Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Tỉnh táo nhìn nhận để không trở thành “nạn nhân” của luận điệu xuyên tạc

Tuyên truyền luận điệu xuyên tạc, thù địch về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta, phủ nhận nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bằng những căn cứ vô lý, trắng trợn, phiến diện là phương thức “bổn cũ soạn lại” của các đối tượng chống đối lợi dụng nhằm chống phá Việt Nam.
Bệnh nhân được chữa khỏi COVID-19, ảnh minh họa trên Internet
Luận điệu xuyên tạc về nỗ lực phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam
Mục đích các đối tượng thực hiện tuyên truyền, tán phát luận điệu xuyên tạc, thù địch về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, phủ nhận nỗ lực chống dịch của Chính phủ, công kích lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội, tạo sự hoài nghi về công tác phòng, chống dịch của Chính phủ, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí Lãnh đạo để từ đó có điều kiện gây bất ổn chính trị-xã hội trong nước. Luận điệu chúng đưa ra trắng trợn, vô căn cứ, phiến diện, một chiều và tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tâm lý của người dân nếu không tỉnh táo nhận thức rõ ràng.
Các tổ chức phản động lưu vong như: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, các đài phát thanh BBC, VOA, RFA, Chân trời mới media, Hội anh em dân chủ, “Voice”, “BPSOS”… cùng số đối tượng phản động trong nước câu kết, a dua, phủ nhận những thành quả bước đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công tác ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra mà WHO và quốc tế đánh giá cao. Tổ chức thăm dò ý kiến qua mạng nhằm gây áp lực với chính quyền đối với các quyết sách như: đóng cửa biên giới với Trung Quốc, yêu cầu các doanh nghiệp có công nhân Trung Quốc, Hàn Quốc dừng sản xuất, học sinh nghỉ học, trung tâm thương mại, siêu thị đóng cửa; kêu gọi, kích động công nhân đình công tập thể, hô hào người dân tích trữ lương thực, thực phẩm khiến tình trạng hoảng loạn trong quần chúng nhân dân, nhất là sau ca nhiễm số 17...
Thực hiện các “quảng cáo chính trị” nhằm bóp méo sự thật, tán phát đến người dân các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, công kích Chính phủ “bưng bít thông tin” trong công bố số ca nhiễm, tử vong do COVID-19, yếu kém trong điều hành, xử lý dịch bệnh; bệnh nhân 17 chỉ là “con dê tế thần” để Việt Nam nhận tiền tài trợ từ nước ngoài...
Tỉnh táo nhìn nhận để không trở thành “nạn nhân” của luận điệu xuyên tạc
Mỗi người dân cần nhận thức rõ rằng, thực tiễn tình hình dịch bệnh và nỗ lực phòng, chống dịch đang diễn ra tại Việt Nam với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến COVID-19 đối lập hoàn toàn với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
- Chính phủ, các bộ, ngành địa phương ra sức triển khai các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ khoanh vùng, dập dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát mất kiểm soát; nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, ổn định đời sống người dân.
Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tốt nhất thế giới. Liên tiếp những chỉ đạo quyết liệt chống dịch được đưa ra, dự báo chiến lược xác định “thời điểm vàng” dập dịch được triển khai mạnh mẽ. Cách ly y tế, cách ly tập trung, cách ly tại nhà, phong tỏa ổ dịch được siết chặt nhằm không để dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng. Tại các cơ sở cách ly, người cách ly được chăm sóc miễn phí chế độ ăn uống, kiểm tra sức khỏe đúng quy định. Ở từng làng, xã, lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành quy định phòng, chống dịch; rà soát, xác định người nước ngoài và công dân Việt Nam nhập cảnh cư trú tại địa phương để hướng dẫn thực hiện các biện pháp cách ly y tế phù hợp. Trong công tác điều trị người nhiễm COVID-19, ở từng bệnh viện, đội ngũ y, bác sỹ không ngừng nỗ lực với quyết tâm chữa khỏi bệnh cho các bệnh nhân bằng phát đồ điều trị và thiết bị y học tốt nhất. Tính đến ngày 12-5-2020, đã có 249 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 39 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh, đa số các bệnh nhân có sức khỏe ổn định, trong đó 8 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 và 11 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 2 với SARS-CoV-2. Đối với trường hợp bệnh nặng số 91 là phi công người Anh, chúng ta đã tính toán phương án thay phổi. Trong khi ở các quốc gia khác, người cách ly và người nhiễm COVID-19 khi tham gia cách ly và điều trị bệnh phải trả tiền phí thì ở Việt Nam, người dân được hoàn toàn miễn phí dù là công dân Việt Nam hay người nước ngoài. Điều này cho thấy rõ tinh thần nhân đạo, ưu việt của nước ta trong công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bằng nỗ lực của Chính phủ và tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức của cả cộng đồng, đến nay, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt, 26 ngày (tính đến ngày 12-5-2020) không ghi nhận ca nhiễm mới ngoài cộng đồng; các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa trở lại hoạt động bình thường.
- Các chính sách hỗ trợ đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi COVID-19 được triển khai. Cùng với phòng, chống COVID-19, khắc phục hậu quả do COVID-19 gây ra cũng là vấn đề được Chính phủ quan tâm. Đại dịch COVID-19 đã khiến 86% doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực du lịch, hàng không, dịch vụ lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng; 26% doanh nghiệp phải dừng hoạt động, ngừng việc, giãn việc. Trước thực trạng đó, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân bị tác động, ảnh hưởng bởi COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho lao động bị giảm sâu về thu nhập, có mức sống dưới tổi thiểu. Có thể thấy, đây là chính sách ưu việt của Nhà nước ta dành cho hơn 20 triệu người dân thuộc diện được hỗ trợ gồm:
+ Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01-4-2020 và không quá 3 tháng.
+ Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01-4-2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.
+ Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng; thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.
+ Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng; thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả một lần.
+ Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách tính đến ngày 31-12-2020 được hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng; thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả một lần.
+ Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng; thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả một lần.
+ Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hằng tháng đến người bị ngừng việc.
Đồng thời, để chủ động tiếp nhận, giải đáp những vấn đề vướng mắc của người dân khi thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố đường dây nóng qua Tổng đài 111 chính thức bắt đầu tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị, thắc mắc của người dân từ ngày 01-5-2020 theo các số điện thoại 0913.049.567; 0977.976.686; 0913.378.816. Theo đó, tính đến hết ngày 03-5-2020, đã có 35.415 cuộc gọi đến tổng đài của phần lớn các đối tượng là người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trong đó nhân viên tư vấn Tổng đài tiếp nhận 9.238 cuộc, chuyển đến bộ phận chức năng 4.520 cuộc.
Tính đến ngày 09-5-2020, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai, hỗ trợ trên 20.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng. 45/63 tỉnh thành đã rà soát xong các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ; 47 tỉnh đã tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 doanh nghiệp với 80.000 lao động và trên 300 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ đối với đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi COVID-19 là nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế đất nước và nguồn ngân sách Nhà nước. Song, xác định đảm bảo cuộc sống cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, các chính sách hỗ trợ là niềm vui, là động lực to lớn giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
- Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn các doanh nghiệp gặp phải do dịch bệnh gây ra. Sáng ngày 09-5-2020, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” với hình thức truyền hình trực tuyến (tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 30 điểm cầu các Bộ, ngành) và truyền hình trực tiếp. Hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, giải đáp những kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp, từ đó, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho lực lượng này tiến lên, cùng chung tay bật dậy nền kinh tế đất nước do tác động, ảnh hưởng của COVID-19.
Tại Hội nghị, có 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân các bộ, cơ quan; 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, 9 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và 437 kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 180 kiến nghị đã gửi đến VCCI. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những chỉ đạo quan trọng đối với các địa phương, đề nghị các địa phương xắn tay áo, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, đồng thời đề nghị các cộng đồng doanh nghiệp tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đoàn kết, chủ động, quyết đoán cùng Chính phủ vượt qua khó khăn phía trước, khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế.
Mỗi người dân cần tỉnh táo nhận thức rõ những nỗ lực và kết quả đạt được của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch ở nước ta; từ đó không tin, không nghe theo luận điệu xuyên tạc, thù địch của các đối tượng chống đối, không để bị lừa bịp và trở thành nạn nhân của thông tin xấu độc.


Hồ Thị Khánh Vi
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây