Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Cần cảnh giác trước thủ đoạn xuyên tạc quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam của các thế lực thù địch

Lợi dụng tuyên truyền để xuyên tạc, phá hoại quá trình xây dựng pháp luật ở nước ta nhằm bôi nhọ, hạ uy tín, chống phá Đảng, Nhà nước là âm mưu thâm độc các đối tượng chống đối đã và đang đẩy mạnh thực hiện.
Hình minh họa trên Internet
Pháp luật là công cụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội hữu hiệu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản. Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và trên thế giới luôn có những thay đổi cùng xu thế hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, cuộc cách mạng khoa học-công nghệ phát triển mạnh mẽ đòi hỏi quá trình lập pháp, nghiên cứu, xây dựng pháp luật sẽ phải có điều chỉnh đảm bảo quyền, lợi ích công dân, phù hợp luật pháp quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên.
Từ những đặc điểm trên, để phục vụ mưu đồ chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động lợi dụng các vấn đề đặt ra nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến trong quá trình lập pháp tại các kỳ họp Quốc hội để xuyên tạc, vu cáo, bóp méo sự thật, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, hạ uy tín Đảng, Nhà nước… Đây là hoạt động thường thấy hiện nay trên các trang web phản động, tài khoản facebook hay blog cá nhân của các đối tượng chống đối với nhiều hình thức tô vẽ, đưa tin, bài, đăng hình ảnh, video clip xuyên tạc, châm biếm vô lý, phản cảm như “Pháp luật Việt Nam, một bước lùi đối với tiến bộ xã hội”, “Luật An ninh mạng mở đường cho một cuộc trấn áp mới”(!); “Pháp luật Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận (Luật Hình sự, Luật Báo chí)”; “Luật Phòng chống tham nhũng chẳng qua chỉ là công cụ trong cuộc “đấu đá” nội bộ, “nhóm lợi ích mới cướp (lại) nhóm lợi ích cũ” hoặc chỉ là để “trả thù, triệt hạ tay chân” của người này, người khác…
Trước những luận điệu xuyên tạc, bóp méo bản chất ưu việt của những vấn đề được đặt ra nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành trong quá trình lập pháp ở Việt Nam hiện nay, mỗi công dân cần nhận thức đầy đủ bản chất vấn đề, nhận diện luận điệu để chủ động phòng tránh, không để bị tác động, gây hoang mang tư tưởng hay thay đổi nhận thức chính trị vì những luận điệu sai trái, thù địch:
Thứ nhất, cần nhận thức, phân tích rõ nguồn thông tin tiếp cận một cách khách quan, không phiến diện để thấy rõ phương thức, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch và đối tượng chống đối.
Trên Internet và mạng xã hội hiện nay xuất hiện hàng loạt những tin bài, hình ảnh, video clip sai trái xuyên tạc các vấn đề được đặt ra nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trong các dự án luật tại các kỳ họp Quốc hội. Khi tiếp cận những luồng thông tin này, người đọc cần có ý thức tư duy hai chiều, tức là đọc thông tin tiêu cực nhưng phải suy nghĩ về những thông tin tích cực, có sự so sánh, đối chiếu để thấy rõ bản chất xuyên tạc, vô lý của những luận điệu này. Đồng thời, suy xét về mục đích, sự cần thiết phải thay đổi, sửa đổi, bổ sung hay nghiên cứu ban hành điều luật, bộ luật có đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, của thế giới và nhu cầu cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân hay không. Mặt khác, khi tiếp cận, tìm đọc thông tin trên không gian mạng, người dân cần lưu ý nguồn gốc của đơn vị cung cấp thông tin là chính thống hay không chính thống. Tin tức, hình ảnh, sự kiện, video clip  xuyên tạc thường là các trang thông tin không chính thống, các trang hay tài khoản do các đối tượng lập ra phục vụ mục đích chống phá.
Chẳng hạn, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thông qua dự thảo Luật An ninh mạng với 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, với nội dung điều chỉnh của mình, Luật An ninh mạng trở thành cái gai đối với các đối tượng xấu bởi lẽ chúng mất đi công cụ quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong “công cuộc tuyên truyền, xuyên tạc” là Internet và mạng xã hội. Chúng cho rằng “đây là luật chống lại loài người”, “nhằm bịt miệng dân chủ”, “đàn áp người bất đồng chính kiến”, “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “thêm giấy phép con”, “cấm sử dụng facebook, google”… rồi từ đó kích động, kêu gọi báo chí, những cá nhân, doanh nghiệp công nghệ thông tin phản ứng về dự luật, xúi giục người dân tụ tập đông người, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự, phá hoại tài sản, tấn công lực lượng vũ trang… Đứng trước luận điệu này, mỗi người dân cần nhận thức được sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng và hiểu rõ bản chất Luật An ninh mạng là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân trên không gian mạng. Rõ ràng rằng, trước bối cảnh hoạt động tội phạm mạng gia tăng như hiện nay (theo thống kê, Việt Nam là nước đứng thứ 13 trong top 20 quốc gia có dân số sử dụng Internet cao nhất trên thế giới, cũng là quốc gia nằm trong nhóm bị tấn công mạng nhiều nhất), việc ban hành Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết, phù hợp với xu thế của thế giới, góp phần đắc lực trong việc triển khai đảm bảo an ninh mạng và công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động sử dụng Internet xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng không những không tạo rào cản, không tăng thủ tục hành chính, không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của các tổ chức, cá nhân mà trái lại, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật An ninh mạng đã có một chương quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin và xử lý hành vi vi phạm pháp luật (Chương III-Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng).
Hay gần đây, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra tại Hà Nội, trước việc Quốc hội tổ chức xin ý kiến đại biểu về quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông với 02 phương án cụ thể nhưng đều không quá 50% ý kiến tán thành, tức là cả 02 phương án đều không được bổ sung vào dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, trên các trang web phản động, nhiều ý kiến chủ quan, trái chiều đã đưa ra “Chiều ngày 3 Tháng Sáu, 2019, các Đại Biểu Quốc Hội CSVN đã phải biểu quyết hai lần về quy định “cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có nồng độ cồn”. Nhưng cả hai lần số phiếu đều không quá 50%, vì vậy luật “Uống rượu bia không lái xe” đã không được ghi vào dự thảo Luật Phòng, Chống Tác Hại Của Rượu Bia”. Tuy nhiên, đây chỉ là luận điệu chủ quan, cố tình lợi dụng quy trình làm việc của Quốc hội đối với quy định này để xuyên tạc Nhà nước ta “vô cảm”, không quan tâm hay không bảo vệ tính mạng người dân khi tham gia giao thông trước những nguy hiểm khôn lường từ rượu, bia.
Để giải thích về việc lấy ý kiến cấm uống rượu, bia khi lái xe, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ rõ hiện nay, pháp luật hiện hành trong lĩnh vực giao thông như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ Luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính đã có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi uống rượu, bia rồi sử dụng phương tiện giao thông, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn. Vì vậy, không phải không bổ sung quy định trên vào Luật phòng chống tác hại rượu, bia thì chúng ta không có chế tài để xử lý. Mặt khác, dù các luật khác đã có quy định nêu trên nhưng Quốc hội vẫn tổ chức lấy ý kiến đại biểu để bổ sung vào nội dung dự thảo là vì mong muốn thu hút tất cả các nội dung đã quy định về việc sử dụng rượu bia của người tham gia giao thông vào luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và do còn nhiều ý kiến khác nhau nên phải xin ý kiến đại biểu để có cơ sở tiếp thu. Qua lấy ý kiến, nếu đa số đại biểu ủng hộ bổ sung quy định vào dự thảo Luật thì ban soạn thảo sẽ tiếp thu; nếu không, Việt Nam vẫn áp dụng chế tài theo quy định hiện hành.
Thứ hai, nhận thức rõ âm mưu, mục đích tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đối tượng chống đối và chế tài xử lý của Nhà nước đối với hành vi đăng tải nội dung thông tin xuyên tạc, sai lệch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.
Trên cơ sở phân tích các nguồn thông tin được tiếp cận, mỗi người dân cần nhận diện rõ ẩn ý, âm mưu, mục đích bóp méo vấn đề của các luận điệu. Phải nhận thức rõ rằng luận điệu xuyên tạc đó chỉ nhằm mục đích nói xấu chính quyền, hạ uy tín Đảng, Nhà nước, chống phá sự tồn vong của chế độ xã hội ta. Hiện nay, để thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các thế lực thù địch, đối tượng chống đối trong và ngoài nước gia tăng các hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng thông qua việc lợi dụng các vấn đề nhạy cảm, thiếu sót trên tất cả các lĩnh vực còn tồn tại trong xã hội để bóp méo sự thật, nói xấu chính quyền, từ đó tác động làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân vào con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đã lựa chọn. Trong đó, lợi dụng các vấn đề được đặt ra nghiên cứu, thảo luận, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới tại các bộ luật trong quá trình lập pháp là mục tiêu chúng thường nhằm vào bởi đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của người dân, tác động mạnh mẽ, thường xuyên đến đời sống xã hội. Tại các kỳ họp của Quốc hội, chúng đặc biệt quan tâm, theo dõi kết quả biểu quyết và phần thảo luận tại nghị trường về các vấn đề đặt ra, phát hiện những vấn đề còn nhiều ý kiến không tán thành ở các đại biểu, từ đó thêu dệt, xuyên tạc theo hướng tiêu cực nhằm xoáy sâu vào mục đích “tố cáo” Nhà nước “không quan tâm nhân dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền”… Chính vì vậy, việc nhận thức rõ âm mưu, mục đích tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đối tượng chống đối sẽ giúp mỗi người dân ý thức trách nhiệm của bản thân trong chủ động phòng ngừa, không tin, không nghe luận điệu của kẻ xấu.
Trước những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt xuyên tạc quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam của các thế lực thù địch và đối tượng chống đối, mỗi người dân cần ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong tiếp cận các nguồn thông tin và thể hiện quan điểm cá nhân trên không gian mạng, không tự biến mình thành công cụ lợi dụng cho các mưu đồ chính trị chống phá sự vững mạnh của chế độ ta.

Hồ Thị Khánh Vi
Công an tỉnh Kon Tum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây