Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Tác động của “diễn biến hòa bình” đến học sinh, sinh viên

Hình có tính chất minh họa (nguồn: Internet)
Sau thất bại trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, các nước đế quốc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu và hoạt động chống phá Việt Nam. Âm mưu xuyên suốt và mục tiêu cuối cùng không thay đổi của các nước đế quốc là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam, biến Việt Nam thành một nước dân chủ tư sản kiểu phương Tây, đi theo quỹ đạo và trở thành một nước phi xã hội chủ nghĩa.
Tại Đại hội XII, Đảng ta đã chỉ rõ: Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” (DBHB), gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”...hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta
Từ sau Đại hội XII của Đảng, tình hình thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp. Cách mạng khoa học - công nghệ và toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ; hoà bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, bất ổn chính trị - xã hội, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa một số nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Một mặt, đế quốc Mỹ và các thế lực phản động quốc tế vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động DBHB nhằm chuyển hóa chế độ XHCN ở các nước còn lại. Đối với Việt Nam, “các thế lực thù địch tiếp tục chống phá và can thiệp vào công việc nội bộ nước ta, kích động bạo loạn, lật đổ và đẩy mạnh hoạt động "DBHB", thúc đẩy "tự diễn biến" "tự chuyển hóa" trong nội bộ ta. Mặt khác, các tổ chức phản động bên ngoài triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng internet, triệt để lợi dụng những tiêu cực, tham nhũng…để tuyên truyền xuyên tạc nhằm hạ uy tín của Đảng và Nhà nước ta
Chúng ráo riết phát triển lực lượng, nuôi ý định chống đối chế độ lâu dài. Trong những năm gần đây, các phần tử cốt cán gia tăng phát triển lực lượng hòng “trẻ hóa” nhân sự. Trước mắt, chúng tiến hành trẻ hóa đội ngũ để thay thế dần số già yếu hoặc chết. Loại đối tượng khá trẻ như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định (cả 3 đối tượng này đều luật sư), Phạm Hồng Sơn (bác sĩ), Nguyễn Phương Anh (kỹ sư). Đáng chú ý là đối tượng rất trẻ như thạc sỹ tin học Nguyễn Tiến Trung, sinh năm 1983.
Thực tế hiện nay cho thấy, số lượng người đọc báo mạng, nhất là học sinh, sinh viên (gọi chung là thanh niên hoặc sinh viên) đang có xu thế tăng nhanh đột biến so với một vài năm trước đây; trong số những người thường xuyên truy cập mạng Internet đa số là sinh viên, đây là một thực tiễn rất đáng chú ý trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực, trong đó có vấn đề “tư tưởng chính trị”.
Sự phát triển nhanh của mạng internet và dịch vụ viễn thông cũng đang đặt ra những thách thức mới đối với công tác tư tưởng. Các quan điểm sai trái trên mạng thường được in ấn, nhân bản với số lượng lớn nên phát tán rất nhanh trong xã hội, do đó cũng tác động đến một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên.
Với lượng thông tin sai trái, thù địch trên mạng lớn gấp rất nhiều lần so với cách truyền bá thủ công trước đây, lại được tuyên truyền hằng ngày hằng giờ, đã thực sự tác động mạnh mẽ đối với cộng đồng cư dân mạng. Thực tế cho thấy một bộ phận cư dân mạng, nhất là “học sinh, sinh viên, đã và đang chịu tác động tiêu cực của mặt trái công nghệ thông tin, bị mê hoặc, lung lạc bởi những ''điều phi lý'' trên mạng internet, trở thành nạn nhân "một cách rất tự nhiên".
Những thông tin sai trái, thù địch trên mạng  phát tán rộng rãi, thường xuyên đã và đang gây phân tâm, lo lắng trong một bộ phận lớn cư dân mạng nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng. Điều đáng ngại là, trong khi tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân ta vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, thì có một số người, do những hoàn cảnh, động cơ khác nhau, hoặc vô tình hoặc cố ý, đã “sập bẫy” cuộc chiến tranh tâm lý - thông tin. Đây đó đã xuất hiện sự dao động, hoài nghi, thậm chí có người phản bội sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Hiện tượng phai nhạt lý tưởng cách mạng; hoài nghi, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng và thành quả cách mạng; tuyên bố “sám hối”, ly khai học thuyết Mác - Lênin và con đường đi lên CNXH do Đảng ta lãnh đạo, chạy theo những học thuyết, trào lưu, trường phái học thuật, văn nghệ tư sản vốn đã và đang bị chính học giả các nước tư bản đào thải, phê phán - sa vào chủ nghĩa giáo điều mới; đề cao cái tôi cá nhân và lối sống vị kỷ, ích kỷ...
Các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc về tư tưởng chính trị trên mạng internet lan truyền trong xã hội có ảnh hưởng trực tiếp tới sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trong một bộ phận thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, tri thức.
Một số thanh niên, sinh viên phai nhạt lý tưởng, mắc căn bệnh "nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị". Một số sinh viên đề cao quan điểm “dân chủ tư sản”; sống thực dụng, ích kỷ, cá biệt có hiện tượng tha hoá về nhân cách; một số viết bài cho đài nước ngoài nói xấu chế độ ta để xin học bổng. Ngoài ra, còn hàng trăm thanh niên do nhận thức mơ hồ hoặc bị lừa phỉnh đã tham gia vào các cuộc bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên.
Do đó, để tăng cường và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng tính đồng thuận xã hội, huy động đông đảo lực lượng học sinh sinh viên góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, thời gian tới cần thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, đưa vào nội dung giảng dạy những tri thức cơ bản giúp học sinh, sinh viên nhận thức rõ con đường đi lên CNXH và góp phần đấu tranh với các quan điểm sai trái.
Với mưu đồ hình thành lực lượng lâu dài về sau, nên các thế lực thù địch đã tập trung tác động vào thế hệ trẻ, họ xem đây như chiến lược con người nhằm chuyển hóa tư tưởng của học sinh, sinh viên, phai nhạt dần lý tưởng cộng sản. Học sinh, sinh viên là những lực lượng trẻ, có tri thức lại nhanh nhạy với cái mới và là đối tượng của DBHB. Kinh nghiệm thế giới cho biết, các cuộc biểu tình, đấu tranh, gây sức ép đối với chính quyền đương nhiệm diễn ra ở các nước thời gian qua, dù được tổ chức, chỉ đạo của lực lượng nào thì học sinh, sinh viên, thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt.
Thứ hai, các Bộ, ban ngành hữu quan (Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Công An, Ban Tuyên giáo Trung ương…) cần phối hợp, kết hợp trong xây dựng, triển khai và áp dụng các nội dung về âm mưu DBHB của lực lượng thù địch, về con đường đi lên CNXH ở nước ta trong sách giáo khoa ở các cấp học, bậc học, nhất là cấp phổ thông theo hướng phong phú về nội dung, đa dạng về phương pháp và phù  hợp với đối tượng tác động, giúp họ hiểu được âm mưu, hành động phản động của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thứ ba, cần giải quyết dứt điểm, nhanh gọn, không để lan rộng những vấn đề phức tạp nảy sinh trong nhà trường phổ thông và đại học, không để các lực lượng thù địch, phản động lợi dụng vào tuyên truyền phá hoại tư tưởng, lôi kéo, tập hợp lực lượng đối lập trong học sinh, sinh viên.
Hiện nay vấn đề lối sống, quan niệm sống, cách nhìn nhận về những vấn đề chính trị - xã hội của đất nước trong học sinh, sinh viên rất đáng báo động: tình trạng xem nhẹ những vấn đề thuộc chính trị, khoa học xã hội nhân văn, khuynh hướng thương mại hóa các lĩnh vực nhất là giáo dục, đào tạo, xem đồng tiền là qui chuẩn để định giá trị đang diễn ra khá phổ biến trong lực lượng trẻ. Cần có biện pháp giải quyết những khó khăn, bức xúc trong học tập, sinh hoạt đời sống của học sinh, sinh viên, có chủ trương, phương án giải quyết kịp thời những vấn đề nhạy cảm liên quan như: chính sách về học phí, học bổng, việc làm nhất là việc làm đối với những học sinh, sinh viên chọn nghề theo khoa học Mác - Lênin, khoa học xã hội nhân văn…
Thứ tư, phối hợp giữa các cơ quan chức năng với lãnh đạo nhà trường ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong học sinh, sinh viên. Giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nêu cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay - chủ nhân tương lai của  đất nước trong tiếp bước xây dựng và bảo vệ  Tổ quốc theo con đường XHCN. Và dĩ nhiên, con đường nhanh nhất đạt được mục đích đó là tuyên truyền, giáo dục, quán triệt những nội dung liên quan đến con đường đi lên CNXH và sự cảnh giác với âm mưu phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về  giáo dục đối với học sinh, sinh viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, học tập các môn học thuộc khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ  Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bộ Giáo dục cần xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó chú ý xem xét đến vấn đề an ninh chính trị quốc gia trong quá trình hợp tác giáo dục và đào tạo, qua đó tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng trong đội ngũ trí thức trẻ, học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức về lập trường, quan điểm chính trị, chống lại mọi biểu hiện sai lệch về nhận thức và hành động sai trái.
 
TS. Ngô Hoàng Anh
Trường Chính trị tỉnh Kon Tum
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây