Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Tin tức tổng hợp tuần (từ 09-9 đến 15-9-2019)

Công an tỉnh phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tổ chức Chương trình "Vui Tết Trung thu 2019” cho các em thiếu nhi thôn Plei Sar và Lâm Tùng, xã Ia Chim, TP.Kon Tum. (nguồn: baokontum.com.vn)
1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Tin nhân sự trong tuần: Sáng 11-9, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định số 677/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc bổ nhiệm đồng chí Đào Xuân Thủy - Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray giữ chức vụ Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, thời gian bổ nhiệm 5 năm, kể từ ngày 9/9/2019.
* Chiều 8-9, thôn Plei Sar, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) tổ chức họp dân để các đối tượng vi phạm xin lỗi trước dân và các cấp chính quyền địa phương.
Dự buổi họp có đại diện lãnh đạo Thành ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể thành phố Kon Tum; Đảng ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã Ia Chim cùng đông đảo bà con nhân dân trong thôn.
Sau khi hết chu kỳ khai thác, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tiến hành tái canh cây cao su trên diện tích 209,8ha tại thôn Plei sar, xã Ia Chim. Tuy nhiên, tại thời điểm này, có một số đối tượng trong làng xúi giục một số người dân ở thôn Plei Sar và thôn Lâm Tùng chiếm đất, khống chế chiếm đất trái pháp luật và đã có hành vi vi phạm pháp luật như đánh người, trói người trái phép.
Sau khi được các cấp chính quyền giáo dục, tuyên truyền, thuyết phục, các đối tượng đã nhận ra việc làm sai trái của bản thân. Tại buổi họp dân, 32 đối tượng vi phạm đã đứng ra xin lỗi trước bà con nhân dân trong thôn và chính quyền các cấp vì đã có những việc làm sai trái; mong được bà con, các cấp chính quyền tha thứ và mong bà con đừng bao giờ nghe, tin, làm theo những kẻ xấu kích động, xúi giục.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đang tiến hành trồng mới cây cao su trên diện tích 209,8ha nêu trên. Đồng thời, thành phố Kon Tum đã tiến hành giao đất ở, đất sản xuất cho 133 hộ dân tại thôn Plei Sar.
* Ngày 9-9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Mặt trận đến cuối năm 2019 cho cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trung ương, cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, có đồng chí Nguyễn Trung Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường trực; trưởng, phó các Ban chuyên môn, Văn phòng Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cán bộ, công chức Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 (được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 18-20/9/2019) là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, thực sự là ngày hội đại đoàn kết của toàn dân tộc. Đồng chí cho biết, để có được hệ thống Hội nghị trực tuyến này là nhờ vào sự thống nhất, quyết tâm của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài Chính; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel; Hệ thống hội nghị trực tuyến là sự mong mỏi của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ làm công tác Mặt trận qua các thời kỳ; đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác Mặt trận trong tình hình mới đạt hiệu quả hơn, nhất là việc nắm tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân được kịp thời, truyền đạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; công tác tập huấn, triển khai nhiệm vụ, sơ kết, tổng kết được thiết thực, giảm chi phí, thời gian đi lại, được nhiều người tham gia và cập nhật triển khai nhiệm vụ được một cách nhanh nhất, hiểu quả nhất.
Ngay sau lễ khai trương Hội nghị truyền hình trực tuyến, đồng chí Trần Thanh Mẫn đã phát biểu chỉ đạo nhiệm vụ công tác Mặt trận từ nay đến cuối năm 2019 tới Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 điểm cầu trong cả nước. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, từ nay đến cuối năm 2019, Mặt trận các địa phương cần tập trung tổ chức tốt Tháng cao điểm vì người nghèo và hưởng ứng Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 89 năm, ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019, hướng tới Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam… Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy chế, nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong năm 2019; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, người nghèo trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý năm 2020.
* Sáng 9-9, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh tổ chức Lễ trao tặng học bổng và quà cho 89 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có tinh thần vượt khó của huyện Ia H’Drai.
Tại buổi lễ, Hội đã trao tặng 10 suất học bổng trị giá 1 triệu đồng/suất cho 10 học sinh nghèo; trao tặng 45 chiếc áo trắng, 13 chiếc áo mưa, 21 chiếc áo ấm và 100 quyển vở học sinh cho 89 trẻ em nghèo của 2 xã Ia Tơi và Ia Dom (huyện Ia H’Drai) với tổng trị giá 17,2 triệu đồng.
* Chiều 9-9, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức Chương trình Trung thu sẻ chia yêu thương cho các em học sinh Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (xã Ngọc Bay, TP.Kon Tum).
Tại Chương trình, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các đơn vị, nhà hảo tâm trao tặng 300 cặp sách, 1.500 quyển vở, 300 suất bánh kẹo, sữa tươi với tổng trị giá 45 triệu đồng cho 300 em học sinh nhà trường.
* Chiều 9-9, Công an tỉnh phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tổ chức Chương trình "Vui Tết Trung thu 2019” cho các em thiếu nhi thôn Plei Sar, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum).
Tại đây, các đơn vị tổ chức trò chơi dân gian, múa lân, biểu diễn văn nghệ và trao tặng hơn 470 suất quà (gồm bánh, kẹo với trị giá 30.000 đồng/suất) cho các em thiếu nhi thôn Plei Sar.
Theo kế hoạch, chiều 10-9, các đơn vị trên tiếp tục tổ chức chương trình “Vui Tết Trung thu 2019” và trao tặng hơn 230 suất quà (gồm bánh, kẹo với trị giá 30.000 đồng/suất) cho các em thiếu nhi tại thôn Lâm Tùng, xã Ia Chim.
* Sáng 9-9, huyện Ngọc Hồi tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 -2020.
Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, đến nay, huyện Ngọc Hồi đã có 3 xã là Đắk Nông, Đắk Kan, Bờ Y hoàn thành 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đạt từ 9-15 tiêu chí. Để có được kết quả này, huyện Ngọc Hồi đã tích cực ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Cùng với nguồn vốn ngân sách đầu tư, huyện đã huy động các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng với tổng trị giá đóng góp hơn 14 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, huyện đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu có ít nhất 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện đã phê duyệt phương án thực hiện xây dựng 01 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại thôn 4 xã Đăk Kan. Đồng thời tiếp tục lồng ghép các nguồn lực, phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 02 xã là Đăk Dục và Đăk Xú đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhân dịp này, UBND huyện Ngọc Hồi đã tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong Phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020”.
* Sáng 10-9, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum về nội dung triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải; lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh.
Về lĩnh vực khoa học – công nghệ, từ đầu năm đến nay, tỉnh Kon Tum đã ban hành 17 nghị quyết, quyết định phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; thực hiện phê duyệt 10 đề tài, dự án khoa học – công nghệ; giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho 03 dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh; hoàn thiện Chuyên san song ngữ Việt – Anh “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum”. Đáng chú ý, trong năm nay, tỉnh đã hỗ trợ 1 doanh nghiệp vay vốn 500 triệu đồng từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ để triển khai dự án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây hoa lan kim tuyến tại huyện Kon Plông.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khoa học và công nghệ thuộc Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh để chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất; tham mưu Chính phủ hoàn thiện một số quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Đối với tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng mong muốn tỉnh đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên kết, phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm chuyển giao, ứng dụng thành công khoa học, công nghệ vào lao động, sản xuất; đồng thời tăng cường vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã đối với việc xây dựng chuỗi liên kết giá trị, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm dược liệu, hàng nông sản.
* Chiều 10-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2015-2020). Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan. 
Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei đã bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, kinh tế-xã hội có sự phát triển và khởi sắc; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng.
Năm 2018, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 27,6 tỷ đồng (vượt 25,5% mục tiêu của Nghị quyết); thu nhập bình quân đầu người đạt 22,2 triệu đồng (đạt 58,4% chỉ tiêu Nghị quyết); các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời; đời sống của người dân từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của huyện chưa được khai thác hiệu quả; kết cấu hạ tầng còn hạn chế; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị có mặt chưa tốt; tiến độ triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới chưa đạt tiến độ đề ra; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đất đai, rừng, tôn giáo có mặt còn hạn chế; chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei chủ động, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trước mắt, khẩn trương rà soát các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2015-2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp cụ thể, sát thực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt kết quả ở mức cao nhất; đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các kết luận, chỉ thị của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được xác định.
Về kinh tế, tập trung phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tăng cường thu hút, huy động nguồn lực để đầu tư, tạo sự đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đầu tư phát triển các khu đô thị mới; tăng cường xúc tiến đầu tư; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, môi trường; chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời và khắc phục các hậu quả do thiên tai gây ra; tập trung đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ; thu hút phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.
Về văn hóa-xã hội, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nhất là chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS; tăng cường củng cố mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là ở các thôn, làng ở xa trung tâm, còn khó khăn; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thị trường lao động; thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và khôi phục, phát huy nghề truyền thống của các DTTS trên địa bàn.
Về quốc phòng, an ninh, thường xuyên bám sát địa bàn, đối tượng; kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề nhạy cảm phát sinh ngay từ cơ sở; đẩy mạnh các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông; thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” theo Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 22/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng; ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen”; tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý tốt đường biên, cột mốc, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới; đẩy mạnh hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội và phối hợp bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới.
Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; lãnh đạo triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 100-KH/TU, ngày 3/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025”; thực hiện tốt quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân trên địa bàn...
* Sáng 10-9 tại Trường PTDTNT huyện Tu Mơ Rông, Huyện đoàn Tu Mơ Rông phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức Lễ phát động chương trình hiến máu tình nguyện năm 2019.
Với nghĩa cử cao đẹp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại" nhằm góp phần mang lại sự sống và niềm hy vọng cho nhiều người, Lễ phát động thu hút trên 100 cán bộ, đoàn viên thanh niên đến từ các tổ chức cơ sở Đoàn và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đăng ký tham gia hiến máu. Kết quả, thu được trên 40 đơn vị máu, bổ sung vào ngân hàng máu, phục vụ cho việc cứu chữa bệnh nhân.
* Tối 10-9, Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố, Thành đoàn Kon Tum tổ chức khai mạc Chương trình "Đêm hội trăng rằm" cho thiếu niên, nhi đồng đang học tập, sinh hoạt tại các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Chương trình diễn ra trong 2 ngày (10 - 11/9), với 2 nội dung chính là thi ca múa nhạc Vầng trăng yêu thương và thi múa lân - sư - rồng.
Chương trình là hoạt động nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em nhân dịp Tết Trung thu, giúp các em có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, học tập, kết bạn và hòa nhập cộng đồng.
* Ngày 10-9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã có buổi tiếp và làm việc với ông Kurose - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư KKYE - Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, Công ty TNHH Đầu tư KKYE mong muốn được UBND tỉnh Kon Tum chấp nhận chủ trương để đơn vị khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh với quy mô công suất khoảng 100MWp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã giới thiệu cho doanh nghiệp xem xét khảo sát trên địa bàn huyện Kon Rẫy – đây là một trong những khu vực có tiềm năng phát triển điện mặt trời; khẳng định, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tạo điều kiện để Công ty triển khai dự án nhanh nhất; đồng thời sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương liên quan hướng dẫn, phối hợp đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.
* Chiều 10-9, đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh có buổi làm việc với Công ty Agrinoze (Israel) về hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh.
Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Công ty Agrinoze về hợp tác phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh bày tỏ niềm vui mừng và nhấn mạnh tỉnh Kon Tum sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Công ty Agrinoze tham gia đầu tư hoặc hợp tác kinh doanh tại tỉnh.
Ông Erez Fait - Chủ tịch Công ty Agrinoze cảm ơn, đánh giá cao thiện chí của lãnh đạo tỉnh Kon Tum và cho biết sẽ sắp xếp thời gian tới Kon Tum sớm nhất để cùng thỏa thuận sâu hơn về các vấn đề hợp tác ký kết trên.
* Sáng 10-9, UBND huyện Ngọc Hồi tổ chức tập huấn công tác hòa giải ở cơ sở cho trên 90 học viên là chủ tịch UBMTTQVN, công chức tư pháp các xã, thị trấn và đội ngũ hòa giải viên tại cơ sở.
Thông qua lớp tập huấn, sẽ giúp cho đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở nắm vững kiến thức, kỹ năng hòa giải để vận dụng linh hoạt, hiệu quả; đảm bảo nội dung hòa giải phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn phát sinh ngay tại cơ sở.
* Ngày 10-9, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh tổ chức họp nhằm đánh giá kết quả hoạt động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng thời gian qua; triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng lần thứ 11 (2018-2019) có hơn 50 mô hình, sản phẩm tham gia vòng chung khảo; có 12 mô hình, sản phẩm đạt giải, trong đó: 1 giải nhất, 4 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích.
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8 (2018-2019) có 10 giải pháp tham gia dự thi, Ban Tổ chức đã xét chọn trao giải cho 7 giải pháp, trong đó có 2 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.
Tại cuộc họp, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp để triển khai Hội thi, Cuộc thi trong thời gian tới, đồng thời đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tác giả có giải pháp, mô hình, sản phẩm đạt giải Nhất, Nhì, Ba tại Hội thi và Cuộc thi; khen thưởng cho 2 tập thể có thành tích trong công tác tuyên truyền, vận động tham gia Hội thi, Cuộc thi.
Cuộc họp cũng đã thống nhất nội dung, chương trình Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo lần thứ 8, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng lần thứ 11 năm 2018-2019 và phát động Hội thi lần thứ 9, Cuộc thi lần thứ 12 năm 2020-2021 vào cuối tháng 10 năm 2019.
* Ngày 11-9, tại Sở Y tế đã tổ chức họp Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú lần thứ 13 – năm 2020. Đồng chí Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
“Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” là những danh hiệu cao quý được Nhà nước xét tặng cho các Thầy thuốc có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh, có tài năng và có nhiều thành tích xuất sắc trong phòng bệnh, chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật về y tế, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân, có ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân, được người bệnh và đồng nghiệp tin cậy, kính trọng.
Trong đợt xét duyệt này có 24 trường hợp đề cử xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”. Sau khi thảo luận, xem xét tiêu chí, điều kiện theo đúng quy định, các thành viên trong Hội đồng xét tặng cấp tỉnh đã tiến hành bỏ phiếu kín, thống nhất chọn 19/24 trường hợp đề nghị xét tặng.
* Chiều 11-9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Dự hội nghị có lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố cùng đại diện các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể của tỉnh.
Để triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể cũng tăng cường công tác phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay đúng quy định, thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo bố trí ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, nhờ đó, nguồn vốn cho vay tăng lên hàng năm.
Toàn tỉnh hiện có 102 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách tại các xã, hơn 1.600 tổ tiết kiệm và vay vốn, qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Tính đến cuối tháng 6/2019, tổng nguồn vốn cho vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng gần 1.100 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40. Thông qua 16 chương trình tín dụng chính sách, đã có hơn 135.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Vốn tín dụng chính sách đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 26,11% xuống còn 17,29% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi.
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBNND tỉnh Nguyễn Văn Hòa đã ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong việc tích cực triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 40 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng, ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn tỉnh”; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã; chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Mặt khác, các ngành chức năng cần chủ động tham mưu dành nguồn vốn ngân sách hợp lý ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất để phát hiện tồn tại, có kiến nghị, chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Các đoàn thể chính trị-xã hội nhận ủy thác cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại cấp xã và tổ tiết kiệm và vay vốn, làm tốt công tác tuyên truyền tín dụng chính sách, việc bình xét cho vay, quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Nhân dịp này, 10 tập thể, 10 cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; 6 tập thể, 9 cá nhân được Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong 5 năm qua.
* Chiều 11-9, đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Đăk Hà. Tham gia buổi kiểm tra có lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại thị trấn Đăk Hà, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Đăk Hà.
Tính đến ngày 11/9/2019, trên địa bàn huyện Đăk Hà có 60 ổ dịch sốt xuất huyết tại 33 thôn, làng, thuộc 9/11 xã, thị trấn với 146 ca mắc. Trong đó, nhiều nhất là thị trấn Đăk Hà có 89 ca, địa bàn ít nhất là 2 xã Ngọk Wang và Ngọc Réo (mỗi xã có 1 trường hợp). So với năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện giảm 575 trường hợp, nhưng so với năm 2018 tăng 131 trường hợp.
Để thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, thời gian qua, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện đã tổ chức hơn 250 buổi truyền thông, phát động trên 7.500 lượt người tham gia vệ sinh môi trường, thực hiện gần 1.000 buổi diệt bọ gậy. Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà cử cán bộ y tế giám sát dịch bệnh tại các địa phương, triển khai xử lý ổ dịch tại nhà bệnh nhân.
Tuy nhiên, công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết vẫn còn những hạn chế. Nguyên nhân là do thời tiết mưa, nắng thất thường; một bộ phận người dân còn chủ quan trong công tác phòng bệnh, chưa chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy; kinh phí dành cho công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng trên địa bàn huyện còn hạn chế…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nga ghi nhận những nỗ lực của các ban, ngành, địa phương trên địa bàn huyện Đăk Hà trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Đồng chí lưu ý, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp nên không thể lơ là, chủ quan. Các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn huyện cần tích cực vào cuộc, tiếp tục vận động người dân, nhất là các cơ sở thu mua phế liệu, trường học, nhà hàng chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy, đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ để không có mầm bệnh. Ngành Y tế tỉnh, huyện cần tăng cường kiểm tra, chủ động giám sát dịch bệnh, sớm phát hiện các trường hợp mắc bệnh và không để phát sinh ổ dịch mới; chuẩn bị hóa chất diệt muỗi, cơ số thuốc điều trị sốt suất huyết…
* Chiều 12-9 tại TP.HCM, UBND tỉnh Kon Tum đã có buổi làm việc với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.
Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Kon Tum có ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Thanh Hà - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh và UBND thành phố Kon Tum.
Về phía Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam có ông Trần Ngọc Thuận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT; ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng Giám đốc; Ban lãnh đạo Tập đoàn và các Công ty trực thuộc Tập đoàn.
Triển khai thực hiện các Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, trong thời gian qua, địa phương và Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất còn khó khăn của tỉnh Kon Tum.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 03 đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đứng chân, gồm: Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum, Công ty cổ phần cao su Sa Thầy và Công ty TNHH MTV cao su Chư Mom Ray. Tổng diện tích 03 đơn vị đang quản lý sử dụng là 21.394,04ha.
Tỉnh Kon Tum đã tạo mọi điều kiện, hỗ trợ kịp thời cho 03 đơn vị trên lập các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, tái canh cây cao su, phối hợp cùng các đơn vị kịp thời xử lý các vướng mắc về tranh chấp đất đai phát sinh trong quá trình sử dụng đất; tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển diện tích trồng cao su, coi cây cao su và sản phẩm từ cây cao su là cây trồng, sản phẩm chủ lực của tỉnh…
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao năng xuất lao động, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân và người lao động, làm cho đời sống nhân dân các vùng trồng cao su ngày càng ổn định.
Ngoài ra, các đơn vị thành viên của Tập đoàn cũng đã có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động hướng về cộng đồng, phối hợp tốt với địa phương trong công tác đảm bào an ninh trật tự, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tạo điều kiện cho địa phương trong việc thu hồi một số diện tích đất trồng cao su để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
UBND tỉnh Kon Tum ghi nhận và đánh giá cao công tác phối hợp giữa Tập đoàn và địa phương thời gian qua. Đồng thời xác định, thời gian tới tiếp tục phối hợp tốt với Tập đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác toàn diện ngày 16/4/2013 và Biên bản ghi nhớ ngày 23/0/2017 giữa Tập đoàn và UBND tỉnh Kon Tum.
Ngoài ra, phối hợp, ủng hộ Tập đoàn và các đơn vị thành viên của Tập đoàn trên địa bàn tỉnh trong việc tái canh cây cao su, phát triển quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống, tinh thần của công nhân, người lao động…
* Sáng 12-9, Thành ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 17. Dự hội nghị có đồng chí Trần Thị Nga- Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Hội nghị thông qua Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về đề nghị thông qua Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình đầu tư và phát triển vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum giai đoạn 2016-2020; Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về đề nghị thông qua Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình số 31-CTr ngày 4/11/2016 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 5-NQ/TU ngày 23/8/2016 của Tỉnh ủy về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố; Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy xin ý kiến điều chỉnh nội dung Chương trình kiểm tra, giám sát của Thành ủy năm 2019.
* Sáng 12-9, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2019-2020. Đến dự Lễ Khai giảng có đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và lãnh đạo Trường Đại học Đà Nẵng.
Năm học 2019 - 2020, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tiếp nhận gần 200 sinh viên trúng tuyển nhập học chính thức và trở thành sinh viên của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, đồng thời nhà trường cũng tiếp nhận trên 80 sinh viên Lào vừa hoàn thành chương trình học tiếng Việt vào chuyên ngành, nâng tổng số sinh viên của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum lên trên 2.000 sinh viên.   
Nhân dịp khai giảng năm học mới, có 90 lượt sinh viên của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum được trao học bổng với tổng trị giá 90 triệu đồng.  
* Ngày 12-9, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch.
Gần 100 cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch ở các huyện, thành phố, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách sạn trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu được tiếp thu các nội dung như: Tình hình phát triển du lịch ở Việt Nam; tình hình phát triển du lịch tỉnh Kon Tum; các quy hoạch, đề án, kế hoạch, chương trình, chính sách phát triển du lịch của Trung ương và tỉnh Kon Tum; Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch...
* Chiều 12-9, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Lễ công nhận 7 thành viên mới và trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho 2 đơn vị dẫn đầu khối thi đua các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2018.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh công bố các quyết định kết nạp và trao các quyết định công nhận thành viên cho các HTX: Nông lâm nghiệp - Thương mại và Dịch vụ Thanh Tâm (thôn Mô Pả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông); Nông nghiệp xã Đăk Pek (thôn Đăk Đoát, xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei); Nông nghiệp xã Đăk Kroong (thôn Đăk Wak, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei); Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Đăk Wớp Yốp (thôn Đăk Wớp Yốp, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy); Tổng hợp Sơn Ca (thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi); Cung ứng vật tư nông nghiệp Ngọc Hồi (thôn Xuân Tân, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) và Tân Sang Hoàng (thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà).
Sau khi kết nạp thêm 7 thành viên mới, hiện tại số thành viên chính thức của Liên minh HTX tỉnh là 84 thành viên.
Nhân dịp này, HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) và Quỹ tín dụng nhân dân Vinh Quang (thành phố Kon Tum) vinh dự được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu khối thi đua các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2018.
* Chiều 12-9, đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Sa Thầy về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tiến hành kiểm tra thực tế tại địa bàn thị trấn Sa Thầy.
Trước khi làm việc với UBND huyện Sa Thầy, đồng chí Trần Thị Nga cùng với các đồng chí trong Đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực tế công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại thị trấn Sa Thầy. Đây là địa bàn có số ổ dịch sốt xuất huyết nhiều nhất huyện Sa Thầy, với hơn 30 ổ dịch và 85 ca mắc tính đến thời điểm hiện tại.
Qua kiểm tra cho thấy, nhiều hộ dân trong khu vực ổ dịch chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch, chưa chú ý dọn vệ sinh môi trường trong khuôn viên mỗi nhà; tình trạng nước đọng trong các vật dụng sinh hoạt, phế liệu vẫn phổ biến, tạo môi trường sống lăng quăng/bọ gậy và là nguyên nhân dẫn đến dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, tính đến hết ngày 11/9, toàn huyện có 145 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 134 ca so với cùng kỳ năm 2018.
Thời gian qua, công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Sa Thầy được đẩy mạnh triển khai bằng nhiều biện pháp.
Trong đó, huyện Sa Thầy tổ chức 109 lượt truyền thông bằng xe loa lưu động, tuyên truyền trực tiếp tại 28.563 hộ gia đình. UBND huyện Sa Thầy phát động 9 lần ra quân dọn vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy thu hút gần 2.000 lượt người tham gia; triển khai 280 đợt giám sát, kịp thời phát hiện 73 ổ dịch, 821 hộ được phun hóa chất bảo vệ, 14.510 hộ được phun hóa chất diệt mầm bệnh…
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sa Thầy đã thành lập, duy trì và phát huy vai trò của các đội xung kích, tổ tự quản về chăm sóc sức khỏe, mỗi tuần tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường 1 lần…
Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Sa Thầy vẫn còn những khó khăn nhất định như lực lượng tham gia phòng, chống dịch còn mỏng; vấn đề xử lý vệ sinh môi trường chưa được giải quyết triệt để; ý thức của người dân về phòng, chống dịch chưa cao…
Làm việc với UBND huyện Sa Thầy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nga ghi nhận nỗ lực của các cấp chính quyền và ngành chức năng huyện Sa Thầy trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Đồng thời nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện Sa Thầy cần chủ động hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các ổ dịch sốt xuất huyết, tập trung khoanh vùng ổ dịch cũ, không để phát sinh ổ dịch mới. Ngành Y tế và các ban, ngành, địa phương trên địa bàn huyện cần tăng cường thông tin để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, cách phòng tránh, nhất là phải huy động người dân tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy; thường xuyên kiểm tra các cơ sở thu gom phế liệu, kinh doanh, sửa chữa ô tô, xe máy, quán ăn, nhà hàng; phát huy vai trò của các đội xung kích trên địa bàn trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường…
* Ngày 13-9, tại Trung tâm Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch khai mạc Triển lãm “Lời căn dặn của Người” nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự khai mạc có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng hơn 200 cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang và học sinh trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Triển lãm “Lời căn dặn của Người” nhằm khẳng định những giá trị to lớn của bản Di chúc thiêng liêng mà Bác Hồ kính yêu để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam cống hiến cả cuộc đời mình chăm lo cho nhân dân, cho đất nước. Đây là hoạt động có ý nghĩa văn hóa, chính trị, xã hội sâu sắc; tiếp tục khẳng định những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc thiêng liêng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Triển lãm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc thực hiện Di chúc của Bác; động viên tất cả mọi người, mọi giai tầng xã hội tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điểm nhấn trong triển lãm là khu trưng bày chung với chuyên đề “Lời căn dặn của Người” với gần 120 tài liệu, hình ảnh và hiện vật, giới thiệu đến công chúng những thành tựu nổi bật của tỉnh đạt được trong thời gian qua, trong đó có phần trưng bày toàn văn bản Di chúc gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh quan trọng liên quan đến Di chúc của Bác.
Triển lãm mở cửa phục vụ cán bộ và nhân dân đến xem, tìm hiểu đến hết ngày 19/9/2019.
* Chiều 13-9, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) đã tiến hành tiêu hủy gần 140 kg heo rừng không rõ nguồn gốc, đã bốc mùi hôi thối.
Đây là số thịt heo do Trạm CSGT Ngọc Hồi, Phòng CSGT Công an tỉnh thu giữ vào ngày 4/9 khi kiểm tra xe khách 16 chỗ BS 82B – 003.48 do tài xế Trần Anh Tuấn (trú thành phố Kon Tum) điều khiển tại Km12 trên QL40.
Qua làm việc, cơ quan Công an xác định chủ của số thịt heo này là bà Trần Thị Thu Hà (trú xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi). Bà Hà khai đã thu mua số thịt heo trên của người dân địa phương và không có hồ sơ hợp pháp.
Xác định hành vi mua bán, vận chuyển số thịt heo rừng là vi phạm quy định pháp luật, do đó ngoài việc tiến hành tiêu hủy tang vật, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ xe và chủ lô hàng, mức phạt đối với mỗi cá nhân là  10 triệu đồng.
* Ngày 14-9, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức Hội thao Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Tòa án Nhân dân (13/9/1945 – 13/9/2019).
Ngoài ý nghĩa lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân, hội thao còn là dịp để cán bộ, công chức, người lao động đang công tác trong ngành giao lưu, học hỏi, phát huy tinh thần tự giác luyện tập thể thao, nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc được giao.
2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Ngày 09/9/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2333/UBND-KTHT về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài sản công: Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản công chỉ đạo các bộ phận chức năng, đơn vị trực thuộc rà soát lại việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, đơn vị mình, tổ chức theo dõi, hạch toán đầy đủ về giá trị, số lượng, tránh tình trạng tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm đưa vào sử dụng nhưng không theo dõi trên sổ kế toán, sử dụng sai mục đích, gây thất thoát, lãng phí; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, kê khai tài sản công theo đúng quy định. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản và người đứng đầu cơ quan, địa phương chủ quản chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công.
2. Về tăng cường quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp: Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc bao gồm cả diện tích làm việc của các chức danh, diện tích sử dụng chung và diện tích chuyên dùng ngay từ khâu lập, phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo tiến hành ngay việc rà soát tình hình quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của cơ quan và các đơn vị trực thuộc thuộc phạm vi quản lý để thu hồi ngay đối với các trường hợp tự cho thuê, cho mượn khi chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh...
3. Về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết: Khi có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố phải chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, rà soát, theo dõi việc thực hiện quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công, đặc biệt là việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chưa đảm bảo quy định; Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc khẩn trương triển khai các giải pháp chấm dứt, thanh lý Hợp đồng; đồng thời lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
4. Về tăng cường quản lý, sử dụng xe ô tô: Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các bô phận trực thuộc căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ cô ng tác chung quy định để bố trí, sử dụng xe ô tô theo đúng quy định. Chỉ bố trí, điều động xe ô tô công phục vụ công tác, không được sử dụng vào các mục đích cá nhân mà không phải là công việc thuộc nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị mình; không sử dụng xe ô tô công để cho thuê, cho mượn trái quy định. Trường hợp phát hiện có xe ô tô công sử dụng sai mục đích; tùy theo tính chất, mức đô vi phạm, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Việc quản lý, sử dụng xe ô tô phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích. Khi có biến động tăng, giảm xe ô tô, đơn vị tiếp nhận xe phải có trách nhiệm lập các thủ tục gửi cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô kịp thời, tránh tình trạng xe ô tô đã điều chuyển nhiều năm nhưng không lập thủ tục sang tên, đổi chủ thể quản lý.
5. Về quản lý, sử dụng đất công: Đối với đất công do nhà nước đang quản lý, giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, hoàn thiện phương án quản lý, khai thác quỹ đất công trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình và quy chế thực hiện phương án, trong đó quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan cấp tỉnh, cấp huyện. Tăng cường công tác theo dõi, tổng hợp, xác định giá đất cụ thể làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo giá đất phản ánh sát đúng với giá trị thị trường. Tăng cường công tác theo dõi, hướng dẫn, giám sát quy trình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện, thành phố. Kịp thời phát hiện và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất.
Đối với đất Nhà nước giao cho các doanh nghiệp để thực hiện dự án kinh tế, Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan rà soát hiện trạng sử dụng các khu đất do Ủy ban nhân dân tỉnh cho các tổ chức, cá nhân thuê sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh. Phân tích, đánh giá hiệu quả sử dụng đất của từng dự án cụ thể để đề xuất các giải pháp trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
* Ngày 10/9/2019 UBND tỉnh ban hành Quyết định 971/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng CALAMA của Công ty TNHH Thực Phẩm Quang Hiếu.
Theo đó, Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng CALAMA thực hiện tại tiểu khu 476A, thôn Kon Xủ, xã Đắk Long; tiểu khu 491, thôn ViGLơng, xã Hiếu và tiểu khu 432, thôn Măng KRí, xã Ngọc Tem, huyện KonPlông, tỉnh Kon Tum với tổng 136.800.000.000 đồng.
Việc triển khai dự án du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng gắn liền với việc bảo vệ rừng nhằm đảm bảo tính bền vững của dự án, đồng thời giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn huyện Kon Plông.
Công ty TNHH Thực Phẩm Quang Hiếu được hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các quy định của pháp luật có liên quan và làm thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đồng thời phải thực hiện các điều kiện đối với nhà đầu tư khi triển khai dự án.
* Thực hiện Quyết định 656/QĐ-UBND ngày 26/8/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt bổ sung danh mục thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, ngày 11/9/2019 Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành thông báo 198/TB-STNMT thông báo về việc chấm dứt tiếp nhận 30 TTHC về đất đại tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai thành phố Kon Tum từ 16/9.
Cụ thể, chấm dứt tiếp nhận hồ sơ hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai thành phố Kon Tum thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường kể từ ngày 16/9/2019.
Từ ngày 16/9/2019, việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực Đăng ký giao dịch đảm bảo và lĩnh vực Đăng ký biến động đất đai của Văn phòng Đăng ký Đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai thành phố Kon  Tum thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải quyết cho các tổ chức, cá nhân sẽ được tiếp nhận và giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum, tòa nhà Bưu điện tỉnh Kon  Tum, số 70 Lê Hồng Phong, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum.
* Ngày 13/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 693/QĐ-UBND về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, công bố 20 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế và bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 13 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Công Thương); 04 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện và 03 thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Kon Tum.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và hay thế thủ tục hành chính số: 07, 08, 09 khoản VII mục A; số 01 khoản III mục B phần I và phần II tại Quyết định số 481/QĐ-UBND, ngày 31 tháng 8 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc công bố các thủ tục hành chính chuẩn hóa thuộc ngành Công Thương áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Thủ tục hành chính số 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09, 10 khoản II (Lĩnh vực Điện) mục 2 phần I và khoản II mục B phần II tại Quyết định số 587/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành; sửa đổi, bổ sung, thay thế thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Kon Tum; Thủ tục hành chính số: 01, 02, 03 khoản I (cấp huyện) mục 2 phần I và 01, 02, 03 (cấp huyện) mục B phần II tại Quyết định số 570/QĐ-UBND, ngày 06 tháng 11 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành; sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ thuộc ngành Công Thương áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Bãi bỏ thủ tục hành chính số: 07, 08, 09 khoản VI mục A phần I và phần II tại Quyết định số 481/QĐ-UBND, ngày 31 tháng 8 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc công bố các thủ tục hành chính chuẩn hóa thuộc ngành công thương áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
 

Nguyễn Phi Em (tổng hợp)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây