Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và xã, phường thuộc thành phố Kon Tum cùng hơn 90 đại biểu thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong năm 2022 - 2023, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được những kết quả nhất định về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số và xây dựng nông thôn mới như: Ứng dụng nhiều Nền tảng công nghệ thông tin để tích hợp dữ liệu, liên kết cơ sở dữ liệu tác nghiệp của Sở với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Cục, Tổng cục, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương. Đầu tư thuê dịch vụ công nghệ thông tin để phát triển dữ liệu ngành nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và kết nối với kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phát triển. Ứng dụng nền tảng công nghệ số để quản lý chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa nhãn mác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực trên các sàn Thương mại điện tử. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt 48/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 07 xã nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 20 xã nông thôn mới nâng cao, 10% xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe các tham luận nội dung tập trung về: thực trạng và định hướng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum, làm rõ những thành công, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế và những bài học rút ra trong quá trình chuyển đổi số trong thời gian qua; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong quá trình chuyển đổi số, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục hiệu quả, thiết thực. Đồng thời chia sẻ về định hướng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp nói chung và cho khu vực Tây nguyên nói riêng và nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thông qua Hội thảo, Liên Hiệp Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tổng hợp, đúc kết, tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải pháp tổng thể, có lộ trình về chuyển đổi số nhằm giải quyết các khó khăn và thách thức nêu trên để góp phần đưa chuyển đổi số trong nông nghiệp của tỉnh phát phát triển theo mô hình “Chuyển dịch tăng trưởng dần từ chiều rộng sang chiều sâu và tạo giá trị gia tăng”, giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên và sức lao động.
Tin, ảnh: Trần Kim Sơn