Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Tin tức tổng hợp tuần 4 (tháng 10-2018)

Dân làng Kon Pao (xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà) tổ chức Khánh thành nhà rông mới kết hợp với Lễ mừng lúa mới và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (baokontum.com.vn)
1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Từ ngày 15 đến 19-10, Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum do đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi thăm và tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản.
Tại đây, Đoàn đã gặp gỡ và tiếp xúc với một số doanh nghiệp chế biến, kinh doanh trên các lĩnh vực nông sản, thủy sản. Tại các buổi làm việc, lãnh đạo các doanh nghiệp của Nhật Bản đã rất vui mừng và cảm ơn Đoàn đã đến gặp gỡ, tiếp xúc; qua đây đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp hiểu biết nhiều hơn về tỉnh Kon Tum, nhất là các lĩnh vực có thể khảo sát, đầu tư tại địa bàn.
Trong chuyến làm việc, Công ty Oka Food (Nhật Bản) cùng với đối tác là Công ty Quang Hiếu (Việt Nam) cam kết sẽ trực tiếp trồng và chế biến nông sản tại huyện Kon Plông, phát triển du lịch tại tỉnh Kon Tum, trước mắt khảo sát và lập dự án đầu tư khu du lịch, dịch vụ (gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm nước nóng khoáng…) tại Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã giới thiệu về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh, các lĩnh vực và tỉnh Kon Tum có tiềm năng, lợi thế, danh mục các dự án đầu tư tại tỉnh Kon Tum để các doanh nghiệp tìm hiểu; đồng thời kêu gọi, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản đến đầu tư tại tỉnh Kon Tum theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
* Sáng 22-10, tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 10/2018 của lãnh đạo tỉnh.
Tại buổi tiếp công dân, có 02 lượt công dân đến đăng ký gặp lãnh đạo, trình bày các nội dung về: khiếu nại đối với việc UBND xã Đăk Hring và Ban nhân dân thôn Tân Lập B, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà thực hiện việc chi trả hỗ trợ hạn hán năm 2015-2016 không đúng quy định pháp luật; khiếu nại đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Kon Tum, đề nghị các cơ quan tố tụng tiếp tục giải quyết đơn yêu cầu khởi tố vụ án.
Ngoài ra, tại buổi tiếp có 03 lượt công dân đến gửi đơn đề nghị cho UBND tỉnh, đến hỏi về kết quả kiểm tra, rà soát đơn kiến nghị của mình. Sau khi được Ban Tiếp công dân tỉnh, hướng dẫn, thông báo sự việc liên quan đến nội dung công dân hỏi, các lượt công dân đã ra về, không đăng ký vào gặp lãnh đạo tỉnh.
* Ngày 22-10, tại Hà Nội, Cục Chính trị BĐBP đã tổ chức họp, nghe báo cáo công tác chuẩn bị cho chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất sẽ diễn ra vào đầu tháng 11-2018 tại tỉnh Kon Tum. Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của các phòng, ban chức năng, đến nay, công tác nội dung, công tác tuyên truyền và kế hoạch bảo vệ an ninh, an toàn cho chương trình đã cơ bản được hoàn thiện.
Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất giữa Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum (Việt Nam) với Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh Attapeu, Sekong (Lào) và Ty Công an, Tiểu khu Quân sự tỉnh Rattanakiri (Campuchia) dự kiến diễn ra trong hai ngày 2 và 3-11 tại tỉnh Kon Tum.
* Ngày 22-10, tại Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 90/CT-BQP ngày 16/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Đồng chí Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo BCH Quân sự tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban, các đơn vị trực thuộc.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị quân đội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương quán triệt và thực hiện tốt các Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ, Chỉ thị 90/CT-BQP của Bộ Quốc phòng, các văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về mục đích, ý nghĩa về quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Tiến hành rà soát, đo đạc, kiểm kê hiện trạng, xác định rõ ranh giới đất quốc phòng trên toàn quốc; Từng bước giải quyết các khu vực còn tranh chấp, chồng lấn; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng lấn chiếm đất quốc phòng theo đúng pháp luật.
Thượng tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong toàn quốc phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Quân, Binh chủng, Quân khu, lực lượng vũ trang địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên địa bàn.
* Ngày 23-10, đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với UBND 2 huyện: Đăk Tô và Đăk Hà để kiểm tra việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Đồng chí Trần Thị Nga đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu của ngành Y tế tỉnh trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, chính quyền địa phương các xã có ổ dịch bạch hầu phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tỉnh, cụ thể là các Trạm Y tế xã, tổ chức rà soát lại số lượng người dân trong độ tuổi từ 7-25 tuổi chưa tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu để vận động tiêm đầy đủ; tổ chức vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, nhà của, trường học… để khoanh vùng chống dịch. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để phòng, chống dịch bệnh bạch hầu có hiệu quả hơn.
* Sáng 23-10, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tổ chức buổi talk show “Sinh viên với hội nhập quốc tế” với sự tham gia của hơn 200 sinh viên đến từ các trường đại học thuộc Đại học Đà Nẵng và sinh viên đến từ một số trường đại học ở các nước: Campuchia, Lào, Pháp, Thái Lan và Đài Loan.
Đây là cơ hội để sinh viên giao lưu, trải nghiệm học tập, từ đó vận dụng vào việc học và quá trình khởi nghiệp trong tương lai.
* Sáng 23-10, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thông qua lớp tập huấn, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX và quỹ tín dụng nhân dân, từ đó sẽ là những nhân tố tích cực xây dựng HTX và quỹ tín dụng nhân dân vững mạnh; phát huy tốt vai trò phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân ở khu vực nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
* Sáng 23-10, Đảng ủy Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả kỳ họp lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cho hơn 200 cán bộ chủ chốt và đảng viên trong Sư đoàn.
Qua hội nghị này, nhằm quán triệt, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức của cấp ủy, người chỉ huy chủ trì ở các cơ quan, đơn vị trong Sư đoàn với những nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương.
* Ngày 24-10, Ủy ban MTTQVN tỉnh phối hợp với Công an tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện Ngọc Hồi tổ chức Lễ ký cam kết xã, thị trấn phòng, chống tội phạm, ma túy.
Trên tinh thần phối hợp, thống nhất giữa các lực lượng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội và dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, Công an tỉnh, Ủy ban MTTQVN huyện Ngọc Hồi, đại diện 8 xã, thị trấn đã ký cam kết phòng chống tội phạm, ma túy trên địa bàn.
Ngay sau buổi lễ này, địa phương sẽ triển khai các nội dung đến từng hộ gia đình trên địa bàn huyện.
* Chiều 24-10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa có buổi tiếp bà Karen Lanyon- Tổng lãnh sự Úc tại Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum.
Tại buổi tiếp, đồng chí Nguyễn Văn Hòa bày tỏ vui mừng được đón Tổng lãnh sự Úc đến thăm; cảm ơn sự tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc đối với Kon Tum trong lĩnh vực phát triển giáo dục đào tạo và y tế. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa giới thiệu tóm tắt với bà Karen Lanyon một số nét chính về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Kon Tum.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các doanh nghiệp Kon Tum và doanh nghiệp Úc có thể hợp tác, liên kết trồng rau,hoa xứ lạnh; lập trại giống gia súc; phát triển rừng và trồng các loại dược liệu dưới tán rừng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, Úc có thể hợp tác với Kon Tum về lĩnh vực giáo dục, y tế,  đào tạo nghề…
Bà Karen Lanyon cho biết, bà có thiện cảm với môi trường thành phố Kon Tum trong lành, con người thân thiện; các doanh nghiệp Úc đang đầu tư tại Kon Tum đánh giá cao những điều kiện thuận lợi mà tỉnh Kon Tum tạo ra cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh mối quan hệ về kinh tế - thương mại, những năm gần đây hai bên còn có những hợp tác về y tế, bảo trợ xã hội. Trong thời gian tới, lãnh sự quán Úc tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm cầu nối đưa các nhà đầu tư Úc đến Kon Tum đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế để sản xuất kinh doanh; đồng thời tiếp tục thảo luận với tỉnh về các dự án như hỗ trợ phụ nữ và trẻ em; quản lý nguồn nước; đào tạo nghề. Hiện tại, ngành nông nghiệp Úc có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước có hiệu quả bền vững…
Bà Karen Lanyon mong muốn lãnh đạo tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức các đoàn đến thăm nước Úc, tham gia các sự kiện để thảo luận, trao đổi và kết nối hợp tác trong tuơng lai về các lĩnh vực…
* Chiều 24-10, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Y Mửi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Bình Trọng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, các cơ quan khối nội chính – tư pháp và một số sở, ngành có liên quan.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những nỗ lực của ngành Tòa án tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác thời gian qua. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Ban cán sự Đảng cùng lãnh đạo Tòa án tỉnh cần chú trọng quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tòa án nhân dân Tối cao về các hoạt động tố tụng, xét xử trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân 2 cấp; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động.
Bên cạnh đó, ngành cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân; rà soát, bổ sung đội ngũ hội thẩm nhân dân để đáp ứng yêu cầu hoạt động tố tụng, xét xử; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, xét xử; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính – tư pháp trong các hoạt động tố tụng, xét xử và thi hành án dân sự trên địa bàn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu ngành Tòa án tỉnh cần triển khai thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp; tiếp tục tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, mô hình phòng xử án, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tố tụng và xét xử. Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng khối đoàn kết nội bộ; làm tốt công tác cán bộ, trong đó có công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
* Ngày 24-10, Đoàn kiểm tra Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) tỉnh tiến hành kiểm tra định kỳ hằng năm tại Hội đồng GDQPAN huyện Sa Thầy. Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng GDQPAN tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Năm 2018, Hội đồng GDQPAN huyện Sa Thầy đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thời gian tới, để triển khai thực hiện tốt công tác GDQPAN trên địa bàn huyện, Đoàn kiểm tra yêu cầu Hội đồng GDQPAN tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện một số nội dung, như: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác GDQPAN; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQPAN, xây dựng hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch công tác GDQPAN sát với tình hình thực tế ở địa phương; tiến hành khảo sát nắm chắc số lượng các đối tượng chưa bồi dưỡng KTQPAN trên địa bàn; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng KTQPAN cho các đối tượng theo đúng quy định; nội dung bồi dưỡng cho các đối tượng thực hiện theo đúng nội dung, chương trình khung của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Quân khu; tăng cường kiểm tra công tác GDQPAN ở cấp xã...
* Sáng 25-10, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2016-2018. Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh chủ trì hội nghị.
Trong giai đoạn 2016-2018, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh rà soát được 2.802 hài cốt liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Trong đó, có hồ sơ, danh sách và nhập vào dữ liệu máy tính được 2.505 liệt sĩ; số chưa có hồ sơ, danh sách là 297 liệt sĩ. Trong giai đoạn 2016 - 2018, các đơn vị đã tổ chức tìm kiếm được 127 hài cốt liệt sĩ; trong đó 80 hài cốt trong nước và 47 hài cốt quy tập ở Lào và Campuchia.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước luôn được tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy định. Cơ quan thường trực chỉ đạo các cơ quan quân sự các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp nhận, xử lý kịp thời các nguồn thông tin từ người dân cung cấp…; phối hợp tổ chức tốt lễ cầu siêu, lễ tiễn và các hoạt động đón nhận, bàn giao hồ sơ và sơ đồ mộ chí cho Sở LĐ-TB&XH…
Việc tổ chức lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ, tổ chức giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ cũng được quan tâm. Trong hai năm 2017-2018, Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức thực hiện lấy 82 mẫu sinh phẩm tại những phần mộ còn thiếu thông tin để xác định danh tính theo nguyện vọng của gia đình liệt sĩ….
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành, đặc biệt là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở LĐ-TB&XH chủ trì chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào, Campuchia và trên địa bàn tỉnh; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thu thập, tiếp nhận, kết nối, xác minh, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức trả lời đơn thư, đón tiếp thân nhân tìm kiếm thông tin về liệt sĩ; tổ chức lực lượng, phương tiện cất bốc, quy tập phải chặt chẽ, nhanh chóng, kịp thời, thận trọng và chu đáo. Bên cạnh đó, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về liệt sĩ do các địa phương và các đơn vị rà soát; hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, kết luận địa bàn; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; chủ trì, phối hợp lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ phục vụ giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ…
Hội nghị đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
* Ngày 25-10, bà con dân làng Kon Pao, xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà) tổ chức Lễ khánh thành nhà rông mới kết hợp với Lễ mừng lúa mới và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sau gần 1 năm nhà rông cũ của làng bị sập do mưa bão, bà con dân làng Kon Pao đã thống nhất, đồng lòng đóng góp công sức để dựng lại nhà rông mới.
Chỉ trong vòng 29 ngày khởi công, nhà rông thôn Kon Pao đã được dựng lại theo đúng nguyên mẫu nhà rông truyền thống của đồng bào Xơ Đăng; mái lợp bằng tranh, cột gỗ với chiều dài 12,5m, chiều rộng 5,8m, chiều cao 12m. Tổng kinh phí xây dựng nhà rông hơn 200 triệu đồng.
Đặc biệt, nhà rông mới của thôn Kon Pao được dựng lên trên nền đất mới, do hộ gia đình A Hoh và A Tăm ở cùng thôn hiến tặng.
Sau nghi lễ ăn cơm mới tại từng hộ gia đình, bà con dân làng Kon Pao tập trung tại nhà rông làm lễ mừng công, báo công và cùng nhau ăn cơm mới, uống rượu ghè để mừng nhà rông của làng mới được dựng lại.
* Trong 2 ngày (25 và 26-10), Văn phòng UBND tỉnh, UBND thành phố Kon Tum và Ban Quản lý Dự án RAGL Kon Tum phối hợp tổ chức lớp tập huấn quy trình tiếp công dân; tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh của công dân cho Trưởng các phòng chuyên môn thuộc UBND thành phố Kon Tum, Ban Tiếp công dân thành phố Kon Tum; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cán bộ phụ trách công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của 21 xã, phường trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Trước đó, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Quản lý Dự án RAGL Kon Tum đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn này tại các huyện trong tỉnh.
* Sáng 26-10, Đoàn khảo sát của Hội đồng Lý luận Trung ương do đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum về tình hình triển khai thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011).
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Kim Đơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan của tỉnh.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Kon Tum tại cuộc họp, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã cụ thể hóa Cương lĩnh vào các Nghị quyết Đại hội XIV, XV Đảng bộ tỉnh, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để lãnh đạo, chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả.
Chỉ tính riêng năm 2018, tổng sản phẩm của tỉnh ước đạt 13.443 tỷ đồng, tăng 9,28% so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 34,77 triệu đồng năm 2017 lên 37,49 triệu đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 2.436,6 tỷ đồng, đạt 112,2% dự toán.
Tỉnh ủy đã ban hành và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24-8-2016 "về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020".
Tính đến 31-12-2017, có 07/10 huyện, thành phố đạt kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo so với mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra; bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,56%/năm (từ 26,11% vào cuối năm 2015 xuống còn 20,30% vào cuối năm 2017), đạt 101,71% so với kế hoạch (trong 3 năm thực hiện Nghị quyết, tổng số hộ thoát nghèo là 10.519 hộ). Kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao…
Công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ, kịp thời; hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi; giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; việc phòng ngừa và chấn chỉnh vi phạm, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh; công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định; công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường.
Tại buổi làm việc, tỉnh Kon Tum đề nghị Trung ương sớm xem xét, công nhận Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum là Di tích Quốc gia đặc biệt; Hằng năm, sớm phân bổ vốn thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững; Nâng định mức hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề từ 5 triệu đồng/hộ lên 10 triệu đồng/hộ; Bổ sung các xã thuộc vùng II, III thuộc diện xã khó khăn theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ được vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; Nâng mức vốn cho vay đối với hộ nghèo để xây dựng mới nhà ở lên 40 triệu đồng/hộ; hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn lên 70 triệu đồng/hộ.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Quyết định danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thay thế Quyết định 1049/QĐ-TTg ngày 26-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ; Đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng chính sách xã hội sớm cấp kinh phí hỗ trợ vốn vay để địa phương thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; Xem xét có chế độ chính sách phù hợp đối với cán bộ thực hiện việc kiêm nhiệm các chức danh người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị; việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn đảm bảo hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương…
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn ghi nhận những nỗ lực, thành tựu của địa phương đạt được trong thời gian qua; đồng thời ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh trình Chính phủ, Bộ ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Cương lĩnh và các chương trình, chính sách phát triển KT-XH, ANQP đặc thù tại địa phương. Nhân dịp này, thay mặt đoàn công tác, đồng chí Tạ Ngọc Tấn chúc Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển, mang lại đời sống no ấm, hạnh phúc cho bà con nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
* Ngày 26-10, Bộ CHQS tỉnh tổ chức gặp mặt 50 vị già làng, trưởng thôn, người có uy tín tiêu biểu đại diện cho hơn 1.600 già làng, trưởng thôn tiểu biểu trên địa bàn tỉnh nhằm động viên các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi gặp mặt, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín đã trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đoàn kết, đồng thuận xây dựng nông thôn mới; tích cực vận động dân làng, con cháu gia đình mình cảnh giác, không nghe những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ địch; không theo, đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục...
Buổi gặp mặt cũng là dịp để cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang tỉnh lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của đồng bào gửi đến các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương.
* Ngày 26-10, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 10/2018. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Báo cáo trình bày tại phiên họp khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2018 tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển ở các ngành và các lĩnh vực; mặc dù vẫn còn gặp một số khó khăn như: tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công và xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản còn chậm; chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đáp úng được tiến độ; trên địa bàn có xảy ra một số dịch bệnh ở người trong thời tiết giao mùa…
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh: Cần rà soát lại các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018, tiếp tục phấn đấu trong 2 tháng còn lại để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng. Thời tiết vẫn còn những diễn biến phức tạp, vì vậy, cần chủ động trong công tác phòng tránh, để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Trong thời điểm giao mùa, các ngành chức năng cần bám sát cơ sở, phòng chống dịch bệnh ở người và gia súc; triển khai các biện pháp ngăn chặn học sinh bỏ học. Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo sơ kết công tác vệ sinh học đường để có kế hoạch bổ sung hoàn thiện. Các ngành, các địa phương triển khai nhiệm vụ tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018; tổ chức tốt Chương trình “Giao lưu hữu nghị biên giới” lần thứ nhất giữa tỉnh Kon Tum (Việt Nam) với tỉnh Sêkông, tỉnh Attapư (Lào) và tỉnh Rattanakiri (Campuchia); chuẩn bị tốt các nội dung để trình tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp đến...
* Sáng 26-10, Ban Chỉ đạo Giao lưu hữu nghị biên giới lần thứ nhất tỉnh Kon Tum tổ chức cuộc họp lần thứ 3 để rà soát công tác chuẩn bị. Đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, địa phương liên quan và UBND các huyện biên giới trong công tác chuẩn bị. Để triển khai thực hiện tốt các nội dung theo kế hoạch, đồng chí yêu cầu các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ kế hoạch, nhiệm vụ được giao tổ chức các công tác liên quan, luyện tập các chương trình theo kịch bản, tổng duyệt nội dung tọa đàm; tiếp tục hiệp đồng chặt chẽ công tác bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong thời gian diễn ra giao lưu; khẩn trương hoàn thành công tác tuyên truyền, văn nghệ chào mừng... Đồng chí nhấn mạnh, thời gian cho công tác chuẩn bị không còn nhiều, trong khi đó, các hoạt động giao lưu cần được tổ chức chặt chẽ, khoa học, chu đáo... do đó, các thành viên Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban giúp việc cần rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị, kiểm tra các điểm, nơi diễn ra các hoạt động giao lưu nhằm phục vụ chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới lần thứ nhất tỉnh Kon Tum thành công tốt đẹp.
* Chiều 29-10, đoàn công tác liên ngành kiểm tra thi hành pháp luật về hoạt động thương mại biên giới do Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Phú Hòa làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp và lãnh đạo các sở, ngành liên quan làm việc với đoàn.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Công Thương đã báo cáo tóm tắt tình hình thi hành pháp luật về hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, hiện nay các cửa khẩu phụ, lối mở của tỉnh chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước, do chưa cân đối được nguồn vốn để thực hiện (chi phí quá lớn); do đó UBND tỉnh chưa thể quyết định, công bố Danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa theo quy định tại khoản 2, điều 6 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính Phủ quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới gây khó khăn cho việc hoạt động thương mại, thông thương hàng hóa giữa các tỉnh của 03 nước: Việt Nam - Lào - Campuchia.
Cũng tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực và cơ chế chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại khu vực biên giới, phù hợp với đặc thù của vùng và cam kết của Chính phủ ba nước; trong đó, chú trọng hạ tầng thương mại tại Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các chợ biên giới, chợ cửa khẩu, đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nhằm đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu để địa phương công bố danh mục cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ, làm cơ sở để địa phương có thể ban hành Danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa.
Theo kế hoạch công tác, vào sáng ngày 30/10/2018 đoàn công tác liên ngành sẽ kiểm tra thực tế tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi.
* Ngày 30-10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức chương trình Giao lưu tuyên dương các mô hình thi đua tiêu biểu của phụ nữ lực lượng vũ trang Quân khu giai đoạn 2016-2018.
Đến dự có lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội LHPN tỉnh và 140 cán bộ là đại biểu cơ quan chính trị, Chủ tịch Hội phụ nữ các cơ quan đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu 5.
Thực hiện phong trào thi đua, phụ nữ lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội đã xây dựng được 44 mô hình thi đua hiệu quả, sáng tạo như: Ca trực kiểu mẫu, bếp nuôi quân giỏi, phụ nữ mẫu mực về điều lệnh chính quy… Nhiều hội viên đã nghiên cứu, tích cực học tập, lao động sáng tạo với các mô hình: Tổ phụ nữ sáng tạo, phát huy sáng kiến kinh nghiệm… Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được cụ thể hóa với nhiều cách làm đa dạng như hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng, tổ phụ nữ giúp nhau một ngày công… Qua các phong trào thi đua đã tạo nên sự lan tỏa sâu rộng, hiệu quả, thiết thực, được lãnh đạo chỉ huy các cấp ghi nhận, đánh giá cao.
Tại chương trình, đại diện các mô hình thi đua tiêu biểu của phụ nữ lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình mới, sáng tạo trong hoạt động công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ. Qua đó, nhân rộng các mô hình, nâng cao chất lượng xây dựng cơ sở Hội vững mạnh và bền vững, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình hành động của Đại hội đại biểu phụ nữ lực lượng vũ trang Quân khu 5 đề ra trong giai đoạn 2016 – 2021
Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã trao Bằng khen cho 12 tập thể có mô hình tiêu biểu xuất sắc; Cục Chính trị Quân khu 5 trao Giấy khen cho 9 tập thể có mô hình tiêu biểu.
​* Ngày 30-10, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng tỉnh lần thứ 10, năm học 2017-2018.
Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng tỉnh Kon Tum lần thứ 10 do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, được phát động từ tháng 9/2017 – 7/2018 và  có 12 mô hình/ sản phẩm tham gia dự thi.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 6 giải khuyến khích. Trong đó, Ban tổ chức đã chọn sản phẩm/mô hình đạt giải nhất cấp tỉnh “CenaBox – Thiết bị trợ lý thông minh” và sản phẩm/mô hình đạt giải nhì cấp tỉnh “Xây dựng hệ thống trợ giúp lái xe an toàn” để tham gia cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật  toàn quốc lần thứ 14.
* Chiều 30-10, Hội Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum tổ chức Đại hội đại biểu Hội Sinh viên lần thứ III, nhiệm kỳ 2018-2020.
Hội Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng có 22 chi hội, với 805 sinh viên.
Trong những năm qua, Hội Sinh viên nhà trường đã tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ, cơ bản đạt được các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên khóa VII, nhiệm kỳ 2015-2018 đề ra.
Trong nhiệm kỳ 2018-2020, Hội Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng tiếp tục triển khai đa dạng hóa phong trào “Sinh viên 5 tốt”; tập trung giúp sinh viên vun đắp ý tưởng, rèn luyện đạo đức, tác phong; tổ chức các hoạt động, tạo điều kiện cho sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh hoạt động sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng và chủ động hội nhập quốc tế.
Với khẩu hiệu hành động: “Hội Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum đoàn kết, sáng tạo, khởi nghiệp và hội nhập”, Hội tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội chất lượng, hoạt động hiệu quả; xây dựng lớp sinh viên thời kỳ mới có đạo đức, kỹ năng, sức khỏe, hoài bão, khát vọng vươn lên; luôn xung kích, sáng tạo, đổi mới trong tư duy khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển xây dựng nhà trường và quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp.
* Sáng 31-10, Ban Liên lạc Tù chính trị tỉnh tổ chức Đại hội toàn thể Tù chính trị tỉnh nhiệm kỳ V (2018 - 2023).
Dự Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam và Hội Cựu tù chính trị, Ban liên lạc Tù chính trị các tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Nhiệm kỳ IV, Ban liên lạc Tù chính trị tỉnh có 139 hội viên sinh hoạt ở 5 Tổ Tù chính trị các huyện, thành phố Kon Tum. Thời gian qua, Ban liên lạc cấp tỉnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Mặt trận và các sở, ngành quan tâm tạo điều kiện cấp kinh phí, hỗ trợ tổ chức các phong trào, hoạt động. Hàng năm, có 99% số gia đình hội viên tù chính trị được đánh giá, xếp loại đạt danh hiệu ‘Gia đình văn hóa’”.   
Đại hội đã thống nhất, biểu quyết thông qua chương trình hoạt động của nhiệm kỳ V (2018 -2023) là, tích cực tuyên truyền, động viên hội viên tiếp tục phát huy truyền thống trung kiên bất khuất, đẩy mạnh các hoạt động gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua, phát huy phẩm chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ"; hướng về cơ sở tham gia giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; thường xuyên cổ vũ, động viên hội viên nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình.
Các hội viên phấn đấu có 100% số hộ gia đình tù chính trị đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa trong mỗi năm; tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Vì người nghèo”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở địa phương; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, gắn với các phong trào thi đua, hoạt động do các cấp phát động.  
Đại hội cũng đã bầu ra Ban Chấp hành Ban liên lạc Tù chính trị tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ V gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thị Đức Hạnh tái đắc cử chức Trưởng ban liên lạc Tù chính trị tỉnh nhiệm kỳ V (2018 – 2023).
Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã chúc mừng, tặng hoa và quà Ban Chấp hành Ban liên lạc Tù chính trị tỉnh nhiệm kỳ V; tặng giấy khen cho 5 tập thể và 8 cá nhân có thành thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng Tổ liên lạc Tù chính trị cơ sở vững mạnh giai đoạn 2013-2018.  
2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Ngày 18/10/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1100/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum.
Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh (Ban Chỉ đạo) được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Kon Tum. Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực thông tin và truyền thông; Chánh Văn phòng UBND tỉnh là Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có các Ủy viên  là đại diện lãnh đạo các cơ quan: Công an tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ....
Theo quyết định, Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan đầu mối, giúp Ban Chỉ đạo điều phối công tác xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo do Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo làm Tổ trưởng.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh: Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo quy định của Trung ương; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo các cơ quan, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; Chỉ đạo việc triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh; Chỉ đạo công tác điều phối, ứng cứu khẩn cấp sự cố và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Chỉ đạo ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh theo đề xuất của đơn vị chuyên trách ứng cứu sự....
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 160/QĐ-UBND ngày 08/022018 của UBND tỉnh Kon Tum về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Kon Tum.
* Ngày 22/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 525/QĐ-UBND về việc Công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế lĩnh vực thi đua, khen thưởng thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, công bố 18 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế lĩnh vực thi đua, khen thưởng, cụ thể: cấp tỉnh là 07 thủ tục, cấp huyện là 07 thủ tục, cấp xã 04 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các thủ tục hành chính từ số 01 đến 07 khoản VII mục A; các thủ tục hành chính tại khoản III mục B; các thủ tục hành chính tại khoản II mục C phần I và phần II Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 06/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum về việc công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa ngành Nội vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
* Ngày 22/10/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 28/2018/QĐ-UBND về việc Quy định quản lý sử dụng nhà ở công vụ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, đối tượng được thuê nhà ở công vụ áp dụng theo quy định tại khoản 1, Điều 32 Luật nhà ở và Điều 48 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở. Nhà ở công vụ chỉ sử dụng cho thuê đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn quy định; chỉ được sử dụng trong thời gian công tác, không sử dụng vào mục đích khác. Khi không còn thuộc đối tượng và đủ điều kiện thuê nhà công vụ theo quy định, hoặc không còn nhu cầu thuê, người thuê có trách nhiệm giao trả lại nhà công vụ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018. Các đối tượng đã được thuê nhà ở công vụ theo Quyết định số 491/QĐ-UBND ngày 01/6/2012 của UBND tỉnh nhưng không thuộc đối tượng hoặc không đủ điều kiện được thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Quyết định này nếu còn nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở công vụ thì được tiếp tục thuê đến hết thời hạn trong hợp đồng; thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Quyết định này.
* Ngày 22/10/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 29/2018/QĐ-UBND quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Quy chế kèm theo Quyết định có 09 chương, 45 điều, quy định về: (1) Phạm vi, đối tượng, nguyên tắc thi đua, khen thưởng; (2) Mục tiêu, hình thức, nội dung và trách nhiệm tổ chức phong trào thi đua; (3) Tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục, quy trình, thời gian xét đề nghị các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; (4) Xét, đề nghị khen thưởng cấp nhà nước; (5) Hiệp y khen thưởng; (6) Quỹ thi đua, khen thưởng; (7) Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được khen thưởng; (8) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp.
Quy chế này áp dụng đối với: (1) Các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; (2) Các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; (3) Các tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh; (4) Cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; (5) Thành viên cụm, khối thi đua do UBND tỉnh tổ chức; (6) Nhân dân tỉnh Kon Tum; (7) Tập thể và cá nhân ở các địa phương khác; người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài; người nước ngoài, cơ quan tổ chức nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam có thành tích và công lao đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Kon Tum.
Theo quy định, khi xét khen thưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo; chú trọng khen thưởng cá nhân là người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu. Không xét tặng danh hiệu thi đua và xét khen thưởng đối với cá nhân đang bị kỷ luật; chưa xét tặng danh hiệu thi đua và xét khen thưởng đối với cá nhân đang xem xét kỷ luật hoặc đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra theo đơn thư tố cáo, phản ánh. Không tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân khi sơ kết, tổng kết việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị định mà không có kế hoạch của Trung ương; không tặng đối với việc phục vụ hội nghị, hội thảo, diễn đàn,…và thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của cơ quan, đơn vị được giao....
Về tỷ lệ công nhận danh hiệu thi đua và xét khen thưởng: (1) Tỷ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến" của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương; (2) Đối với phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng … của tỉnh, phong trào thi đua do tỉnh phát động hoặc do các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương thuộc tỉnh tổ chức phát động nhưng có thời gian từ 03 năm trở lên, tỷ lệ không quá 10% tập thể và 5% cá nhân xuất sắc (phong trào thi đua do Trung ương phát động, số lượng và tiêu chuẩn khen thưởng căn cứ vào Kế hoạch); (3) Đối với phong trào thi đua nhân kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập của tỉnh, hoặc của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương: (a) Đối với phong trào thi đua do Chủ tịch UBND tỉnh phát động nhân kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập của tỉnh vào năm lẻ 5 (năm có chữ số cuối cùng là 5), năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là 0): thành phần, số lượng khen thưởng thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; (b) Đối với phong trào thi đua do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương phát động nhân kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là 0): số lượng đề nghị khen thưởng không quá 03 tập thể, 05 cá nhân; tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng có thời gian tham gia đóng góp đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương ít nhất 2/3 thời gian và không vi phạm kỷ luật dưới mọi hình thức; (4) Đối với phong trào thi đua trong nhiệm kỳ đại hội: (a) Đối với phong trào thi đua trong nhiệm kỳ đại hội của các tổ chức, số lượng đề nghị khen thưởng không quá 05 tập thể, 10 cá nhân; (b) Đối với phong trào thi đua khi kết thúc nhiệm kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ của HĐND tỉnh, thành phần, số lượng khen thưởng thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; (5) Đối với phong trào thi đua triển khai thực hiện luật, pháp lệnh, nghị định, đề án có thời gian thực hiện từ 05 năm trở lên, số lượng đề nghị khen thưởng không quá 03 tập thể, 05 cá nhân; (6) Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích trong công tác an sinh xã hội hàng năm, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trình UBND tỉnh khen thưởng đối với tập thể có mức đóng góp từ 100 triệu đồng trở lên, đối với cá nhân hoặc hộ gia đình có mức đóng góp từ 50 triệu đồng trở lên; mức đóng góp được tính cộng dồn nhiều lần trong 01 năm; việc trao tặng bằng khen thực hiện vào ngày 17/10 hàng năm (Ngày vì người nghèo); (7) Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnhvề thành tích xuất sắc trong kỳ thi, hội thi: (a) Đối với các kỳ thi, hội thi, hội diễn do UBND tỉnhtổ chức, khen thưởng cho tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia thi đạt giải nhất, giải nhì hoặc tương đương; (b) Đối với các kỳ thi, hội thi, hội diễn cấp quốc gia, khu vực, khen thưởng cho tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia thi và đạt được Huy chương vàng, bạc, đồng hoặc giải nhất, giải nhì, giải ba; (c) Đối với các kỳ thi giải Quốc tế, giải khu vực Châu Á, Đông Nam Á, khen thưởng cho tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia thi đấu đạt Huy chương vàng, bạc, đồng, giải khuyến khích hoặc hạng nhất, nhì, ba và khen thưởng Huấn luyện viên, giáo viên hướng dẫn của các cá nhân đạt giải đó; (8) Đối với việc khen thưởng theo đợt (hoặc chuyên đề), trong 01 năm Chủ tịch UBND tỉnh không tặng bằng khen quá 02 lần cho một tập thể hoặc một cá nhân; các cơ quan, đơn vị, địa phương không đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ, ban ngành, Đoàn thể Trung ương cho cùng một thành tích đạt được.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2018 và thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-UBND ngày 05/5/2015 của UBND tỉnh Kon Tum về việc ban hành Quy chế công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
* Ngày 23/10/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1117/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thu thập dữ liệu về tài nguyên và môi trường tỉnh Kon Tum năm 2018.
Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm: Thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường, chuẩn bị tốt cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất trong toàn tỉnh và ngành; là cơ sở để hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường cấp tỉnh được cập nhật thường xuyên, dễ khai thác và sử dụng, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường; đáp ứng thông tin cho nhu cầu sử dụng của cộng đồng trong hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt và nâng cao dân trí; từng bước thực hiện chiến lược kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường.
Dữ liệu về tài nguyên và môi trường cần thu thập, gồm: Thông tin, dữ liệu về đất đai; Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; Thông tin, dữ liệu về địa chất và khoáng sản; Thông tin, dữ liệu về môi trường; Thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn; Thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ; Thông tin, dữ liệu về biến đổi khí hậu; Thông tin, dữ liệu về viễn thám; Kết quả thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, giải quyết bồi thường thiệt hại về tài nguyên và môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết; Văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên và môi trường; Hồ sơ, kết quả của các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về tài nguyên và môi trường; Thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường khác do quy định của pháp luật.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch; tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố về thực hiện các nội dung thu thập, cập nhật, xử lý chuẩn hoá dữ liệu về tài nguyên và môi trường; lập danh mục dữ liệu về tài nguyên và môi trường để đăng trên Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện kiểm tra, đánh giá, xử lý, cập nhật và lưu trữ dữ liệu thu thập được....
* Ngày 24/10/2018, UBND tỉnh có Văn bản 2957/UBND-KTTH yêu cầu UBND các huyện, thành phố tạm dừng công tác tuyển dụng công chức cấp xã để thống nhất công tác sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh; hạn chế khó khăn trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2021.
Đối với các huyện, thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyển dụng công chức cấp xã có văn bản thông báo công khai và gửi cho cá nhân đăng ký dự tuyển biết về việc tạm dừng công tác tuyển dụng công chức cấp xã.
Đồng thời chỉ đạo triển khai các công việc có liên quan đến thủ tục tuyển dụng, tránh để xảy ra sai sót dẫn đến phát sinh các vấn đề phức tạp liên quan đến công tác tuyển dụng theo quy định hiện hành (trường hợp cần thiết có thể xem xét, quyết định hủy kế hoạch tuyển dụng, trả hồ sơ dự tuyển cho cá nhân).
Trong trường hợp thật sự cần thiết phải tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã theo hình thức xét tuyển (đối với chức danh Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã) hoặc tuyển dụng không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng, các địa phương báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, có ý kiến trước khi thực hiện.
* Ngày 24/10/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2954/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 12-9-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Theo đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với các nhiệm vụ: (1) Lãnh đạo, chỉ đạo về nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; (2) Thông tin, tuyên truyền về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; (3) Rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, triển khai lập bản đồ tìm kiếm, quy tập, xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; (4) Tập trung nỗ lực, tổ chức tìm kiếm, quy tập có hiệu quả; (5) Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; (6) Kiện toàn, bổ sung Ban Chỉ đạo 515 tỉnh, cơ quan giúp việc; (7) Bảo đảm kinh phí, phương tiện, trang bị phục vụ cho nhiệm vụ.
UBND tỉnh giao BCH Quân sự tỉnh (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh về thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ), Sở Lao động - TB&XH (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh về thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ) và các cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham gia công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo như nội dung, chương trình Đề án đã xác định; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên hiểu rõ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
* Ngày 24/10/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1127/QĐ-UBND về việc phân bổ 602.932 kg gạo cho các trường học trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ cho học sinh tháng 11, 12 năm 2018 và tháng 01 năm 2019 theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ.
Cụ thể: Thành phố Kon Tum 482 học sinh/20.670 kg; huyện Đăk Hà 1.510 học sinh/67.275 kg; huyện Đăk Tô 1.077 học sinh/47.235 kg; huyện Tu Mơ Rông 2.273 học sinh/97.072 kg; huyện Ngọc Hồi 746 học sinh/31.800 kg; huyện Đăk Glei 2.655 học sinh/116.235 kg; huyện Sa Thầy 1.127 học sinh/49.050 kg; huyện Ia H’Drai 573 học sinh/24.660 kg; huyện Kon Rẫy 1.192 học sinh/52.425 kg; huyện Kon Plông 2.198 học sinh/96.510 kg.
UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng và UBND các huyện, thành phố tổ chức tiếp nhận để cấp phát, sử dụng cho học sinh đảm bảo đúng số lượng, chất lượng, đối tượng và thời gian quy định. Thời gian hoàn thành việc tiếp nhận, cấp phát trước ngày 10/11/2018.
* Ngày 25/10/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1159/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp” tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Ban Chỉ đạo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban; Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Trưởng ban Thường trực; Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo: Sở Xây dựng; Sở Y tế; Sở Tài chính; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Công Thương; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giao thông vận tải; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. UBND tỉnh mời đại diện lãnh đạo các cơ quan: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh tham gia Ban Chỉ đạo với tư cách thành viên.
Theo Quyết định, Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân tỉnh khi Trưởng ban ký văn bản; sử dụng con dấu của Sở Tư pháp khi Phó Trưởng ban Thường trực ký văn bản của Ban Chỉ đạo.
Trưởng Ban Chỉ đạo thành lập Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo theo đề nghị của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo; Thành viên và Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; hoạt động theo Quy chế làm việc và Chương trình công tác do Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh; Tổ chức phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn, chỉ đạo việc lồng ghép, phối hợp các chương trình, kế hoạch, nguồn nhân lực của các sở, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện Đề án theo những yêu cầu, mục tiêu chung...
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế: (1) Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 29/01/2014 của UBND tỉnh Kon Tum về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tỉnh; (2) Quyết định số 1238/QĐ-UBND ngày 25/11/2014 về việc điều chỉnh nhân sự Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tỉnh; (3) Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 14/7/2015 về việc điều chỉnh nhân sự Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" tỉnh Kon Tum.
* Ngày 25/10/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2968/UBND-NCXDPL chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về triển khai kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
Thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: (1) Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh về thi hành Luật Tố tụng hành chính; (2) Tăng cường năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Xác định trách nhiệm, có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật là nguyên nhân phát sinh việc khiếu nại, khởi kiện; (3) Có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ tham gia quá trình giải quyết vụ án hành chính và thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính; (4) Rà soát, tổ chức thực hiện nghiêm túc các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; kiểm tra, xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án (nếu có). Trong trường hợp phát sinh những bản án có khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thi hành phải khẩn trương có biện pháp giải quyết hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cho ý kiến chỉ đạo, không để kéo dài.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành Luật Tố tụng hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp xử lý đối với các cơ quan, địa phương cố tình chây ì, không chấp hành nghĩa vụ thi hành các bản án hành chính theo quy định của pháp luật. Định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh biết, chỉ đạo.
* Ngày 25/10/2018, Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh ban hành Kế hoạch số 165/KH-BTC Triển khai các hoạt động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8 và Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên-Nhi đồng tỉnh Kon Tum lần thứ 11 (năm 2018-2019)
Theo đó, Hội thi nhằm hưởng ứng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc; qua đó đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và sáng chế, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; khơi dậy tiềm năng, phát huy tính tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng, tạo sân chơi khoa học bổ ích cho học sinh, sinh viên, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, xây dựng ước mơ để trở thành nhà sáng chế trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8 năm 2018-2019 được tổ chức từ tháng 01/2018 đến hết tháng 8/2019. Thời hạn nhận hồ sơ dự thi đến hết ngày 30/6/2019; mọi tổ chức, tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh có các giải pháp kỹ thuật được tạo ra là kết quả hoạt động sáng tạo, sáng kiến cải tiến và ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động kinh tế - xã hội được áp dụng tại tỉnh Kon Tum và đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế-xã hội, đều có quyền dự thi (các cá nhân, tổ chức có các giải pháp, công trình đạt giải "Giải thưởng Khoa học - Công nghệ VIFOTEC" thì không được tham gia Hội thi này).
Tất cả các giải pháp sáng tạo kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh đều có quyền tham dự Hội thi. Các giải pháp dự thi đăng ký theo 07 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hoá, xây dựng, giao thông; vật liệu, hoá chất, năng lượng; nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; y dược; giáo dục, đào tạo; các lĩnh vực khác.
Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng lần thứ 11 năm 2018-2019 được tổ chức từ tháng 9/2018 đến 30/7/2019. Thời hạn nhận hồ sơ dự thi, hết ngày 15/6/2019. Tất cả các em Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng trong tỉnh từ 06 đến 19 tuổi đều có quyền đăng ký tham gia Cuộc thi; khuyến khích các em là người dân tộc thiểu số, các em khuyết tật tham gia.
Các mô hình, sản phẩm tham dự Cuộc thi thuộc 05 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; đồ chơi trẻ em và đồ dùng phục vụ giải trí; các dụng cụ sinh hoạt gia đình; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế...
 
Nguyễn Phi Em (tổng hợp)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây