Qua xử lý, phân tích kết quả điều tra, cho thấy: người tham gia trả lời phiếu điều tra đã thể hiện ý thức và trách nhiệm chính trị của mình, trả lời đầy đủ, nghiêm túc các câu hỏi mà phiếu điều tra đề cập. Nhìn tổng thể, đại bộ phận công chúng đánh giá rất tích cực hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024, cụ thể:
(1) Đối với hoạt động của hệ thống chính trị: 8/8 nội dung chiếm tỷ lệ hơn 50% số người được hỏi đánh giá có sự thay đổi “tốt hơn”, trong đó 03 nội dung được đánh giá cao nhất gồm: (i) Công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng: 74,10%; (ii) Thay đổi cung cách, lề lối làm việc: 65,68%; (iii) Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là: 65,15%.
(2) Đối với lĩnh vực kinh tế: Khảo sát 7 nội dung, có 4 nội dung có hơn 50% số người đánh giá “tốt hơn” so với 6 tháng đầu năm 2023, đó là: (i) Công tác xây dựng nông thôn mới: 63,42%; (ii) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…): 60,18%; (iii) Lĩnh vực phát triển du lịch: 56,73%; (iv) Dịch vụ thương mại, ngân hàng, tín dụng: 52,53%.
(3) Đối với hoạt động văn hóa - xã hội: Có 6/6 nội dung có hơn 50% đánh giá "tốt hơn" so với 6 tháng đầu năm 2023, đặc biệt có 4 nội dung đạt trên 60%: (i) Chất lượng trong công tác dạy và học: 72,59%; (ii) Tình hình triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao: 69,46%; (iii) Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân: 63,21%; (iv) Việc triển khai các hoạt động an sinh xã hội: 61,58%.
(4) Về quốc phòng - an ninh: 4/4 nội dung chiếm tỷ lệ hơn 60% số người được hỏi đánh giá có thay đổi tích cực, trong đó có 2 nội dung có trên 70% số người được hỏi đánh giá "tốt hơn năm 2023": (i) Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn: 72,35%; (ii) Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm: 70,14%.
(5) Đối với hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã, phường, đa số các ý kiến đều đánh giá đạt hiệu quả cao, cụ thể: Tổ chức Đảng (chi bộ, đảng bộ): 56,70%; HĐND: 51,14%; UBND: 54,00%;…
(6) Về một số nội dung trong tổ chức quán triệt, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên địa bàn hiện nay: Có 4/4 nội dung chiếm tỷ lệ trên 90% số người được hỏi đánh giá "tốt": (i) Công tác chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu: 96,34%; (ii) Công tác quản lý của ban tổ chức: 94,35%; (iii) Trình độ, năng lực, kỹ năng truyền đạt của báo cáo viên: 91,52%; (iv) Ý thức tham gia của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…: 90,55%.
(7) Có 5/10 nội dung người trả lời phiếu đánh giá “ấn tượng nhiều” trong 6 tháng đầu năm 2024, cụ thể: (i) Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: 78,24%; (ii) Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa: 65,28%; (iii) Xây dựng nông thôn mới: 64,76%; (iv) Công tác xóa đói giảm nghèo; thực hiện chính sách an sinh xã hội: 60,25%; (v) Tăng trưởng kinh tế: 50,46%.
(8) Có 7/8 nội dung các ý kiến đánh giá là “quan trọng”, chiếm tỷ lệ trên 50% trong công tác tuyên truyền, vận động của Đảng, cụ thể: (i) Đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân : 71,6%; (ii) Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng bảo đảm thật sự thiết thực, hiệu quả: 70,5%; (iii) Đề cao thông tin giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, giá trị văn hóa, con người Việt Nam, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên: 58,9%; (iv) Tăng cường thông tin, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng: 57,1%; (v) Coi trọng thông tin đa dạng, nhiều chiều, thông tin có tính chất phản biện để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đúng, đủ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước: 54,6%; (vi) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: 54,5%...
(9) Về dự đoán của người trả lời phiếu về khả năng phát triển đối với 5 lĩnh vực của tỉnh Kon Tum trong 6 tháng cuối năm 2024, trong đó có 01 nội dung chiếm tỷ lệ trên 50% số người trả lời cho rằng "Có tăng trưởng nhưng không đáng kể" là lĩnh vực Công nghiệp: 52,53%; có 40,53% ý kiến cho rằng sẽ “tăng trưởng mạnh” trong lĩnh vực du lịch; tương tự có 32,65% trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại; 27,39% trong lĩnh vực thu hút đầu tư; 32,59% trong lĩnh vực Nông nghiệp.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, những vấn đề người trả lời phiếu đã bày tỏ quan tâm và lo lắng, cụ thể: (1) Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có 52,2% ý kiến quan tâm; (2) Tương tự, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội ngày càng nhiều 46,7%; (3) Vấn đề lạm phát, tăng giá các loại hàng hóa thiết yếu 42,3%; (4) tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm 41,8%; (5) Nạn côn đồ, tín dụng đen, xã hội đen 40,1%; (6) Vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng 40%; (7) Lối sống đua đòi, buông thả, không phù hợp với giá trị đạo đức của dân tộc ngày càng xuất hiện nhiều trong giới trẻ 34,7%; (8) Vấn đề ô nhiễm môi trường các nguồn nước do nguồn thải của các nhà máy; ô nhiễm môi trường tại các bãi tập kết rác thải 28,7%; (9) Tình trạng tàng trữ trái phép, buôn bán, sử dụng các chất ma tuý 20,7%...
Qua đợt điều tra này, Ban Tuyên giáo cũng tổng hợp được nhiều nội dung kiến nghị, đề xuất của Nhân dân, trong đó tập trung vào một số vấn đề: Mong muốn chính quyền các cấp, các ngành hữu quan cần quan tâm hơn việc giải quyết đầu ra cho các mặt hàng nông sản của nông dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh nông sản, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân; đồng thời tăng cường kiểm tra việc thu mua nông sản của một số nhà máy, tránh tình trạng ép giá đối với nông dân. Xử lý nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc đầu tư xây dựng các công trình từ ngân sách Nhà nước. Quan tâm đẩy mạnh ứng dụng phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả ở nông thôn nhằm nâng cao đời sống người dân, nhất là trong vùng đồng bào DTTS…Trong lĩnh vực văn hoá-xã hội, cần tăng cường công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn; chú trọng các giải pháp duy trì và xây dựng không gian văn hóa cộng đồng dành cho các hoạt động gắn với Nhà rông, các lễ hội cồng chiêng, lễ hội văn hóa các dân tộc; nâng cao công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân; công tác phòng chống các dịch bệnh. Quan tâm hơn công tác phát triển nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tránh chạy theo số lượng, bệnh thành tích. Đẩy mạnh công tác dân vận thông qua giải pháp tăng cường tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc của người dân. Tiếp tục có giải pháp củng cố, giữ vững, tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường kiểm soát thông tin mạng xã hội; tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt tội phạm liên quan đến ma túy hiện nay trong giới trẻ…Cần quyết liệt hơn trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, chạy chức chạy quyền. Kiên quyết cho thôi việc, nghỉ việc…đối với đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lấy lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Có chính sách ưu đãi đối với cán bộ công chức đang công tác tại xã biên giới, đặc biệt là công chức phụ trách văn hóa - xã hội, văn hóa thông tin. Quan tâm bố trí biên chế đối với cán bộ văn phòng Đảng ủy các xã, phường, thị trấn. Quan tâm công tác dân vận, tuyên giáo, MTTQ…ở cơ sở góp phần giáo dục, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước…
Bài, ảnh: Nguyễn Phi Em