 lần được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1975 và 1979); 01 Huân chương Hồ Chí Minh, 12 Huân chương Quân công, 37 Huân chương Chiến công các hạng và được Nhà nước Cam Pu Chia tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Sư đoàn còn có 03 Trung đoàn, 06 Tiểu đoàn, 07 Đại đội và 12 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Kết quả đó là sự kết tinh của nhiều yếu tố, trong đó không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn. Quán triệt, cụ thể hoá Nghị quyết số 765-NQ/QUTW; Nghị quyết 570-NQ/ĐU của Đảng uỷ Quân đoàn, Đảng ủy Sư đoàn đã ban hành Nghị quyết số 459-NQ/ĐU, ngày 08/4/2013 về “lãnh đạo nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Hằng năm, Đảng ủy Sư đoàn ban hành kết luận lãnh đạo và chỉ đạo các cấp ủy, chi bộ ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng huấn luyện. Trong nghị quyết đại hội nhiệm kỳ, nghị quyết thường kỳ của các cấp ủy, chi bộ đều xác định mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp lãnh đạo công tác huấn luyện; chỉ huy các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện chặt chẽ, sát đặc điểm tình hình và từng đối tượng huấn luyện với những giải pháp cụ thể.
Trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn lãnh đạo thực hiện tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò của công tác huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ. Đây là nội dung rất quan trọng để định hướng nhận thức, tư tưởng cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung giáo dục cho bộ đội nắm chắc các nội dung trọng tâm trong nghị quyết của trên về “nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Quân đoàn và nhiệm vụ của đơn vị, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, các tổ chức và mọi cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện. Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn, yêu cầu cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị; kết hợp chặt chẽ các hình thức giáo dục chính trị; giữa giáo dục chính trị cơ bản với giáo dục thường xuyên; giữa giáo dục chung và giáo dục riêng, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vinh dự, trách nhiệm và niềm tự hào là người chiến sĩ của Sư đoàn hai lần anh hùng. Quá trình giáo dục coi trọng việc liên hệ thực tiễn, định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động; xây dựng bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng kỹ năng sống cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, tiến hành tốt hoạt động thi đua trong huấn luyện gắn với thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng và cuộc vận động của các ngành, v.v. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ có tư duy và nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện trong tình hình hiện nay; xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Sư đoàn và từng đơn vị, là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi quân nhân, là một trong những điều kiện hàng đầu bảo đảm cho Sư đoàn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Sư đoàn xác định để nâng cao chất lượng huấn luyện phải tập trung làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện. Trong đó, đi sâu vào công tác tập huấn cán bộ, đây là khâu quan trọng then chốt, nếu có cán bộ giỏi thì mới có đơn vị giỏi. Sư đoàn chỉ đạo đơn vị tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đội ngũ giáo viên, đội mẫu, thao trường tập huấn; trước thời gian tổ chức tập huấn, giáo viên và đội mẫu được chuẩn bị, thông qua và thục luyện kỹ nên làm chủ về nội dung, tổ chức và phương pháp huấn luyện. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào những khâu yếu, mặt hạn chế, như: huấn luyện đêm, huấn luyện tập chiến thuật đề mục vượt sông, huấn luyện đội ngũ chiến thuật cấp trung đội, đại đội, v.v… Hằng năm, Sư đoàn đều tổ chức từ 60 đến 70 lớp tập huấn cho các đối tượng để thống nhất nội dung, phương pháp huấn luyện, trong đó tập trung vào những nội dung còn hạn chế của năm trước; tiến hành tổ chức tập huấn bù, vét bảo đảm 100% quân số tham gia. Trong quá trình huấn luyện, Sư đoàn kiên quyết khắc phục triệt để tình trạng huấn luyện “chay”, “nóng vội”, không sát thực tế. Đồng thời, chủ động củng cố, làm mới mô hình, học cụ; nâng cấp, tu sửa hệ thống thao trường, bãi tập bảo đảm chất lượng, trọng tâm là thao trường huấn luyện bắn súng bộ binh, ném lựu đạn, thuốc nổ và huấn luyện chiến thuật. Tổ chức tốt hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện cấp Sư đoàn, trung đoàn. Cùng với đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ huấn huyện, sẵn sàng chiến đấu. Hằng năm trước khi bước vào huấn luyện, Sư đoàn phát động phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến cải tiến mô hình học cụ, làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện”, nhờ đó nhiều mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn.
Với đặc thù tỷ lệ chiến sĩ là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện với nhiều biện pháp, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, như: biên chế số chiến sĩ có chung ngôn ngữ trong cùng tiểu đội, trung đội; cán bộ trung đội trưởng, tiểu đội trưởng cũng được lựa chọn, biên chế phù hợp; trong huấn luyện chú trọng sử dụng mô hình trực quan và thực hành động tác mẫu. Ngoài ra, Sư đoàn còn tổ chức “dạy thêm cho các đồng chí tái mũ chữ” để nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức trong huấn luyện. Quá trình huấn luyện các cơ quan, đơn vị bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; huấn luyện toàn diện, đồng bộ, chuyên sâu; tích cực huấn luyện tối, huấn luyện đêm và rèn luyện bộ đội mang vác nặng, hành quân ở mọi quãng đường và mọi địa hình khác nhau để tăng sức khỏe dẻo dai, đồng thời huấn luyện cho bộ đội làm chủ các loại VKTB mới được biên chế, huấn luyện sát đối tượng và địa bàn tác chiến, sát với thực tế chiến đấu. Vận dụng linh hoạt quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp, tổ chức, triển khai huấn luyện chặt chẽ, sát với từng đối tượng. Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phương châm: “cấp trên dạy cấp dưới, chỉ huy dạy đơn vị”, cán bộ có nhiều kinh nghiệm, phương pháp huấn luyện và thực hành tốt bồi dưỡng cho cán bộ kinh nghiệm còn hạn chế, nhất là cán bộ trung đội, cán bộ trẻ mới ra trường. Duy trì nền nếp thông qua giáo án, bồi dưỡng cán bộ ngày thứ 6, (chiến sĩ mới ngày thứ 7) hàng tuần và việc “tự học, tự rèn”, gắn tổ chức bình giảng, bình học, hội thao sau mỗi giờ, mỗi ngày huấn luyện để kịp thời chỉ ra khâu yếu, mặt yếu rút kinh nghiệm và khắc phục ngay tại thao trường, bãi tập. Ngoài ra, các đơn vị của Sư đoàn còn tích cực hành quân dã ngoại làm công tác dân vận ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới giúp nhân dân sản xuất, hướng dẫn đồng bào chuyển đổi giống cây trồng có năng suất cao vào canh tác... góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân các dân tộc Tây Nguyên; đồng thời giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân. Với những giải pháp thiết thực đó, đến nay: 100% cán bộ của Sư đoàn huấn luyện được theo phân cấp, cán bộ tiểu đoàn có trên 80%; cán bộ trung đội, đại đội có trên 75% khá, giỏi. Đây là lực lượng hạt nhân, nòng cốt để bảo đảm chất lượng huấn luyện của Sư đoàn không ngừng được nâng cao.
Sư đoàn chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc hội thi, hội thao và diễn tập các cấp, nhất là diễn tập CH-CQ 1 bên 2 cấp ngoài thực địa, diễn tập VTH cấp c, d có bắn đạn thật, diễn tập hiệp đồng quân binh chủng. Quá trình huấn luyện kết hợp chặt chẽ với rèn luyện thể lực, XDCQ và luyện tập các phương án SSCĐ, thông qua đó rèn luyện nâng cao trình độ chỉ huy chiến đấu cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp trung đội, đại đội, tiểu đoàn, khả năng hiệp đồng chiến đấu, khả năng cơ động của các bộ phận, các lực lượng, bảo đảm cho Sư đoàn luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong bất luận mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh.
Những kết quả đạt được trong công tác huấn luyện đã trực tiếp xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ kỹ chiến thuật tốt, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Đây là tiền đề quan trọng để Sư đoàn 10, tiếp nối truyền thống anh hùng, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Bài, ảnh: Thiếu tá Đàm Duy Hùng
(Sư đoàn 10)