Tổng tuyển cử năm 1946 – nền móng đầu tiên cho hoạt động của Quốc hội 

Tổng tuyển cử năm 1946 – nền móng đầu tiên cho hoạt động của Quốc hội

Thứ ba - 02/01/2024 09:48
Ngày 06-01-1946, đúng 78 năm trước đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khi hàng triệu người không phân biệt già, trẻ, gái, trai, tôn giáo, dân tộc từ 18 tuổi trở lên đã náo nức đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 về ấn định thời hạn và thể lệ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội (nguồn Internet).
Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 về ấn định thời hạn và thể lệ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội (nguồn Internet).
Qua 78 năm hình thành và phát triển với 15 khóa, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao với hoạt động của Nhà nước.
Để có sự lớn mạnh của Quốc hội Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến mốc son lập hiến – cuộc tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 06-01-1946). Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 06-01-1946 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, nhân dân được quyền làm chủ vận mệnh quốc gia, thể hiện ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.
Ngày 02-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Chính quyền lập ra sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là chính quyền dân chủ nhân dân. Mục đích của Nhà nước này là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Ngay sau ngày độc lập – ngày 03-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã  nêu lên sáu nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay, trong đó Người nhấn mạnh đến việc tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước. Người nói: “ Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến Pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...”[1]
Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là người công dân thì đều có quyền đi bầu cử...Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thực sự là Chính phủ của nhân dân”.[2]
Công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện đất nước phải đối mặt với những khó khăn, thử thách nghiêm trọng. Việt Nam đã trở thành một nước độc lập và tự do, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời song chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Trái lại, các thế lực đế quốc và tay sai ráo riết chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ ta, hòng lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Theo thỏa thuận của Đồng minh ở hội nghị Pôtxđam (7-1945), quân đội một số nước đế quốc đã kéo vào nước ta: gần 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch  ở phía Bắc vĩ tuyến 16 và hàng vạn quân Anh ở phía Nam vĩ tuyến 16 để làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Núp bóng quân Anh, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Hàng vạn quân Nhật còn lại trên đất nước ta cũng tham gia chống lại chính quyền cách mạng. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức phản động như “Việt Nam Quốc dân Đảng” (Việt Quốc), “Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội” (Việt Cách) theo chân quân đội Tưởng Giới Thạch kéo về nước chống  phá cách mạng, sử dụng chiêu bài yêu nước để lừa bịp, lôi kéo nhân dân chống lại cách mạng hòng xóa bỏ chính quyền nhân dân. Ngoài ra, chính quyền cách mạng còn phải đối mặt với một gia tài đổ nát do chế độ cũ để lại: công nghiệp trì trệ, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói hoành hành, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội nặng nề….
Do đó, một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ngay sau ngày thành lập là tiến hành cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức, đồng thời bảo vệ, phát triển những thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám vừa mới giành được. Công việc này không chỉ để củng cố và tăng cường chính quyền vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân, mà còn làm cho thế giới nhận thấy tính hợp pháp, hợp hiến của một chính quyền do nhân dân bầu ra.
Ngày 8-9-1945, Chính phủ lâm thời ra sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử  để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17-8-1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo thể chế dân chủ cộng hòa và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên; Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ Cộng hòa; Xét rằng trong tình thế hiện giờ sự triệu tập Quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống lại nạn ngoại xâm”.
Sắc lệnh là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên về Tổng tuyển cử, khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định cơ sở pháp lý và điều kiện chủ quan, khách quan để nhân dân ta tiến hành cuộc Tổng tuyển cử. Sắc lệnh đã ghi nhận quyền chính trị cơ bản của công dân một nước độc lập.
Để xúc tiến công việc chuẩn bị cụ thể cho cuộc Tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời còn ra một loạt các sắc lệnh: ngày 26-9-1946, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 9 người, trong đó có đại diện của các ngành, các giới; Sắc lệnh số 51-SL, ngày 17-10-1945 quy định thể lệ Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Trên cơ sở các Sắc lệnh đó cùng với không khí vô cùng phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân cả nước đã đón nhận, chuẩn bị và nô nức tham gia Tổng tuyển cử như một ngày hội lớn. Ngày 6-01-1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra trên cả nước, với 89 % tổng số cử tri đi bỏ phiếu, bầu được 333 đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Trong đó Hà Nội có 7 đại biểu, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, 6 người khác còn lại đều là các trí thức nổi tiếng: Hoàng Văn Đức, Vũ Đình Hòe, Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Thị Thục Viên, Chu Bá Phượng. Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn có 5 đại biểu cũng gồm những nhân sĩ, trí thức: Huỳnh Văn Tiểng, Lý Chính Thắng, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Đôn Văn. Ngoài ra, còn hàng loạt các tên tuổi trí thức nổi tiếng khác, như Khuất Duy Tiến (Sơn Tây); Cù Huy Cận, Bùi Bằng Đoàn, Hoàng Minh Giám (Hà Đông); Ngô Xuân Diệu (nhà thơ Xuân Diệu - Hải Dương); Bồ Y Ngông Niê Kdăm (Đắk Lắk); Huỳnh Tấn Phát (Mỹ Tho)...
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã chứng minh cho sức mạnh của nhân dân Việt Nam, của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời đánh dấu quá trình lập pháp, lập hiến ở Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới- thời kỳ đất nước ta có một Quốc Hội thống nhất, một Chính phủ có đầy đủ tư cách pháp lý đại diện cho nhân dân ta đảm đương các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại. Đây là một sự kiện trọng đại trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, đó là“kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”[3]                                 


Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hiền
(Khoa Xây dựng Đảng, trường Chính trị tỉnh)
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tập 4, tr.8.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.133.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, Tập 4, tr.103
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

CT.16.UBND

về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Lượt xem:27 | lượt tải:6

QĐ.1309.TU

về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Lượt xem:315 | lượt tải:30

QĐ.1308.TU

Thành lập các Tổ chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:47 | lượt tải:32

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 8-2024

Lượt xem:468 | lượt tải:60

CV.2598.BTGTU

V/v hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024

Lượt xem:256 | lượt tải:129

CV.2594.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 8-2024

Lượt xem:990 | lượt tải:53

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Lượt xem:230 | lượt tải:142
 
pxyk2024
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm49
  • Hôm nay15,476
  • Tháng hiện tại116,958
  • Tổng lượt truy cập32,779,615
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây