Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo ở tỉnh ta

Đội ngũ Cộng tác viên giảm nghèo (viết tắt là CTV) được hình thành và đi vào hoạt động, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong những năm vừa qua.
Hội thảo tham vấn nhiệm vụ Cộng tác viên giảm nghèo cấp xã được tổ chức tại thành phố Kon Tum ngày 27/3/2018
Thực hiện Quyết định số 29/QĐ-UBND, ngày 16/01/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020. Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện, đội ngũ CTV giảm nghèo được hình thành và đi vào hoạt động, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong những năm vừa qua.
Đối với các huyện, thành phố đã tuyển chọn đội ngũ CTV cấp xã bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn có 01 CTV do phòng Lao động-TB&XH cấp huyện quản lý, theo dõi; thực hiện theo cơ chế, chức năng, nhiệm vụ, chế độ làm việc và chi trả phụ cấp quy định tại Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 16/01/2017 của UBND tỉnh Kon Tum.
Đội ngũ CTV trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của tất cả các tổ chức hội đoàn thể trong hệ thống chính trị tại cơ sở, trong đó có 15 CTV thuộc Hội Nông dân, 27 CTV thuộc Đoàn thành niên, 24 CTV thuộc Hội phụ nữ, 05 CTV thuộc Hội Cựu chiến binh, 04 CTV thuộc Hội Chữ thập đỏ; 12 CTV thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Còn 15 CTV là các thành phần không thuộc các tổ chức hội đoàn thể tại xã. Ngoài ra, đội ngũ CTV có sự tham gia của cán bộ nữ, cán bộ thuộc dân tộc thiểu số và đã qua đào tạo chuyên môn như: có 57 CTV là nữ, chiếm 55,9%; 54 CTV thuộc dân tộc thiểu số, chiếm 52,9%; có 57% CTV có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (gồm: 35% CTV có trình độ đại học, cao đẳng, 22% CTV có trình độ trung cấp). Đội ngũ CTV cơ bản đã tích cực có các hoạt động thiết thực, có trách nhiệm, hỗ trợ cán bộ làm công tác Lao động-TB&XH cấp xã trong công tác giảm nghèo, giúp UBND cấp xã và phòng Lao động-TB&XH cấp huyện trong công tác tổ chức triển khai, giám sát và đánh giá công tác giảm nghèo tại cơ sở đảm bảo tiến độ, hiệu quả được nâng cao.
Tuy nhiên, qua 01 năm thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Phòng Lao động- TB&XH cấp huyện còn lúng túng, chưa xác định đúng nhiệm vụ CTV để thực hiện phân công nhiệm vụ hàng tháng; còn chồng chéo nhiệm vụ khi thực hiện giữa nhiệm vụ CTV và cán bộ Lao động-TB&XH cấp xã; thiếu báo cáo đánh giá công tác quản lý, theo dõi các hoạt động của CTV theo nhiệm vụ được giao định kỳ.  Một số huyện, thành phố còn tình trạng hợp đồng CTV không đúng quy định, không thuộc tổ chức hội đoàn thể, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cơ sở trong tổ chức triển khai chương trình, kế hoạch giảm nghèo của địa phương. Một số UBND cấp xã chưa phối hợp, tạo điều kiện cho CTV tham gia vào các hoạt động triển khai các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tại địa phương. CTV và cán bộ Lao động-TB&XH cấp xã thiếu sự phối hợp trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ... ; có nơi còn tình trạng đùn đẩy công việc, gây trùng lắp hoặc bỏ sót khi thực hiện nhiệm vụ, đôi lúc cản trở lẫn nhau trong thực hiện các hoạt động giảm nghèo trong điều kiện lực lượng cán bộ làm công tác giảm nghèo tại xã, phường, thị trấn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, tăng cường cho cơ sở nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên từng địa bàn thôn, xã, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.  CTV chưa tiếp cận sâu sát đời sống của cộng đồng, kịp thời phát hiện các sai sót khi thực hiện chính sách giảm nghèo, còn tình trạng cán bộ trục lợi cá nhân từ hộ nghèo; chưa chủ động đề xuất nhiệm vụ để giải quyết các khó khăn tại cộng đồng, chưa lồng ghép nhiệm vụ hội, đoàn thể và nhiệm vụ CTV hợp lý, còn chồng chéo. Các Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện khi kiểm tra tình hình thực hiện Đề án giảm nghèo tại cơ sở chưa quan tâm kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của đội ngũ CTV nhằm phát huy ưu điểm, đề xuất giải pháp khắc phục các hạn chế, thiếu sót tại địa phương kịp thời.
Để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ CTV giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo trong thời gian đến, cần tập trung vào một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, các tổ chức hội, đoàn thể cấp tỉnh quan tâm, gắn nội dung tham gia đội ngũ CTV của thành viên thuộc tổ chức hội đoàn thể cấp xã do đơn vị phụ trách vào chỉ tiêu thi đua hàng năm của tổ chức hội đoàn thể để đánh giá kết quả hoạt động của tổ chức tại cơ sở.
Hai là, tổ chức tập huấn kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm công tác giảm nghèo cho đội ngũ CTV hàng năm.
Ba là, phòng Lao động-TB&XH các huyện, thành phố cần tăng cường công tác quản lý, theo dõi đội ngũ CTV theo hình thức hợp đồng công việc; có báo cáo đánh giá hoạt động theo quy định. Thực hiện hợp đồng với CTV theo hướng chú trọng tuyển chọn cán bộ được đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên, có trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của CTV tại cơ sở. Khẩn trương chấn chỉnh tình trạng hợp đồng CTV không đúng quy định, không thuộc tổ chức hội đoàn thể, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cơ sở trong tổ chức triển khai chương trình, kế hoạch giảm nghèo của địa phương.
Bốn là, UBND cấp xã quán triệt cán bộ Lao động-TB&XH phối hợp đồng bộ, tích cực trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ... với CTV trên địa bàn; khắc phục tình trạng đùn đẩy, trùng lắp hoặc bỏ sót khi thực hiện công tác giảm nghèo.
Năm là, các ngành, các cấp, các tổ chức hội đoàn thể tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của đội ngũ CTV. Đội ngũ CTV chủ động, sắp xếp công việc khoa học để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ CTV giảm nghèo.
Sáu là, thực hiện đầy đủ và cụ thể các nhiệm vụ cụ thể của CTV giảm nghèo tại cơ sở. Từng CTV giảm nghèo phải nắm vững và thực hiện tốt 6 nhiệm vụ đã được xác định trong Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020, đó là:
- Thu thập, tiếp nhận thông tin, yêu cầu trợ giúp của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn để báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND cấp xã, công chức văn hóa-xã hội cấp xã có hướng giải quyết.
- Theo dõi, đánh giá diễn biến tình hình hộ phát sinh nghèo, cận nghèo hoặc thoát nghèo trong năm, đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện hoặc các biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp.
- Tham gia phối hợp triển khai thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo; trực tiếp trợ giúp, hướng dẫn, tư vấn, tham vấn thành lập cộng đồng tự quản, nhóm hộ tự quản tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và cam kết sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước có hiệu quả…
- Tham gia kiểm tra, giám sát, rà soát và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn.
- Tham gia các cuộc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo do cấp trên tổ chức tại địa bàn (nếu có) và tập huấn nghiệp vụ công tác giảm nghèo.
- Tham gia các hoạt động truyền thông về giảm nghèo, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, nhất là các dự án hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất tại cộng đồng.  

Bài, ảnh: Nguyễn Trung Thuận - PGĐ Sở LĐ, TB&XH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây