KẾT NGHĨA, XÂY DỰNG XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN - Một chủ trương đúng đắn, hướng về cơ sở của Kon Tum được thực hiện liên tục, bền bỉ suốt 30 năm qua 

KẾT NGHĨA, XÂY DỰNG XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN - Một chủ trương đúng đắn, hướng về cơ sở của Kon Tum được thực hiện liên tục, bền bỉ suốt 30 năm qua

Thứ năm - 26/08/2021 13:54
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã nỗ lực cố gắng vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và giành được nhiều thành tựu quan trọng, có được những kết quả đó là do Đảng bộ tỉnh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, trong đó có chủ trương kết nghĩa, xây dựng các xã đặc biệt khó khăn, khởi đầu là Chỉ thị 10, tiếp đến là Nghị quyết 01 và nay là Nghị quyết 04.
Những vườn cà phê xanh mướt, trĩu quả...ở vùng sâu, vùng xa là kết quả của chủ trương kết nghĩa, xây dựng xã đặc biệt khó khăn của tỉnh
Những vườn cà phê xanh mướt, trĩu quả...ở vùng sâu, vùng xa là kết quả của chủ trương kết nghĩa, xây dựng xã đặc biệt khó khăn của tỉnh
Tỉnh Kon Tum vào thời điểm được thành lập lại (tháng 8/1991) có rất nhiều khó khăn, thách thức, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều yếu kém, lạc hậu; giao thông đi lại rất khó khăn, nhiều xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ hộ đói nghèo rất cao (trên 65%); sự chênh lệch về nhiều mặt giữa các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với các thị trấn, thị xã rất lớn; đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Trước thực trạng đó, ngày 28-3-1994, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về việc xây dựng các xã vùng cao, vùng biên giới gồm 4 nội dung cơ bản là (1) phát triển kinh tế-xã hội; (2) giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; (3) xây dựng Đảng và (4) công tác vận động quần chúng, với mục đích tập trung sự nỗ lực của các cấp, các ngành của tỉnh hướng về cơ sở nhằm tạo sự chuyển biến toàn diện các mặt ở những nơi đó; từng bước thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng.
Với những kết quả bước đầu thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 1995-2000, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã tập trung thảo luận và thông qua Nghị quyết “về việc tiếp tục xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn” (Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 25-5-1996). Nghị quyết đã đề ra những mục đích, yêu cầu, mục tiêu, quan điểm rất cụ thể, rõ ràng, vì sự phát triển của các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn trên địa bàn:
Về mục đích, yêu cầu: Nghị quyết yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để xây dựng xã kết nghĩa; nội dung xây dựng xã phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện cụ thể, cần theo phương châm: xây dựng kinh tế là trung tâm, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, nhiệm vụ an ninh quốc phòng là thường xuyên và quan trọng. Phải khắc phục cho được tư tưởng ỷ lại, trông chờ cấp trên mà không chủ động, dám nghĩ, dám làm; khắc phục tư tưởng cầu toàn, nhận thức lệch lạc, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi hoặc làm nóng vội, muốn làm cho nhanh, có kết quả tức thời.
Mục tiêu của Nghị quyết là: Tập trung mọi nguồn lực, vượt qua khó khăn, làm chuyển biến rõ rệt về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn, đưa công cuộc đổi mới phát triển toàn diện và đồng bộ hơn. Phấn đấu đến năm 2000, ở các vùng này cơ cấu kinh tế phải chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định định canh định cư, cơ bản xóa được hộ đói, giảm được hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nghị quyết đề ra 6 quan điểm: (1) Vai trò của các cơ quan nhận xây dựng xã không phải là đến giải quyết, làm thay nhiệm vụ cho xã mà chỉ giữ vai trò hướng dẫn, cung cấp thông tin cho xã, giúp xã xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và phản ánh tình hình cơ sở cho huyện, tỉnh để chỉ đạo giải quyết theo quyền hạn được phân cấp. (2) Tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân của xã không trông chờ ỷ lại vào các cơ quan nhận xây dựng xã, mà cần chủ động giải quyết công việc của xã, của từng hộ gia đình. (3) Cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhận xây dựng xã, đôn đốc, kiểm tra và tổ chức thực hiện có hiệu quả. (4) Các sở, ban, ngành, đoàn thể cần chủ động bàn bạc với các huyện, cơ sở và các ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, xác định hướng đi đúng đắn cho từng lĩnh vực cụ thể; thường xuyên sát cơ sở để giúp triển khai kế hoạch đã đề ra. (5) Các cơ quan, đơn vị nông lâm trường, quân đội, biên phòng đóng chân trên địa bàn, có trách nhiệm phối hợp với địa phương làm tốt vai trò "bà đỡ", tạo điều kiện cho các xã có bước phát triển nhanh hơn. (6) Trong công tác chỉ đạo để thực hiện nghị quyết này cần xác định là nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản có ý nghĩa chiến lược đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, thu hẹp dần sự chênh lệch trên tất cả các mặt, không phải là nhằm xử lý những vấn đề cấp bách theo giải pháp tình thế.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 25-5-1996 của Tỉnh uỷ khoá XI, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền, công tác vận động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, sự giúp đỡ xây dựng của các cơ quan, đơn vị nhận kết nghĩa xây dựng xã, sự nỗ lực cố gắng vươn lên của Nhân dân các dân tộc, tình hình các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có những chuyển biến tích cực: Kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại làm ăn có hiệu quả; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân; sự nghiệp văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên một bước; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện; diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa từng bước thay đổi; an ninh quốc phòng được giữ vững và tăng cường; hệ thống chính trị ở cơ sở và thôn, làng được xây dựng, củng cố, hoạt động có hiệu quả hơn; đã từng bước khắc phục tình trạng quan liêu xa dân, xa rời cơ sở của đội ngũ cán bộ từ tỉnh xuống cơ sở; mối quan hệ công-nông-trí thức, mối quan hệ giữa cán bộ tỉnh, huyện, thị xã với cán bộ và quần chúng Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng gắn bó; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được nhanh chóng phổ biến xuống cơ sở, nhân dân và được triển khai thực hiện hiệu quả hơn; những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân được lắng nghe, những khó khăn vướng mắc ở cơ sở được kịp thời phát hiện và giải quyết, tháo gỡ.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa vững chắc, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tốc độ phát triển kinh tế, xã hội còn chậm, không đồng đều; sản xuất tự cung, tự cấp còn phổ biến; chất lượng nguồn nhân lực còn rất thấp, chưa đủ khả năng tự vươn lên chủ động sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc thiểu số còn chênh lệch quá xa với vùng thị trấn, thị xã, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn các nhân tố gây mất ổn định nhưng chưa được giải quyết triệt để; hệ thống chính trị ở cơ sở và thôn, làng còn nhiều yếu kém, bất cập.
Trên cơ sở đánh giá nghiêm túc, khách quan kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XI, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã thảo luận và ban hành Nghị quyết “về đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn” (Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14-6-2007) với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2010 giảm 50% và đến năm 2015 giảm 100% số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; đến năm 2010 có hơn 70% và đến năm 2015 có 100% số thôn, làng cơ bản đạt tiêu chuẩn thôn, làng no đủ-vững mạnh-an toàn.
Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 14-6-2007 của Tỉnh ủy khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn” đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn chưa đồng bộ; một số thôn (làng) chưa có điện lưới quốc gia; giao thông đi lại còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với trung bình chung của tỉnh, một số hộ đã thoát nghèo nhưng chưa bền vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn diễn biến phức tạp...
Để tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã xây dựng và ban hành Nghị quyết “về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới” (Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 19-8-2016) với mục tiêu: (1) Đến năm 2020, có trên 30% số xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6 đến 8%/năm; 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% thôn (làng) có tổ chức đảng. (2) Đến năm 2025, có trên 50% số xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Quá trình thực hiện chủ trương kết nghĩa, xây dựng xã đặc biệt khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất chú trọng đến khâu tổ chức thực hiện nên đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Giai đoạn đầu (từ năm 1996 đến năm cuối 1999), thì Ban Kinh tế Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Sau thời điểm giải thể Ban Kinh tế Tỉnh ủy do thực hiện NQTW 7 khóa VIII (tháng 12/1999) thì lần lượt các cơ quan: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Khi có Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 14-6-2007 của Tỉnh ủy khóa XIII thì tỉnh kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo theo hướng chuyên sâu do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban kiêm nhiệm và một số đồng chí Phó ban chuyên trách (Ban Chỉ đạo có Bộ phận chuyên trách giúp việc gồm 7 đến 9 đồng chí có năng lực và trách nhiệm được điều chuyển, trưng tập, biệt phái từ các cơ quan, ban, ngành của tỉnh). Đến tháng 4/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Quyết định số 1226-QĐ/TU về sắp xếp Bộ phận chuyên trách giúp việc Ban Chỉ đạo 04 của Tỉnh ủy, theo đó chuyển Bộ phận chuyên trách giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về Ban Dân vận Tỉnh ủy và đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 04 Tỉnh ủy.
Có thể khẳng định, trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển địa phương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng mang tính trọng tâm, đột phá nhưng chủ trương đúng đắn, mang tính đặc trưng riêng có của tỉnh Kon Tum, đồng hành cùng các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong suốt 30 năm qua chính là chủ trương kết nghĩa, xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Mà khi nhắc đến chủ trương này, mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân đều nhớ đến người đề xuất, khởi xướng và tác giả chính của chủ trương này là đồng chí Sô Lây Tăng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, khóa VIII, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum khóa X, khóa XI.
Nhờ triển khai thực hiện chủ trương trên, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đã có sự phát triển đáng kể. Kinh tế tiếp tục phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, xây dựng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống Nhân dân trên địa bàn. Đời sống, văn hóa, tinh thần của Nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm trên 5,5%; đã có 29/85 xã (chiếm 34%) đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới.  Chất lượng giáo dục, y tế nâng lên; quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả… Đặc biệt, nhờ triển khai thực hiện chủ trương trên nên mối quan hệ máu thịt Đảng-Dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được thắt chặt; sự gắn bó giữa các cấp tỉnh-huyện-xã-thôn ngày càng bền vững, qua đó việc nắm bắt thông tin và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cơ sở được kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra điểm nóng ở cơ sở, ngay cả trong các đợt biểu tình, gây bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2020 và năm 2004 thì Kon Tum vẫn là địa bàn ổn định nhất trong khu vực. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng và tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương trong suốt 30 năm qua.  
Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ: “Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030”. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định “Tập trung huy động, đa dạng hóa các nguồn lực, kêu gọi khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kết hợp lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án triển khai trên cùng một địa bàn; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn (làng) khó khăn nhất, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo và các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương triển khai Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững". Đây là những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để tạo ra những xung lực mới cho việc xây dựng và phát triển các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 60 xã (70,5% số xã) trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 04 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.


Bài, ảnh: Nguyễn Quang Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Lượt xem:307 | lượt tải:144

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Đào Duy Tùng

Lượt xem:389 | lượt tải:332

TÀI LIỆU

Giao ban báo chí quí I-2024

Lượt xem:241 | lượt tải:74

HD.51.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:65 | lượt tải:29

TÀI LIỆU

phổ biến, quán triệt Kết luận 72.TW và Chương trình 77.TU (gửi kèm CV 2303-CV/BTGTU)

Lượt xem:618 | lượt tải:700

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú

Lượt xem:699 | lượt tải:291

HD.50.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:671 | lượt tải:369


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay8,072
  • Tháng hiện tại290,726
  • Tổng lượt truy cập30,366,276
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây