Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 09-2017

A. NỘI DUNG TRỌNG TÂM SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 9-2017
- Chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), nhất là phổ biến, quán triệt những nội dung mới trong các nghị quyết về  “Hoàn thiện, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
- Chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng về các hoạt động kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9); các hoạt động của lãnh đạo tỉnh và của các cấp, các ngành trong tỉnh nhân Kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017), Kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2017), về kết quả tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”.
- Tăng cường tuyên truyền về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, đơn vị năm 2917. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, về Tháng an toàn giao thông 2017; công tác phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống thiên tai, lũ lụt trong mùa mưa; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý các hành vi gian lận thương mại, thực phẩm bẩn, thực phẩm kém an toàn.
Tuyên truyền các ngày lễ, các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng diễn ra trong tháng: Ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường” (5/9); 62 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955- 10/9/2017); 87 năm phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2017); 40 năm Ngày Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc (20/9/1977-20/9/2017); 72 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2017); 87 năm truyền thống Đảng bộ tỉnh (25/9/1930-25/9/2017)…
- Ngoài ra, chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền thường xuyên: (a) việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với tuyên truyền thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. (b) biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế; xây dựng nông thôn mới; xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…  xây dựng các điển hình tiên tiến của các địa phương, ngành, đơn vị trong tỉnh. Phát động phong trào học tập, thi đua với các điển hình tiên tiến trong quá trình triển khai thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. (c) kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại; phát triển ba vùng kinh tế động lực, các ngành kinh tế mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu; công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác quản lý bảo vệ tài nguyên, khoáng sản; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông...(d) tăng cường tuyên truyền thông tin đối ngoại; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; đấu tranh, phản bác thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội và các thế lực thù địch đối với sự nghiệp đổi mới của nước ta. 
B. THÔNG TIN THỜI SỰ
I. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ
Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã thống nhất điều chỉnh việc xây dựng, phát triển các ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực từ nay đến năm 2020, định hướng đến 2025 phù hợp hơn với tình hình mới [1]. Cụ thể:
Đối với ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn
Ngành, nhóm ngành tiếp tục triển khai là ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện; điều chỉnh các ngành, nhóm ngành kinh tế chủ lực được điều chỉnh về phạm vi ngành theo Nghị định số 97/2016/NĐ-CP, ngày 01-7-2016 của Chính phủ “quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia”; Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg, ngày 19-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã” và xu hướng phát triển thực tế nhằm bảo đảm tính bao quát, tính đồng bộ giữa các hệ thống chỉ tiêu báo cáo.    
Theo đó, ngành, nhóm ngành điều chỉnh gồm: Ngành trồng cây lâu năm và ngành trồng rừng và chăm sóc rừng” điều chỉnh thành “Nhóm ngành nông-lâm nghiệp" bao gồm các ngành: ngành trồng cây hằng năm; ngành trồng cây lâu năm; ngành chăn nuôi; ngành trồng rừng, chăm sóc rừng và ngành khai thác gỗ. "Nhóm ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản" điều chỉnh thành "Nhóm ngành công nghiệp chế biến" bao gồm các ngành: Công nghiệp chế biến thực phẩm (chế biến, bảo quản rau quả; chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; Xay xát và sản xuất bột; Sản xuất đường, bánh kẹo và các sản phẩm thực phẩm khác); Sản xuất sản phẩm từ cao su và chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ. Ngoài ra, bổ sung nhóm ngành du lịch và loại bỏ ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng sản.
Đối với sản phẩm chủ lực
Sản phẩm tiếp tục triển khai là sắn và sản phẩm chế biến từ sắn; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; điện và du lịch sinh thái Măng Đen. Sản phẩm điều chỉnh là sản phẩm “Sâm Ngọc Linh” thành “Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu”; điều chỉnh sản phẩm “Cà phê” thành “Cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê”. Bổ sung sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ; loại bỏ sản phẩm gạch, ngói; bột giấy và giấy.
Như vậy, sau khi bổ sung, điều chỉnh đến năm 2020 và định hướng năm 2025 có 04 ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn được tập trung phát triển của tỉnh, bao gồm: Nhóm ngành nông-lâm nghiệp; Nhóm ngành công nghiệp chế biến; Ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện; Ngành du lịch và 09 sản phẩm chủ lực của tỉnh, bao gồm: Sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn; Sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; Sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; Cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; Cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; Gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ; Điện; Du lịch sinh thái Măng Đen.
Nhiệm vụ, giải pháp
Để phát triển 04 ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn và 09 sản phẩm chủ lực theo đúng kế hoạch và mang lại hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh Kon Tum xác định tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý và triển khai quy hoạch. Định kỳ tổ chức rà soát, đánh giá để bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất phù hợp với chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”, thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; tăng cường thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, tiểu thủ công nghiệp phát triển; khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết thực hiện bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra cho nông sản để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giá trị cao.
Cùng với đó là tập trung quy hoạch và sản xuất một số sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đã có chủ trương như: rau, hoa, cao su, cà phê, mía đường, sắn (mì), cây dược liệu (Sâm Ngọc Linh, Đương quy, Hồng đẳng sâm…), chăn nuôi gia súc (dê, bò) và trồng cỏ phát triển chăn nuôi... Chú trọng công tác khảo nghiệm, thực nghiệm để chọn giống có năng suất, chất lượng cao gắn với quy trình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án nhanh và đồng bộ. Rà soát, khảo sát, lập danh mục các dự án đầu tư đảm bảo có đầy đủ thông tin để kêu gọi, thu hút đầu tư. Chú trọng xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực.
Khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (giai đoạn 1). Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đưa vào hoạt động đối với các dự án thủy điện đã có chủ trương của cấp có thẩm quyền; đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đến tìm hiểu, khảo sát, đầu tư các dự án điện mặt trời trên địa bàn.
Tiếp tục rà soát, đầu tư xây dựng các công trình, dự án phục vụ phát triển du lịch trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tổ chức, triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực cho giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
II. TIN TRONG TỈNH
1. Kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam (18/7/1977 – 18/7/2017) và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (05/9/1962 – 05/9/2017), từ ngày 14 đến 18-8, đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum do đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi thăm và làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban Chính quyền 4 tỉnh Nam Lào (Champasak, Salavan, Sekong và Attapư).
Trong không khí thắm tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến lãnh đạo 4 tỉnh Nam Lào và chúc các tỉnh ngày càng phát triển, giàu mạnh. Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ, Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum sang thăm và làm việc với 4 tỉnh Nam Lào là hoạt động ý nghĩa thiết thực chào mừng Năm Hữu nghị đặc biệt Việt Nam  – Lào, Lào – Việt Nam; góp phần vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước nói chung, giữa Kon Tum và 4 tỉnh Nam Lào nói riêng mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Lãnh đạo 4 tỉnh Nam Lào đã cảm ơn tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum; đánh giá cao sự  hỗ trợ của tỉnh Kon Tum dành cho 4 tỉnh Nam Lào trong thời gian qua. Các tỉnh mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với tỉnh Kon Tum trong thời gian tới, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.
Nhân dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng đã trao hỗ trợ chương trình an sinh xã hội cho 4 tỉnh Nam Lào, tổng trị giá 8 tỷ đồng Việt Nam.
Trong chuyến công tác, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng đã tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác toàn diện và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam do tỉnh Salavan và tỉnh Attapư tổ chức; thăm Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse; dâng hương tại Đài tưởng niệm liên minh chiến đấu Việt – Lào và Đài liệt sĩ tỉnh Attapư, Đài tưởng niệm Chủ tịch Kay sỏn Phôm vi hẳn; tham dự chương trình nghệ thuật chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017 do Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kon Tum và tỉnh Sekong, Attapư phối hợp tổ chức.
2. Kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2017) và chào mừng năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017, trong hai ngày 23 và 24-8, Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum do đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đi thăm, làm việc với tỉnh Stung Treng và Rattanakiri, Vương quốc Campuchia.
Tại hai địa phương (Stung Treng và Rattanakiri) đến thăm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến lãnh đạo 2 tỉnh; nhấn mạnh, Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum sang thăm và làm việc với 2 tỉnh là hoạt động ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2017) và chào mừng năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017, góp phần vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam - Campuchia nói chung, giữa Kon Tum với hai tỉnh nói riêng.
Lãnh đạo hai tỉnh Stung Treng và Rattanakiri cảm ơn Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum đã đến thăm và làm việc; cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ trên nhiều lĩnh vực của Tỉnh ủy, UBND và Ủy ban MTTQVN tỉnh Kon Tum dành cho Đảng Nhân dân Campuchia, Ủy ban Chính quyền và nhân dân tỉnh Stung Treng và Rattanakiri thời gian qua. Mong muốn thời gian tới, mối quan hệ giữa tỉnh Kon Tum với tỉnh Stung Treng và Rattanakiri sẽ luôn gần gũi, thân thiết, thắt chặt tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị và phát triển.
Nhân dịp này, tỉnh Kon Tum tặng tỉnh Stung Treng 01 tỷ đồng Việt Nam và tặng tỉnh Rattanakiri 03 tỷ đồng Việt Nam để đầu tư xây dựng công trình an sinh xã hội.
Tại tỉnh Rattanakiri, Đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh Kon Tum đã tham dự giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia do Đoàn nghệ thuật hai tỉnh Kon Tum và Rattanakiri phối hợp tổ chức; thăm, trao tặng kinh phí 01 tỷ đồng Việt Nam để Hội Người Campuchia gốc Việt tại tỉnh Rattanakiri xây dựng 2 phòng học.
3. Ngành GD&ĐT tỉnh vừa tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018.
Năm học 2016-2017, toàn tỉnh kết quả học tập ở bậc tiểu học, THCS và THPT đều có trên 93% số học sinh đạt từ trung bình trở lên; tỷ lệ học sinh đủ điểm đỗ đại học, cao đẳng trên 80%, trong đó có 159 em đỗ đại học với điểm số cao.
Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh trong tỉnh đỗ tốt nghiệp đạt 95,72%, tăng 1,65% so với năm học 2015-2016; trong đó, tỷ lệ học sinh DTTS đỗ tốt nghiệp đạt 91,42%, tăng 1,55% so với năm học 2015-2016.
Năm học 2017-2018, toàn tỉnh thu hút trên 152.000 học sinh đến lớp, tăng gần 3.000 học sinh so với năm học trước. Ngành GD&ĐT đã đầu tư trên 43 tỉ đồng để sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị  phục vụ giảng dạy, học tập…
Trong năm học mới này (2017-2018), ngành GD&ĐT đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện đó là: tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định...
III. TIN TRONG NƯỚC
1. Một số kết quả chủ yếu công tác phòng, chống tham nhũng 06 tháng đầu năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới 
Trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được một số kết quả chủ yếu sau:
Thứ nhất, chỉ đạo xây dựng và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị nhiều quy định quan trọng của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, như Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các Nghị định của Chính phủ (76 Nghị định); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (24 Quyết định) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, góp phần phòng ngừa tham nhũng...
Thứ hai, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện và xử lý tham nhũng, nhất là ở các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, lãng phí đã được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng:
Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với gần 1.000 tổ chức đảng và trên 3.500 đảng viên; tập trung vào các tổ chức đảng, đảng viên trong các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước gây thất thoát, thua lỗ lớn và những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí mà dư luận xã hội quan tâm.
Ngành Thanh tra đã triển khai 3.847 cuộc thanh tra hành chính và 136.096 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành....Qua thanh tra phát hiện vi phạm 29.510 tỷ đồng, 4.978 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 724 tập thể, 22 cá nhân; phát hiện 47 vụ, 66 đối tượng có hành vi tham nhũng, liên quan đến tham nhũng...
Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 130/250 cuộc kiểm toán, đã kết thúc kiểm toán 93 cuộc.
Thứ ba, đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương được triển khai đồng bộ; công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, đậm nét hơn: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thành lập 08 Đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 20 địa phương; trong 6 tháng đầu năm 2017, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đã có hơn 1.976 tin, bài phản ánh về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ việc, vụ án vẫn còn chậm so với kế hoạch; công tác phát hiện, điều tra, giám định tuy có tiến bộ, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu; thu hồi tài sản tham nhũng đã được chú ý nhưng tỷ lệ còn thấp; so với cấp Trung ương, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt; trong một số trường hợp xử lý kỷ luật hành chính còn chậm, chưa kịp thời, chưa đồng bộ, chưa tương xứng với xử lý kỷ luật của Đảng; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số trường hợp vẫn chưa tốt.
Nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, nhất là các quy định mới được ban hành; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật về giám định tư pháp.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, nhất là ở các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, lãng phí; tập trung đẩy nhanh tiến độ xác minh vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
Thứ ba, hoàn thành kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại 20 địa phương. Kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại một số bộ, ngành, địa phương.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để đưa tin đúng, chính xác, kịp thời; phản bác, xử lý nghiêm việc đưa tin sai trái, xuyên tạc, không đúng sự thật, thiếu tính xây dựng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
2. Nhận diện và đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng các trang mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước ta
- Nhận diện một số thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng trang mạng xã hội Facebook và Youtube để chống phá ta.
(1) Trên kênh Youtube do Google quản lý, các thế lực thù địch đang cấu kết, móc nối với một số phần tử cơ hội ở trong nước sản xuất nhiều kênh, video clip phản động, chống phá trực diện. Chủ đề chính mà các đối tượng này đăng lên mạng xã hội là vấn đề được cho là “chia bè, kết cánh” trong nội bộ của ta; chúng đưa thông tin dày đặc, tràn lan, với thủ đoạn quen thuộc là cắt ghép hình ảnh từ các báo chí chính thống và lồng ghép nội dung xuyên tạc, bịa đặt để đánh lừa, kích động người xem, người đọc.
 (2) Lợi dụng tính năng nhận tiền từ quảng cáo trong chính sách kinh doanh của Youtube để kiếm tiền. Những nội dung thông tin xuyên tạc, xấu độc dễ gây tò mò thường thu hút lượng người xem lớn, các đối tượng xấu này vừa thực hiện được ý đồ của mình, nhưng lại “sống khỏe” từ tiền quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước khi phát quảng cáo trên Youtube. Hàng loạt các nhãn hiệu lớn, như: Unilever, Vinamilk, Vietnam Airlines, Viettel… khi đăng quảng cáo trên Youtube đều bị Youtube dán kèm các video clip phản động. Chính sách kinh doanh này của Youtube đã khuyến khích một bộ phận không phải là đối tượng chống phá nhưng lại tham gia vào mặt trận tuyên truyền những thông tin bịa đặt, xuyên tạc để kiếm tiền trên Youtube.
(3) Trên trang Facebook: Các đối tượng xấu lập ra một loạt tài khoản giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đúng tên, đúng ảnh, nội dung đúng đến hơn 90%, chủ yếu lấy từ các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được các báo chí chính thống đưa tin để đan cài các thông tin với dụng ý xấu, đánh lừa, kích động người xem, người đọc, gây phân tâm lớn trong xã hội.
(4) Các thế lực thù địch lập ra nhiều trang, tài khoản, fanpage… để đăng tải những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình chính trị ở Việt Nam, nhưng núp dưới những tên gọi nghiêm túc, chính thống. Đây là một trong những thủ đoạn mới rất nguy hiểm, thâm độc của các thế lực thù địch. Những trang này khiến người đọc lầm tưởng là trang của những người yêu nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước; như vậy, mức độ tuyên truyền, thâm nhập vào suy nghĩ của người đọc rất nhanh, vì người đọc không đề phòng bởi tên gọi rất chính thống.
(5) Lợi dụng tính năng chạy quảng cáo của Facebook để đăng những tin bài tập trung vào một sự kiện nhất định, những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, như: Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội nghị Trung ương… trên trang cá nhân của người dùng Facebook lập tức hiện lên những bài viết chống phá Đảng, Nhà nước, và người sử dụng Facebook dễ dàng tiếp cận những thông tin, bài viết này.
(6) Tạo ra làn sóng bình luận tiêu cực dưới các bài viết chống phá Đảng, Nhà nước cũng như những bài viết tích cực trên các báo chí chính thống khi được chia sẻ trên Facebook.
(7) Ngoài hai nền tảng Facebook và Youtube, các đối tượng còn sử dụng nhiều trang Blog để nói xấu, chống phá Đảng, Nhà nước. Blog tự nó không có sức lan tỏa nhiều, tuy nhiên, khi nó kết hợp với mạng xã hội, tức là viết bài trên Blog rồi chia sẻ lên mạng xã hội thì sức lan tỏa của nó rất lớn. Chính vì vậy, hiện nay, rất nhiều người thường xuyên vào đọc một số Blog như: “Ba Sàm”, “Dân làm báo”, trang mới nhất là “Tin tức hàng ngày Online.com” rồi chia sẻ trên Facebook. Thậm chí, chúng sử dụng một số Website, đặc biệt là Website có đuôi (.org) để mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mạo danh các cơ quan, tổ chức nhà nước để đăng thông tin xấu độc.
 - Một số giải pháp trong thời gian tới:
Một là, các ban, bộ, ngành, địa phương cần chủ động làm tốt công tác cung cấp thông tin cho báo chí chính thống, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để họ làm tốt công tác cung cấp thông tin cho người dân qua các kênh tuyên truyền của Đảng và trên mạng xã hội.
Hai là, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nắm quyền chủ động trong những trường hợp cần thiết, ngăn chặn những thông tin xấu độc liên quan đến an ninh quốc gia.
Ba là, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân khi sử dụng mạng xã hội, để mỗi người dân trở thành người có trách nhiệm khi tham gia sử dụng mạng xã hội: Trách nhiệm chia sẻ thông tin cá nhân lên trang mạng cá nhân mình; trách nhiệm chia sẻ lại thông tin của người khác; trách nhiệm phản bác lại thông tin xuyên tạc, bịa đặt gây hại cho cộng đồng trên môi trường mạng.
Bốn là, các cơ quan chức năng cần chủ động tổ chức viết bài đấu tranh trên mạng xã hội, làm chủ được luồng dư luận chính thống trên mạng.
Năm là, tiếp tục đàm phán với 2 trang mạng Facebook và Youtube (lớn nhất thế giới hiện nay và cũng là lớn nhất tại Việt Nam với 35 triệu lượt người tham gia) để thiết lập được các cơ chế riêng với Google trong việc ngăn chặn và hạn chế phát tán các thông tin xấu độc và phản động nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.
3. Về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017
Về Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2017
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã thành công, thể hiện ở một số nét chính sau:
- Việc tổ chức một loại cụm thi ở mỗi tỉnh, thành phố do sở giáo dục đào tạo địa phương chủ trì, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) phối hợp là một đổi mới căn bản theo hướng tích cực. Kết hợp tổ chức thi theo cách thức mới (thi theo bài tổ hợp và hình thức thi trắc nghiệm với hầu hết các bài thi. Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi trắc nghiệm riêng) đã đáp ứng yêu cầu thi gọn nhẹ, khách quan, công bằng.
- Các Điểm thi trường, liên trường đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn, nơi ở, tạo được tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài thi; thời gian thi rút ngắn còn 2,5 ngày tránh gây mệt mỏi cho thí sinh và công tác tổ chức thi nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, Kỳ thi hầu như không gây áp lực nào lên cơ sở hạ tầng nơi tổ chức các điểm thi, tránh được tình trạng giao thông ùn tắc, thí sinh và người nhà đi lại vất vả như những năm trước.
- Việc thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội cao hơn bài thi Khoa học Tự nhiên là tín hiệu cho thấy việc đổi mới phương thức thi từ thi theo môn sang thi theo bài tổ hợp, từ chủ yếu tự luận sang hầu hết trắc nghiệm đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình; làm cho các môn khoa học xã hội trở nên gần gũi hơn đối với học sinh.
- Việc đổi mới phương thức thi và nội dung câu hỏi thi trắc nghiệm đã giúp thí sinh tăng cường tự học, tự hệ thống kiến thức, phát huy năng lực sở trường. Cũng nhờ đó, việc dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan từng gây bức xúc trong dư luận xã hội bước đầu đã giảm nhiều.
- Công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi diễn ra nghiêm túc, an toàn và kết quả tốt nghiệp cao của học sinh cũng là một nhân tố đóng góp cho sự thành công của Kỳ thi (Toàn quốc có 865.866 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.364 Điểm thi với 36.809 phòng thi; Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt: 97,42%; trong đó Giáo dục THPT đạt 98,30%, giáo dục thường xuyên đạt 86,37%).
Bên cạnh đó, công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như còn nhiều sai sót trong đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển do khâu hướng dẫn thí sinh tại các điểm đăng ký chưa kỹ, nhất là các điểm đăng ký dành cho thí sinh tự do; vẫn còn hiện tượng thí sinh mang tài liệu, vật dụng trái quy định, đặc biệt là điện thoại di động vào phòng thi (có 72 thí sinh bị đình chỉ thi, giảm nhiều so với năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi); có 02 cán bộ coi thi bị nhắc nhở; một số giám thị thiếu chữ ký trong bài thi của thí sinh.
Công tác tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng
- Có sự phối hợp tốt giữa Ban Chỉ đạo tuyển sinh quốc gia và các trường, nhóm trường ĐH, CĐ trong suốt quá trình thực hiện xét tuyển, đảm bảo quy trình kỹ thuật ổn định, chính xác. Do đó, công tác xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 được thực hiện nhanh gọn, hiệu quả, đảm bảo tiêu chí chất lượng; điểm trúng tuyển nhìn chung phản ánh chất lượng đầu vào và sự phân loại chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường khác nhau.
  - Đảm bảo quyền tự chủ của các trường (xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, tham gia nhóm hay tuyển sinh độc lập, xác định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển…). Thông tin tuyển sinh của các trường được công khai minh bạch và đầy đủ trong đề án tuyển sinh. Việc thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng; được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia đã tăng khả năng trúng tuyển vào các ngành nghề phù hợp với khả năng và điều kiện của thí sinh.
- Đã áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của quy trình xét tuyển, bảo đảm tính khoa học, khách quan, chính xác, công khai, minh bạch. Đặc biệt, việc lần đầu tiên áp dụng công nghệ lọc các nguyện vọng trong xét tuyển đã giúp giảm thiểu số thí sinh ảo.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: trong dư luận xã hội còn băn khoăn về điểm ưu tiên trong tuyển sinh, cho rằng mức điểm ưu tiên cao so với cách chấm điểm và làm tròn điểm bài thi như hiện nay. Một số ý kiến băn khoăn về điểm chuẩn chênh lệch nhiều giữa các ngành khác nhau, lo lắng về chất lượng đào tạo những ngành có điểm đầu vào thấp, nhất là ở một số trường sư phạm. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đề thi có độ phân hóa cao hơn sẽ thuận lợi nhiều cho công tác tuyển sinh.
Phương hướng thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thời gian tới
Một là, trên cơ sở rà soát công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, xác định rõ ưu điểm và hạn chế, bất cập, làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy về thi và tuyển sinh trong các năm 2018, 2019… theo hướng giữ ổn định như Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2017.
Hai là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ về công tác thi, kiểm tra, đánh giá; quy định rõ chức năng nhiệm vụ quản lý tổ chức thi của Bộ và các cơ sở giáo dục để dần đưa việc tổ chức thi vào nền nếp, đảm bảo thi, kiểm tra đánh giá là động lực thúc đẩy quá trình dạy học, đồng thời khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
Ba là, nghiên cứu cấu trúc và điều chỉnh ma trận đề thi để đảm bảo đề thi phù hợp hơn với yêu cầu kỳ thi 2 mục đích; tăng cường chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi thi.
Bốn là, củng cố, nâng cấp, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại và đảm bảo an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu tổ chức thi và tuyển sinh.
Năm là, phân tích dữ liệu tuyển sinh các năm gần đây làm cơ sở để xem xét đề xuất điều chỉnh chế độ ưu tiên hợp lý trong tuyển sinh; xem xét mức độ sử dụng điểm trung bình cả năm lớp 12 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT; đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng đầu vào của khối ngành sư phạm.
4. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh (ký hiệu là D1, D2, D3, D4). Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Tại Việt Nam, tính từ đầu năm đến nay (09/8/2017), cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (51.742/17) số người mắc tăng 33,5%, số người tử vong tăng 05 trường hợp. Riêng tại Hà Nội, dịch bệnh lan nhanh, xảy ra trên diện rộng (30/30 quận, huyện; 532/584 xã, phường, thị trấn có người mắc bệnh). Đáng chú ý, các năm trước tại Hà Nội chỉ ghi nhận hai tuýp gây bệnh là D1 và D2, hiện nay đã phát hiện thêm tuýp D4 vì vậy sẽ làm tăng nguy cơ số người mắc bệnh trong thời gian tới.
Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng, kéo dài, đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để tuyên truyền nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình bệnh và các biện pháp để người dân tích cực, chủ động phòng, chống bệnh.
Hai là, Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các địa phương về công tác giám sát, phát hiện, xử lý các ổ dịch, biện pháp dự phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chuẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời.
Ba là, đối với người dân, thực hiện các biện pháp sau: (1) Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; (2) Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; (3) Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; (4) Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; (5) Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
C. VĂN BẢN MỚI
I. VĂN BẢN CỦA TỈNH
1. Ngày 31/7/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2017/UBND-VX triển khai thực hiện giá dịch vụ giáo dục, đào tạo (học phí) thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Kon Tum năm học 2017-2018. Theo đó:
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập: (1) Cấp học mầm non và trung học phổ thông: vùng 1, 52.000 đồng/học sinh/tháng; vùng 2, 30.000 đồng/học sinh/tháng; vùng 3, 25.000 đồng/học sinh/tháng; (2) Trung học cơ sở: vùng 1, 40.000 đồng/học sinh/tháng; vùng 2, 23.000 đồng/học sinh/tháng; vùng 3, 19.000 đồng/học sinh/tháng. Trong đó: Vùng 1 gồm các phường: Quyết Thắng, Thắng Lợi, Thống Nhất, Quang Trung, Duy Tân, Trường Chinh của thành phố Kon Tum; Vùng 2 gồm 4 phường của thành phố Kon Tum (Ngô Mây, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi) và 6 thị trấn thuộc 6 huyện: Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy, Kon Rẫy (trừ các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành); Vùng 3 gồm các xã còn lại và các thôn đặc biệt khó khăn của vùng 2.
Đối với giáo dục thường xuyên: Các cơ sở giáo dục thường xuyên được áp dụng mức giá dịch vụ (học phí) tương đương với mức học phí của các trường phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn (theo qui định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ).
Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý (đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư): (1) Nhóm ngành, nghề Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản: Trung cấp là 265.000 đồng/tháng/sinh viên, Cao đẳng là 302.000 đồng/tháng/sinh viên; (2) Nhóm ngành, nghề Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch: Trung cấp là 302.000 đồng/tháng/sinh viên, Cao đẳng là 346.000 đồng/tháng/sinh viên; (3) Trung cấp Y dược là 360.000 đồng/tháng/sinh viên.
Đối với đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên: Mức giá dịch vụ (học phí) đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo phương thức giáo dục thường xuyên áp dụng mức không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng cùng trình độ đào tạo, nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đào tạo theo chương trình đào tạo đại trà tại cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Học phí đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác được áp dụng mức thu theo sự thỏa thuận chi phí giữa cơ sở giáo dục và người học (theo qui định tại khoản 8 Điều 5 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ).
Đối với mức giá dịch vụ (học phí) đào tạo tính theo tín chỉ, mô-đun: Được xác định theo qui định tại khoản 9 Điều 5 Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Mức giá dịch vụ (học phí) học lại, mỗi tín chỉ, mô-đun học lại bằng 50% học phí đào tạo tính theo tín chỉ, mô-đun. Riêng đào tạo nghề bằng 80% giá dịch vụ (học phí) đào tạo tính theo tín chỉ, mô-đun.
2. Ngày 17/8/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2248/UBND-NNTN chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2017- 2020 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh phụ trách xã điểm giai đoạn 2017-2020 và phân công nhiệm vụ phụ trách tiêu chí NTM tiếp tục theo dõi, đôn đốc hướng dẫn, giúp các xã thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là các tiêu chí chưa đạt chuẩn NTM; phối hợp với Văn phòng điều phối NTM tỉnh kịp thời đề xuất tham mưu, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo lộ trình, kế hoạch đề ra; rà soát, đánh giá thực trạng của từng tiêu chí, có giải pháp giữ vững các tiêu chí đã đạt được và xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện các tiêu chí chưa đạt; đánh giá khả năng đạt chuẩn NTM các xã trên địa bàn, qua đó đề xuất điều chỉnh danh sách xã hoặc bổ sung thêm xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020; Ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ các xã sớm thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra; tăng cường cán bộ có chuyên môn trực tiếp giúp xã trong quá trình thực hiện. Xây dựng và triển khai “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng NTM; đẩy mạnh phát triển những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh gắn với chế biến theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, tạo thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh theo dõi, giúp Ban Chỉ đạo tỉnh trong việc đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện Chương trình…
3. Ngày 22/8/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 811/QĐ-UBND phân bổ 419.370 kg gạo cho các trường học trên địa bàn để cấp hỗ trợ cho học sinh 02 tháng đầu năm học 2017-2018 theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP.
Toàn tỉnh hiện có 13.979 học sinh được hưởng chính sách theo quy định Nghị định 116/2016/NĐ-CP, cụ thể: học sinh bán trú của các trường phổ thông dân tộc bán trú 6.122 em; học sinh bán trú của các trường tiểu học, THCS 5.854 em; học sinh THPT người DTTS và người kinh con hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn 2.003 em.
UBND tỉnh yêu cầu việc tiếp nhận, cấp phát, sử dụng gạo được hỗ trợ đảm bảo đầy đủ, kịp thời, công khai và đúng đối tượng; hoàn thành việc tiếp nhận, cấp phát trước ngày 06/9/2017.
II. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG
Thông tư số 33/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, ngày 01/8/2017 quy định về tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi. Thông tư gồm 06 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2017. Một số quy định chủ yếu của Thông tư:
- Đối tượng áp dụng: a) Trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi; cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em; b) Cơ sở tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản (sau đây gọi chung là cơ sở tư vấn, hỗ trợ) bao gồm: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về nhi khoa, sản phụ khoa; trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; trung tâm phòng, chống HIV/AIDS; trung tâm y tế quận/huyện; cơ sở tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV; cơ sở tiêm chủng; trạm y tế xã, phường, thị trấn; y tế trường học và các cơ sở khác có cung cấp dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo quy định của pháp luật; c) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
- Tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ em để tư vấn cho trẻ em, cha mẹ hoặc người giám hộ theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế và các nội dung sau đây:
(1) Đối với trẻ em từ 0 - 6 tuổi: tư vấn về cách chăm sóc và vệ sinh cơ quan sinh dục trẻ em; phòng chống bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em; giáo dục giới tính cho trẻ em; các bất thường ở cơ quan sinh dục.
(2) Đối với trẻ em từ 7 - 13 tuổi: tư vấn các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và tư vấn thêm về sự thay đổi thể chất, tâm sinh lý theo độ tuổi; giới tính; khuynh hướng tình dục. Lưu ý những nội dung sau đây: a) Đối với trẻ em gái: tư vấn về kinh nguyệt bình thường và kinh nguyệt bất thường, vệ sinh khi có kinh nguyệt, sự rụng trứng và mang thai, hiện tượng thủ dâm; b) Đối với trẻ em trai: tư vấn về xuất tinh, xuất tinh lần đầu; hẹp bao quy đầu, vệ sinh dương vật, hiện tượng thủ dâm.
(3) Đối với trẻ từ 14 - 16 tuổi: tư vấn trẻ em các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây: phòng tránh các bệnh phụ khoa, nam khoa; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn; các biện pháp tránh thai phù hợp; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tình dục an toàn; các kỹ năng sống, như kỹ năng thương thuyết, kỹ năng từ chối, kỹ năng xác định giá trị bản thân.
(4) Đối với trẻ em đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế: a) Cung cấp thông tin và tư vấn về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ em, hướng xử trí, điều trị và dự phòng; b) Tư vấn trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản theo nhưng nội dung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; c) Tư vấn về những bất thường ở cơ quan sinh dục.
_________
[1] Nghị quyết 03/NQ-TU ngày 27-7-2011 của Tỉnh ủy “về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực” xác định giai đoạn 2011-2015 xây dựng, phát triển 5 ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn (trồng cây lâu năm; trồng rừng và chăm sóc rừng; công nghiệp chế biến nông lâm sản; sản xuất sản phẩm từ khoáng sản; sản xuất, truyền tải và phân phối điện) và 9 sản phẩm chủ lực (cà phê, cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su, sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn, sâm Ngọc Linh, rau hoa xứ lạnh, thủy sản nước ngọt, bột giấy và giấy, gạch ngói, điện); đến năm 2020 xây dựng, phát triển thêm ngành hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh du lịch lữ hành (du lịch sinh thái) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm Du lịch sinh thái Măng Đen trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá tình hình xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực trong những năm qua, căn cứ vào tình hình thực tế, xét thấy cần phải xác định lại ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực cho phù hợp với tình hình mới; Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã thống nhất điều chỉnh việc xây dựng, phát triển các ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực từ nay đến năm 2020, định hướng đến 2025 phù hợp hơn với tình hình mới.
Nguyễn Phi Em thực hiện
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây