Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Hướng tới Kỷ niệm 70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh (15/10/1949 - 2019): “Cẩm nang” công tác dân vận qua tác phẩm “Dân vận” của Bác và ý nghĩa đối với công tác dân vận trong bối cảnh hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”
Hình minh họa trên Internet
Là người tìm đường và dẫn đường cho dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[i]. Chính vì vậy, nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ mà trực tiếp là cán bộ, đảng viên đó chính là phải làm sao phát huy được tối đa sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng.
Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại trên cơ sở sức mạnh của lòng dân dưới uy tín và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, cùng cả nước bước vào thời kỳ mới của cuộc cách mạng. Chúng ta vừa phải xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lại vừa phải xây dựng bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, vững mạnh để đảm nhận hai nhiệm vụ chiến lược trên. Do đó, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Sau tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận, đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15-10-1949. Đây được coi như là bản “tuyên ngôn”, là “cương lĩnh”, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận của Đảng, để mọi cán bộ, đảng viên, địa phương cùng học tập và thực hiện.
Về lý do viết tác phẩm, ngay từ đầu, Người đã nêu: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại.”[ii] Lời nhận định này của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, khi thực tế có nhiều địa phương hiện nay chưa hiểu đúng và chưa thực hiện đúng, thực hiện tốt công tác dân vận. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm tác phẩm Dân vận ra đời, chúng ta cùng ôn lại những lời chỉ dẫn như là cẩm nang cho cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay.
Trước khi bàn về Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Hồ Chí Minh khẳng định bản chất dân chủ của nhà nước Việt Nam:
« Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.”[iii]
Đây được coi là điểm xuất phát, là tiền đề của công tác dân vận. Dân chủ là bản chất của chế độ ta. Dân chủ vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của nhân dân. Đảng cầm quyền phải coi “dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”. Cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc bản chất dân chủ của nhà nước ta, đó là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Do đó, công tác dân vận phải coi thực hiện dân chủ là nội dung chủ yếu nhất. Đồng thời, thực hành dân chủ thì phải giải quyết đồng bộ, nhất quán mối quan hệ giữa lợi ích, quyền hạn với nghĩa vụ của nhân dân như trách nhiệm kháng chiến, kiến quốc, trách nhiệm xây dựng chính quyền, xây dựng đoàn thể. Muốn làm được điều đó, phải làm tốt công tác dân vận.
Trả lời cho câu hỏi: Dân vận là gì? Người đưa ra khái niệm: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho"[iv]. Đó chính là tập hợp và huy động cho được sức mạnh của toàn dân tham gia vào các phong trào cách mạng.
Về quy trình của công tác dân vận, trước hết, cán bộ dân vận phải tuyên truyền cho dân biết về quyền làm chủ của nhân dân, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin thời sự, chính sách....
Rồi “phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được"[v];
Sau đó "phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành", đồng thời "Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân"[vi].
Cuối cùng, "Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng"[vii].
Theo Hồ Chí Minh, mục đích có đồng, chí mới đồng, chí có đồng, tâm mới đồng, tâm đã đồng lại phải biết cách làm thì làm mới chóng. Đó chính là khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà ngày nay chúng ta thường đề cập tới. Cán bộ, đảng viên phải học tập phong cách quần chúng để làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình.
Khi nói về lực lượng làm công tác dân vận Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận[viii]. Như vậy, lực lượng làm công tác dân vận không chỉ là những người chuyên trách công tác này, mà rất đông đảo, với nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia, là lực lượng của cả hệ thống chính trị - trước hết là của chính quyền. Điều ấy có nghĩa là, tất cả cán bộ chính quyền đều phải làm dân vận. Đây là đặc điểm nổi bật của công tác dân vận khi Đảng ta có chính quyền. Người nói đến cán bộ chính quyền trước, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, cán bộ chính quyền có chức năng ra quyết định về chính sách, về nhân lực và thực hiện các chính sách có liên quan. Chính quyền còn có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác dân vận. Cùng với cán bộ chính quyền, cán bộ đảng, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội đều phải tham gia công tác dân vận.
Về phương pháp dân vận, trả lời cho câu hỏi: Dân vận phải thế nào? Hồ Chí Minh đặt ra những yêu cầu rất cụ thể với cán bộ dân vận. Người đúc kết thành 12 chữ: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Để thực hiện tốt công tác dân vận, cán bộ phải có kiến thức, trăn trở với công việc, phải biết nhìn xa, trông rộng, phải sâu sát cơ sở để nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, nói đi đôi với làm, gương mẫu cả trong lời nói và hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ phụ trách dân vận “không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”[ix]. Do vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, cán bộ phụ trách dân vận cần khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, xa dân, không tôn trọng dân, không quan tâm giải quyết những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của dân. Đây cũng thể hiện sự nhất quán trong tư tưởng và hành động thường ngày của Người.
"Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" có sự thống nhất, hòa quyện chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau. Đây có thể coi cẩm nang về phương pháp cho tất cả cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận.
Cuối cùng, Người khẳng định rõ tầm quan trọng của công tác dân vận:“Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[x]. Hay nói cách khác, công tác dân vận có ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề chiến lược của Đảng, là phương thức vận động, tồn tại, phát triển của Đảng.
Trong suốt quá trình cách mạng nước ta hơn 89 năm qua, đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Trong những năm tháng kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, Đảng ta đã huy động được sức mạnh của toàn dân, đoàn kết triệu người như một, vận động tất cả mọi tầng lớp nhân dân thực hiện “toàn dân kháng chiến”, “toàn diện kháng chiến”, tất cả cho tiền tuyến với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã làm nên những chiến công hiển hách, đánh đuổi đế quốc thực dân, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục thực hiện tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh, Đảng ta phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là đường lối chiến lược cơ bản, lâu dài, đã thống nhất các lực lượng của toàn dân tộc đi theo con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác dân vận. Các cấp chính quyền đã chú trọng, tăng cường công tác quần chúng, có những chính sách thỏa đáng nhằm khuyến khích, vận động người dân tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy, tôn trọng. Chính quyền đã phối hợp ngày càng chặt chẽ, thường xuyên với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng làm công tác dân vận.
Việc nghiên cứu tác phẩm Dân vận của Hồ Chí Minh ngoài việc giúp chúng ta học được bài học sâu sắc về nội dung, phương pháp dân vận còn cho thấy tư tưởng trọng dân và tin dân của Hồ Chí Minh. Đây là tư tưởng nhất quán từ trong suy nghĩ đến hành động của Người. Ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới". Nghị quyết đã nêu rõ: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ... trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”. Quan điểm vừa có tính kế thừa, vừa có tính phát triển này đã xác định rất rõ trách nhiệm, vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng nhất của chính quyền đối với công tác dân vận.
Trong tác phẩm, Hồ Chí Minh đã phê phán nhiều nơi đã mắc sai lầm rất to, rất có hại, đó là “xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận”[xi]. Tựu trung lại, cốt lõi thành công trong công tác dân vận nằm ở người cán bộ làm công tác dân vận. Do vậy, việc lựa chọn, bố trí cán bộ phụ trách công tác dân vận là một nội dung quan trọng của công tác cán bộ. Bởi người cán bộ dân vận có từ nhân dân mà ra, có lăn lộn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, có trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, dân yêu... mới có “chiếc chìa khóa” đi vào lòng dân - nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận.
Đối với các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là vùng biên giới tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Nơi đây chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, từng là căn cứ kháng chiến cũ; cư dân phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên sống du canh, du cư, phát rừng làm rẫy; nhiều gia đình hằng năm thiếu ăn từ 4 đến 5 tháng. Những khó khăn trên cùng với sự hạn chế về trình độ dân trí và các tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu đã tạo ra những cản trở lớn cho sự phát triển của địa bàn. Điều đáng quan tâm là: các thế lực thù địch tập trung khoét sâu vào những khó khăn, hạn chế trên; đồng thời, lợi dụng bản tính chân thật của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa mị, xuyên tạc, nhằm lôi kéo đồng bào vào các hoạt động chống phá cách mạng, làm cho tình hình địa bàn nảy sinh các nhân tố gây mất ổn định về an ninh, chính trị, xã hội...
Thực tế trên đòi hỏi công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ; tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập; những yếu tố cản trở sự phát triển đang tồn tại và nảy sinh. Việc làm này cần được tiến hành trong một thời gian dài, với sự tham gia tích cực của mọi cấp, ngành, lực lượng trong hệ thống chính trị trên địa bàn. Phải chú trọng thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận sao cho phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của địa bàn và của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Tận tụy gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi, đồng cam, cộng khổ với đồng bào; nói đi đôi với làm; tôn trọng phong tục, tập quán dân tộc; phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, trên cơ sở không ngừng học tập, rèn luyện, phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh ấy, tác phẩm “Dân vận” càng có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, mãi soi đường cho công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ mới.

* Ths. Minh Phượng - Trường Chính trị tỉnh Kon Tum
* Ths. Nguyễn Khánh Phong - Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
 
[i] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.453
2,3,[iv] Đã dẫn, tập 6, tr.232
[vii] Đã dẫn, tập 6, tr.233
5,6,7,[viii] Đã dẫn, tập 6, tr.233
[ix] Đã dẫn, tập 6, tr. 234
[x] Đã dẫn, tập 6, tr. 234
[xi] Đã dẫn, tập 6, tr. 234
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây