Những sự kiện lịch sử tháng 01 ở Kon Tum 

Những sự kiện lịch sử tháng 01 ở Kon Tum

Thứ ba - 02/02/2016 11:18

Tháng 01-1471 (AL): Nhà Lê ấn định ranh giới quản lý miền Cao Nguyên

Từ sau Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, mở đầu kỷ nguyên độc lập cho đất nước ta. Đến trước khi triều đình nhà Lê trấn giữ, ranh giới giữa vùng đất Cao Nguyên với đồng bằng chưa được phân định, nạn giao chiến giữa các bộ tộc Cao Nguyên với vùng núi các tỉnh đồng bằng liên tiếp xảy ra, nạn giao tranh giữa các lân quốc Chân Lạp, Chiêm Thành đối với vùng đất này cũng thường xuyên, liên tục.

Tháng 1-1471, trước sự xâm lấn của quân Chiêm đối với Cao Nguyên, vua Đại việt là Lê Thánh Tông đích thân mang quân đi đánh, quân Chiêm bại trận. Vua Chiêm lúc này là Trà Toàn bị bắt. Quân lính của Chiêm Thành ở miền bắc Cao Nguyên rút về miền Nha Trang. Từ đó, miền đất Cao Nguyên và những bộ lạc Thượng ở đây được giải phóng. Nhà Lê củng cố và sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ Đại Việt. Tuy nhiên, triều đình nhà Lê còn phải lo đối phó với nạn phân tranh, nội chiến và ngoại xâm, nên khi cải tổ triều chính vùng đất Kon Tum cũng như các tỉnh Cao Nguyên, Triều đình chỉ ấn định một đường ranh giới nhằm giới hạn cho các vùng người Kinh và người Thượng. 

Ngày 13-01-1908: Khánh thành trường đào tạo các Yao Phu (Trường Yao Phu Cuénot)

Trường Yao Phu Cuénot do Martial Jannin Phước thành lập. Mục đích đào tạo giáo lý viên cho người Ba Na theo cung cách huấn luyện thầy giảng ở Trung Châu.

Trường bắt đầu xây dựng năm 1906. Ngày 13-01-1908, Damen Grangeon Mẫn  làm phép khánh thành trường.

Sau lễ khánh thành có 70 học sinh nhập học.

Đến năm 1909, trường đặt dưới sự bảo trợ của Stêphanô Cuénot, nên gọi là Trường Yao phu Cuénot.

Ngày 12-01-1911: Toàn quyền Đông Dương chuẩn y Dụ của Triều  Nguyễn quy định về chế độ xâu  ở vùng thượng Kon Tum

Ngày 12-01-1911, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y Dụ của triều Nguyễn quy định về chế độ xâu ở vùng thượng Kon Tum. Nội dung:

+ Kể từ năm 1911, tất cả nam giới, tuổi từ 20 đến 60, thuộc các dân tộc Xê Đăng, Gia Rai, Ba Na, Lào…sống tại địa hạt Kon Tum, đều phải đi làm xâu (peresta tion) mỗi năm 10 ngày.

+ Về nguyên tắc không được chuộc bằng tiền; xong các làng, xã, hoặc tập thể nào muốn thì cũng được chuộc một phần hay toàn bộ số ngày phải đi làm xâu, với giá một hào một ngày. Số ngày được phép chuộc, do Khâm sứ quy định cho từng năm.

Từ tháng 01 đến tháng 4- 1931: Thực dân Pháp tiếp tục đưa các đoàn tù chính trị lên Kon Tum

Nằm trong âm mưu lợi dụng nhân công làm đường xâm lược, giết hại những người Cộng sản, năm 1931, thực dân Pháp tiếp tục đưa các đoàn tù chính trị bị giam ở nhà lao các tỉnh Trung châu lên Kon Tum. Tháng 01-1931, chúng đưa đoàn tù thứ nhất từ nhà lao Hà Tĩnh lên 50 người; tháng 02-1931, đoàn tù thứ hai từ nhà lao Hà Tĩnh lên 40 người và nhà lao Vinh lên 50 người; tháng 4-1931, đoàn tù từ nhà lao Nha Trang lên 05 người. Tính cả đoàn tù đầu tiên 150 người từ nhà lao Vinh đưa lên từ tháng 12-1930 thì đến tháng 4-1931, tổng số tù chính trị bị địch bắt đữ lên giam ở Kon Tum là 295 người.

Ngày 18-01-1932: Thành lập giáo phận Kon Tum

Ngày 18-01-1932, Tòa thánh thiết lập Giáo phận Kon Tum, tách khỏi giáo phận Quy Nhơn. Jannin Phước được cử làm Giám mục đầu tiên của Giáo phận Kon Tum. Theo quyết định này, Giáo phận Kon Tum  gồm 3 tỉnh: Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum và một phần lãnh thổ Attapư (Lào).

Ngày 17-01-1933: Toàn quyền Đông Dương thực hiện chính sách chiếm dụng đất đai ở Kon Tum

Để đẩy mạnh hơn nữa chính sách khai thác thuộc địa, chiếm dụng đất đai ở Đông Dương, ngày 17-01-1933, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định quy định nguyên tắc đất đai thuộc về bất động sản.

Dựa vào Nghị định này, bọn tư bản Pháp đã tích cực gia tăng việc chiếm dụng đất ở tỉnh Kon Tum bằng các hình thức nhượng tạm, nhượng hẳn. Tính đến đầu năm 1934, tư bản thực dân Pháp đã chiếm đoạt 2.540 ha đất lập đồn điền trồng cây công nghiệp, chăn nuôi trên vùng đất Tây Nguyên, trong đó, địa bàn tỉnh Kon Tum lúc bấy giờ trở thành một vị trí kinh tế quan trọng của thực dân Pháp ở Tây Nguyên.

Tháng 01-1933: Vua Bảo Đại ban thưởng cho 2 người ở Kon Tum về thành tích "sống thọ"

Kon Tum mang tiếng là nơi rừng thiêng, nước độc, con người sinh sống nơi đây thường hay bị chết sớm. Tuy nhiên, ở thị xã Kon Tum có 2 người già trên 65 tuổi đã ở lại xứ này trên 50 năm (lúc mới lên Kon Tum khoảng 12-13 tuổi) vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn, lưng không còng, mắt không mờ, tai không nhãng...Cho nên tháng 01-1933, nhân dịp vua Bảo Đại đi tuần tiết các tỉnh Tây Nguyên đã đến Kon Tum ban thưởng 2 đồng ngân tiền cho thành tích về sự sống thọ trên mảnh đất này.

Mục đích của việc ban thưởng này nhằm để cho mọi người biết rằng Kon Tum không phải là vùng độc địa khó sống lâu, mà nếu con người biết cải thiện môi sinh thì vẫn sống thọ như các nơi khác.

Tháng 01-1946: Thành lập trung đoàn lực lượng vũ trang Kon Tum

Trước tình hình chiến sự ngày càng ác liệt ở Đăk Lăk và Pô Keo (Campuchia), uy hiếp mạnh đến hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, để tăng cường lực lượng vũ trang bảo vệ mặt trận phía Bắc Tây Nguyên thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum và Gia Lai, đầu tháng 01-1946, Ủy ban Kháng chiến miền Nam Trung bộ quyết định thành lập ở Kon Tum bộ khung lực lượng vũ trang cấp trung đoàn, do đồng chí Lê Văn Đức làm Trung đoàn trưởng (Trung đoàn 68), đồng chí Lê Tự Thắng làm Chính trị viên.

Trên cơ sở lực lượng vũ trang của tỉnh hiện có, Trung đoàn được bổ sung thêm 150 dân quân tự vệ ở Thị xã, đồng thời tiếp nhận 1 trung đội quân chính quy của Ba Tơ chuyển lên làm nòng cốt và tổ chức phiên chế thành 3 đại đội, được bố trí phụ trách các vùng: Ở vùng ven từ cây số 11 đến thị xã Kon Tum 1 đại đội; các huyện Đăk Tô, Đăk Sút, Đăk Glei 1 đại đội; trung tâm thị xã Kon Tum 1 đại đội làm nhiệm vụ cảnh vệ, bảo vệ các cơ quan tỉnh và Bộ Chỉ huy Trung đoàn.

Ngày 01-01-1948: Thành lập Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung bộ và hai phân ban: Cực Nam Trung bộ và phân ban Kháng chiến Hành chính Tây Nguyên

Để thống nhất việc lãnh đạo cuộc kháng chiến cho toàn miền Nam Trung bộ, ngày 01-01-1948 Đại diện Ủy ban kháng chiến và Đại diện Ủy ban Hành chính Trung bộ tại miền Nam đã ra Nghị định số 01-KCMN/TB hợp nhất các Ủy ban Kháng chiến Khu V, Khu VI và Ủy ban chỉ huy Tây Nguyên thành Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung bộ. Thành phần gồm 07 ủy viên chính thức và 03 ủy viên dự khuyết:

Ủy viên chính thức:

1. Bác sỹ Lê Đình Thám: Chủ tịch,

2. Ông Nguyễn Duy Trinh: Ủy viên hành chính làm Phó Chủ tịch

3. Ông Nguyễn Văn Chi: Ủy viên hành chính

4. Ông Y Wang: Ủy viên hành chính

5. Linh mục Nguyễn Thanh Liêm: Ủy viên nhân dân

6. Ông Phạm Phú Tiết: Ủy viên nhân dân

7. Ông Lê Đức Mai: Ủy viên quân sự

Ủy viên dự khuyết:

1. Ông Đặng Văn Vinh: Ủy viên nhân dân

2. Ông Phan Đức Huy: Ủy viên quân sự

3. Một đại diện Bộ chỉ huy Khu V: Ủy viên quân sự

Để điều hành cho phù hợp với tình thế cách mạng ở hai vùng cực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung bộ đặt ra hai phân Ban:

1. Phân ban Cực Nam Trung bộ, phụ trách các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng.

2. Phân ban Kháng chiến Hành chính Tây Nguyên (hay còn gọi là Bộ chỉ huy Tây Nguyên) thay cho Ủy ban chỉ huy Tây Nguyên, phụ trách 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk.

Thành phần gồm các ông:

- Y Wang: Chủ tịch

- Nay Phin: Ủy viên

- Y Nuê: Ủy viên

- Nguyễn Hữu Thấu: Ủy viên

- Bùi San: Ủy viên

Phân ban Kháng chiến Hành chính Tây Nguyên được tổ chức bộ máy làm việc gồm đầy đủ các ngành chuyên môn, có nhiệm vụ giúp các tỉnh Tây Nguyên về công việc hành chính xây dựng chính quyền cơ sở, tổ chức các đoàn thể và tổ chức, xây dựng lực lượng kháng chiến.

Riêng tỉnh Kon Tum từ tháng 6-1947 không có Ủy ban Hành chính tỉnh, nên Ủy ban hai huyện Đăk Glei và Kon Plông phải đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân ban Kháng chiến Hành chính Tây Nguyên qua Phân số kháng chiến hành chính tỉnh Kon Tum.

Ngày 25-01-1948: Hội nghị Kháng chiến Hành chính Tây Nguyên lần thứ nhất

Sau khi thành lập, để lãnh đạo, chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên đi vào hoạt động có nền nếp, hiệu quả, ngày 25-01-1948 Phân ban Kháng chiến Hành chính Tây Nguyên tổ chức Hội nghị lần thứ nhất. Hội nghị đề ra nhiệm vụ:

- Củng cố chính quyền ở những vùng ảnh hưởng cách mạng còn yếu;

- Lập những Ban vận động chính quyền đi sâu vào những huyện chưa có chính quyền để tổ chức và phát triển;

- Chính đốn lại hệ thống giữa các cơ quan kháng chiến hành chính và chuyên môn để thống nhất chương trình hoạt động;

- Giải tán Phân số Kháng chiến Hành chính Kon Tum để thành lập Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Kon Tum theo tinh thần Sắc lệnh 91 của Chính Phủ. 

Từ tháng 01 đến tháng 6-1948: Thực dân Pháp xây dựng 11 đồn bốt ở Kon Tum

Thực hiện âm mưu chiến lược phòng ngự củng cố vùng chiếm đóng để gom sức đánh lâu dài với ta, từ tháng 01 đến tháng 6-1948 trên chiến trường Kon Tum, thực dân Pháp xây dựng 11 đồn bốt: Đồn Đăk Tô, Đăk Hà, Đăk Sút, Tu Mơ Rông, Đăk Lem, Đăk Tank, Đăk Ven, Đăk Glei, Tung Bung, Kon Praih, Kon Plông. Các đồn này tập trung ở vùng ranh giới tiếp giáp giữa Kon Tum với miền tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi nhằm khống chế, án ngự vùng tự do Trung châu với Bắc Tây Nguyên. Mỗi đồn địch bố trí lực lượng từ 1 trung đội đến 1 tiểu đoàn.

Tháng 01-1950: Thành lập Trung đoàn 120 (bắc Tây Nguyên)

Để đẩy mạnh tác chiến tập trung, tháng 01-1950, Bộ Tư lệnh Quân khu V quyết định hợp nhất một bộ phận Trung đoàn 126 (E126) với E120 thành E120 mới phụ trách chiến trường Bắc Tây Nguyên. E120 mới do đồng chí Trương Cao Dũng làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Duy Đề làm Chính ủy. Biên chế gồm có 1 tiểu đoàn (D) tập trung, 08 đại đội độc lập (có 2 đại đội cơ động), 10 đội vũ trang tuyên truyền, gồm 4 đội: 105,106,108,109 hoạt động trên địa bàn Kon Tum (cũ); 6 đội: 101,102,103,104,107,110 hoạt động ở địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ).

Cũng theo chủ trương trên, hai tỉnh đội Kon Tum và Gia Lai (cũ) được sáp nhập thành Ban dân quân Bắc Tây Nguyên trực thuộc Trung đoàn 120 do đồng chí Lê Văn Đức làm Trưởng ban và đồng chí Vân Sơn làm Phó ban.

Giữa tháng 01-1953: Ban cán sự Mặt trận Miền Tây xét xử vụ phiến loạn Sơn Hà

Sơn Hà là huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi. Thực hiện âm mưu "chia để trị" thực dân Pháp tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo bọn tù trưởng phản động. Trong khi đó, một số cán bộ ta lại phạm sai lầm thực hiện một số công tác không phù hợp và vi phạm tập quán, làm mất lòng tin trong Nhân dân. Lợi dụng cơ hội đó, bọn tù trưởng phản động kích động quần chúng nổi lên chống lại cán bộ, gây hằn thù Kinh-Thượng.

Trước tình hình đó, ta đã chủ trương đấu tranh dập tắt vụ phiến loạn và bắt giam một số phần tử phản động.

Ban cán sự Mặt trận Miền Tây chủ trương đưa bọn phản động đầu sỏ bị ta bắt ra xét xử trước Nnhân dân. Các phiên tòa được tổ chức liên tiếp xét xử 10 tên vào giữa tháng 01-1953 tại xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Qua xét xử đã làm sáng tỏ đường lối của ta trong đấu tranh chống phản cách mạng: "trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo, nghiêm minh với khoan hồng" và đã có tác dụng mạnh mẽ trong hàng ngũ địch. Quần chúng được phát động, giác ngộ. Các phiên tòa thắng lợi. Nhân dân các dân tộc Kon Tum và các huyện miền Tây tỉnh Quảng Ngãi phấn khởi, tin tưởng cách mạng. 

Ngày 27-28/01/1954: Lực lượng quân cách mạng tấn công tiêu diệt đồn Măng Đen, Măng Buk, Kon Praih, giải phóng Đông Bắc Kon Tum

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Liên khu ủy V quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên do đồng chí Nguyễn Chánh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Liên khu ủy trực tiếp chỉ đạo. Chiến dịch  nhằm tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng căn cứ cách mạng, đập tan kế hoạch đánh chiếm vùng tự do Liên khu V, phối hợp với chiến trường chính Bắc bộ trong chiến cuộc Đông- Xuân 1953-1954. Địa bàn Kon Tum được chọn là hướng chính của chiến dịch. Sau quá trình chuẩn bị, đến tối ngày 19/01/1954, các lực lượng của ta đã vào vị trí tập kết chờ lệnh nổ súng.

Đúng 23 giờ 23 phút ngày 27/01/1954, Tiểu đoàn 79, 19 (Trung đoàn 108) bất ngờ nổ súng tấn công cứ điểm Măng Đen, cứ điểm kiên cố nhất, xương sống của cụm cứ điểm địch ở bắc Kon Tum. Sau 8 giờ chiến đấu gay go, ác liệt, sáng ngày 28/01/1954, bộ đội ta làm chủ hoàn toàn trận địa.

Cũng trong đêm 27 rạng sáng ngày 28/01/1954, Tiểu đoàn 97 của Mặt trận Miền tây phối hợp với Bộ đội đặc công Quân Khu V ([1]) tấn công tiêu diệt cứ điểm Măng Buk. Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803) tấn công cứ điểm Kon Praih, một trong 3 cứ điểm mạnh cùng với cứ điểm Măng Đen, Măng Buk của địch ở bắc Kon Tum. Đến 5 giờ 30 sáng ngày 28/01/1954 toàn bộ cứ điểm Măng Buk, Kon Praih cũng bị ta tiêu diệt. Khu vực Đông Bắc tỉnh được giải phóng hoàn toàn.

Ngày 03-01-1961Đại hội đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum lần thứ nhất

Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, tại Kon Tum ngày 03-01-1961, Đại hội Đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum lần thứ nhất được tổ chức tại làng Đăk Pét- xã Đăk Rơ Manh (H29). Có 300 đại biểu tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc trong tỉnh đã về dự.

Đại hội đánh giá tình hình đoàn kết các dân tộc chống Mỹ -Diệm từ năm 1954 đến 1960, hạ quyết tâm tăng cường đoàn kết đánh bại '' Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - Diệm. Đại hội đã bầu Uỷ ban phong trào dân tộc tự trị tỉnh Kon Tum do đồng chí A Chương làm chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Chiến và các ông ANá, ông A Lới làm phó chủ tịch. Đại hội còn bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ nhất phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên họp tại Kon Hà Nừng (Gia Lai).

Tháng 01-1968: Đồng chí Trần Văn Hai  hy sinh

Để chuẩn bị cho tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại thị xã Kon Tum, từ cuối năm 1967, Ban cán sự H5 (Thị uỷ Kon Tum) đã đưa một số cán bộ vào nội thị về các gia đình cơ sở hoạt động, nắm tình hình. Trong bối cảnh ấy, các đồng chí Dương Hữu Trợ (Dương Thanh Tương), Nguyễn Thị Bích Châu (Bùi Thị Luận), Vũ Thị Minh Huệ, Trần Văn Hai... đã được điều vào nội ô hoạt động bí mật. Trần Văn Hai được cấp trên bố trí về gia đình ông Huỳnh Trọng Sửu, một gia đình cơ sở mật nội thị để hoạt động.

Chiều 29-01-1968, Trần Văn Hai được cấp trên giao nhiệm vụ diệt một tên ác ôn. Trong lúc chuẩn bị hành động, Hai bị địch phát hiện và bắt giữ khi trong người đang còn trái lựu đạn. Bọn địch đưa anh về Ty cảnh sát, bị tra tấn dã man, song Trần Văn Hai vẫn một dạ kiên trung, anh dũng chịu đựng, không một lời khai báo. Lợi dụng lúc địch sơ hở, Hai đã cướp lại trái lựu đạn (trái lựu đạn khi bắt được anh, chúng thu và đặt trên bàn hỏi cung) cho lựu đạn nổ, diệt thêm một tên địch và anh dũng hy sinh ngay tại phòng thẩm vấn của chúng khi anh mới 17 tuổi đời.

Tấm gương hy sinh anh dũng của Trần Văn Hai đã cổ vũ, động viên mạnh mẽ cán bộ và chiến sỹ, quân và dân Kon Tum trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trần Văn Hai được truy tặng danh hiệu AHLLVT ngày 23-7-1977.

Tháng 01-1968: Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 ở Kon Tum

Theo kế hoạch dự định, đêm 29 rạng sáng ngày 30-01-1968 (tức rạng sáng mồng 1 tết), cùng toàn miền Nam, quân dân Kon Tum đồng loạt nổ súng tấn công 23 mục tiêu quan trọng của địch tại hai vùng trọng điểm của thị xã Kon Tum và Đăk Tô- Tân Cảnh, mở màn chiến dịch Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968.

Hướng trọng điểm thị xã Kon Tum được chia ra 4 mũi tấn công, đánh vào các mục tiêu đã định. Trung đoàn 24 bộ đội chủ lực có nhiệm vụ đánh chiếm biệt khu 24.Tiểu đoàn đặc công 406 của tỉnh đánh vào toà hành chính, ty cảnh sát và tiểu khu Kon Tum. Tiểu đoàn bộ binh 304 của tỉnh đánh khu vực sân bay Kon Tum. Bộ đội thị xã đánh chiếm khu cư xá sĩ quan địch. Sau 30 phút chiến đấu, quân ta đánh chiếm và làm chủ 2/3 thị xã, trong đó có các khu vực quan trọng là Toà hành chính, Ty cảnh sát, Tiểu khu Kon tum và khu vực sân bay. Sau một loạt trận đánh táo bạo, bất ngờ, quân ta đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá huỷ 250 xe quân sự, 26 máy bay và nhiều kho tàng đạn dược. Song do quân ta chưa đánh chiếm được Biệt khu 24, nên địch dựa vào đó và lực lượng biệt kích Lôi hổ phía nam thị xã để phản kích quyết liệt gây cho ta nhiều thương vong tổn thất.

Trên các hướng phối hợp: Đăk Tô- Tân cảnh, H16 và các vùng phụ cận, bộ đội và du kích đã đánh mạnh, gây cho địch nhiều thiệt hại và buộc chúng phải rút chạy, bỏ một số khu vực, đồn bốt.

Sau một thời gian choáng váng vì đòn tấn công sấm sét bất ngờ của quân dân ta, địch tăng viện cấp tốc, củng cố lại lực lượng và phản kích ta một cách dữ dội, nhằm giành lại những gì đã mất. Do chênh lệch khá lớn về so sánh lực lượng, lại thêm phần hao tổn trong những ngày đầu tấn công địch, ta chủ trương rút lui để bảo toàn lực lượng.

Ngày 28-01-1972: Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết nghị về củng cố tổ chức Đảng ủy khu vực X

Để thống nhất và tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với khu vực X, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến dịch Xuân - Hè 1972 do Thường vụ Tỉnh ủy đề ra, ngày 28-01-1972, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và thống nhất Quyết nghị về củng cố và tổ chức Đảng ủy khu vực X (mật danh M2 quyết thắng). Bổ sung 7 đồng chí vào Đảng ủy khu vực X gồm: Đồng chí Trần Liêu (Peo)- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư H29 làm Bí thư Đảng ủy; Đồng chí Lưu Xem- Uỷ viên quân sự, tham mưu phó Tỉnh đội, đồng chí Nguyễn Khắc Đượng- Phó Bí thư Huyện ủy H16 làm Bí thư và 4 đồng chí ủy viên khác.

Đảng ủy đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy và có nhiệm vụ chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho kế hoạch tấn công, nổi dậy và xây dựng ở khu vực X. Trực tiếp chỉ đạo Ban cán sự phía trước của 2 huyện H16 và H29; chỉ huy, lãnh đạo các lực lượng ra hoạt động ở khu vực đó hoàn thành nhiệm vụ giành thắng lợi cao nhất theo phương hướng, quyết tâm của Đảng.

Ngày 04-01-1976: Bộ Tư lệnh Quân khu V phản đối việc làm vi phạm của quân đội Cămpuchia

Ngày 04-01-1976, đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu V (Việt Nam) điện cho “anh Chín” - Bộ Tư lệnh Quân khu đông bắc Cămpuchia phản đối việc làm vi phạm của quân đội họ ở khu vực sông Sa Thầy, yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu đông bắc lệnh cho rút hết quân về bên kia biên giới và đề nghị 2 quân khu gặp nhau để bàn bạc giải quyết các vấn đề tranh chấp biên giới. 

Bộ Tư lệnh Quân khu V đề nghị lấy Đồn biên phòng 23 của Việt Nam làm địa điểm bàn bạc trao đổi thư từ, công văn và gặp gỡ.

Đi đôi với gửi điện phản đối và đề nghị gặp gỡ bàn bạc giải quyết bằng đường ngoại giao, Bộ Tư lệnh Quân khu V tăng cường Trung đoàn 95 phối hợp với Công an vũ trang (công an biên phòng Đồn 671, 672) và bộ đội huyện Sa Thầy, lên khu vực Sa Thầy làm nhiệm vụ “Bảo vệ an toàn cho các lực lượng địa phương và nhân dân, bảo vệ các kho tàng trên lãnh thổ ta, không để quân Khơ me đỏ tập kích, phục kích, cướp bắt dân”. Ta giữ vững và cũng cố đường biên giới tạm thời (Lấy bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Pháp in năm 1954 làm căn cứ) đề phòng ngăn ngừa các hành động tái phạm lãnh thổ ta.

Ngày 12 đến 15-01-1976: Hội  nghị Tỉnh ủy Gia Lai- Kon Tum lần thứ hai chủ trương sáp nhập các huyện thuộc tỉnh

 Từ 12 đến 15-1-1976: Hội  nghị Tỉnh ủy Gia Lai- Kon Tum lần thứ hai họp,  chủ trương:

+ Sáp nhập 2 huyện Kon Plông và Kon Praih thành huyện Kon Plông, Huyện Sa Thầy và Đăk Tô hợp nhất thành huyện Đăk Tô.

+ Đề ra một số biện pháp tiến hành kiện toàn và xây dựng bộ máy tỉnh, huyện, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trong địa phương trong giai đoạn mới.

+ Phân công các đồng chí Ủy viên Thường vụ và Tỉnh ủy viên trực tiếp làm Bí thư các huyện quan trọng, các đồng chí Phó Bí thư và Ủy viên Thường vụ Huyện ủy giữ chức vụ Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND cách mạng huyện và Chủ nhiệm ủy ban nông nghiệp.

+ Chỉ đạo đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện và giao quyền hạn cho các huyện trực tiếp chỉ đạo sản xuất và chăm lo đời sống nhân dân, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu năm 1976.

Ngày 24-01-1976: Tại Đồn 19 (Ô Gia Đao), đại diện 2 quân khu (Đông Bắc - Campuchia) và (Quân khu V - Việt Nam) gặp bàn thỏa thuận chủ quyền quản lý khu vực

Ngày 24-01- 1976, tại Đồn 19 Cảnh sát biên phòng Campuchia đóng ở Ô Gia Đao, đại diện 2 quân khu (Đông Bắc - Campuchia) và (Quân khu V - Việt Nam) gặp nhau.

Sau khi bàn bạc, hai bên đã thỏa thuận:

Đối với khu vực tây Sa Thầy và X114, do 2 bên chưa thống nhất nên cử đại diện đến đo đạc xác minh, nếu ai sai thì phải rút.

 Trong khi chờ đợi đo đạc, lực lượng vũ trang 2 bên đóng nguyên vị trí cũ không có hoạt động gì thêm. 

Campuchia đồng ý trả lại toàn bộ dân làng Sộp và tài sản, thời gian và địa điểm giao trả giao cho đại diện 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum và Rattanakiri bàn cụ thể.

Từ 26-01 đến 30-01-1976: Ta gửi 2 công điện kháng nghị Campuchia vi phạm chủ quyền ta tại khu vực Tây sông Sa Thầy

Vừa mới thỏa thuận xong, ngày 26-01-1976, quân Khơ me đỏ đã trinh sát trận địa chốt của Đại đội 3 - Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 95, ta phát hiện nổ súng cảnh cáo. Để tăng thêm áp lực buộc Khơ me đỏ rút khỏi kho X114, ngày 26-01-1976, ta sử dụng 1 trung đội và 1 khẩu cối 82 tiếp cận phía tây kho thóc. Lính chiếm giữ kho X114 nổ súng bắn vào đội hình quân ta làm 1 chiến sĩ hy sinh. Ngày 27-01-1976, Đại đội 3 cơ động công an nhân dân vũ trang dùng loa đề nghị đơn vị chiếm X114 cử đại diện ra tiếp xúc với bộ đội ta nhưng họ không ra.

Ngày 28-01-1976, theo thỏa thuận của 2 quân khu, tỉnh đội Gia Lai - Kon Tum cử đồng chí Dư - Tham mưu phó đến gặp đại diện của Campuchia tên Thìn tại Tây sông Sa Thầy. Đồng chí Dư đã chờ 3 ngày nhưng Khơ me đỏ không có nhân viên kỹ thuật đo đạc nên không tổ chức đo đạc.

Từ ngày 26-01 đến ngày 30-01-1976, ta liên tiếp gửi 2 công điện kháng nghị Campuchia vi phạm chủ quyền ta tại khu vực Tây sông Sa Thầy. Ngày 01-02-1976, nhân dịp năm mới của Việt Nam, đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu V tiếp tục điện cho Chỉ huy Đông Bắc Campuchia thông báo đã cử cán bộ và phương tiện  đo đạc xuống kiểm tra khu vực Sa Thầy và khẳng định:

- Các vị trí đóng quân của lực lượng biên phòng Việt Nam từ trước đều đóng quân trong lãnh thổ của tổ quốc mình.

-  Vị trí của quân Campuchia đóng ở Tây sông Sa Thầy thực tế là lãnh thổ của xã Mo Rai, huyện Đăk Tô (nay là huyện Sa Thầy), tỉnh Gia Lai - Kon Tum Việt Nam.

Ngày 17-01-1990: Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai- Kon Tum (Khóa VIII) chủ trương xây dựng "Làng thanh niên"

Nghị quyết của Hội nghị xác định:

1. "Làng thanh niên" là mô hình hoạt động toàn diện của thanh thiếu nhi trên địa bàn dân cư; là phương thức tập hợp, giáo dục thanh thiếu nhi phù hợp với đặc điểm và tập quán tuổi trẻ vùng dân tộc thiểu số.

2. Khẩu hiệu hành động: "Thanh niên hãy góp sức mình cho sự ấm no, giàu mạnh của buôn làng".

3. Nội dung 6 tiêu chuẩn xây dựng "Làng thanh niên" là: 2 biết (Biết được các nhiêm vụ cách mạng của thanh niên hiện nay; biết đánh Chiêng, múa hát truyền thống dân tộc); 2 có (Có biện pháp sản xuất giỏi, ham học chữ; có tinh thần sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ); 2 không (Không lấy vợ (chồng) quá sớm, gia đình trẻ chỉ nên có từ 1 đến 2 con; không nghe, không làm, không tuyên truyền cho kẻ xấu).

4. Mục tiêu: Rèn luyện, bỗi dưỡng lớp thanh niên mới mang truyền thống "Tây nguyên bất khuất" thừa kế xuất sắc sự nghiệp cách mạng của cha ông.

5. Ý nghĩa xã hội: Thanh niên làm nòng cốt trong các phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương. Nhất là trong Chương trình xây dựng nông thôn mới trong Chiến lược phòng thủ bảo đảm khả năng chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Trong tháng 12-1990 toàn tỉnh có 27 làng của 11 huyện, thị đăng ký xây dựng "Làng thanh niên". Trong đó có một số làng tiêu biểu như: làng Kon Hring, xã Đăk Blà; làng Kroong Ktu, xã Kroong (thị xã Kon Tum); làng Đăk Rao Lớn, xã Pôkô (Đăk Tô); làng Kon Nheng, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) tỉnh Kon Tum hiện nay.

Từ ngày 06 đến ngày 07-01-2000: tại thị xã Kon Tum, Chính phủ tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch năm 2000 cho các tỉnh Kon tum, Gia Lai, Đăk Lăk

 Đồng chí Nguyễn Công Tạn, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện 1 số Bộ, ngành Trung ưong và lãnh đạo 3 tỉnh.

Hội nghị đánh giá: Kinh tế xã hội 3 tỉnh tiếp tục giành được những thành tựu nổi bật với tốc độ phát triển nhanh. Kinh tế nông nghiệp phát triển gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, huy động nguồn lực địa phương một cách có hiệu quả. Kết cấu hạ tầng trong đó chủ yếu là đường giao thông phát triển mạnh, các trục quốc lộ, tỉnh lộ cơ bản được nhựa hoá. Đời sống nhân dân được nâng cao. Tài nguyên rừng được bảo vệ, độ che phủ cao. Môi trường được cải thiện. Văn hoá giáo dục, có bước phát triển khá. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững. Tây Nguyên đã trở thành vùng kinh tế mở, năng động, đã qua thời kỳ khó khăn ban đầu.

Hội nghị cũng đã chỉ rõ: Vẫn chưa thai thác hết lợi thế ở cả 3 tỉnh, trong mối tương quan nhiều mặt, cơ sở hạ tầng phát triển chưa tương xứng với yêu cầu. Vẫn còn sự chênh lệch giàu nghèo giữa các bộ phận dân cư ở thị xã, thị trấn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vẫn còn 28% số dân chưa định canh, đinh cư. Kinh tế hàng hoá còn phát triển tự phát.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: Năm 2000 các tỉnh phải phát huy nguồn lực nội sinh, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế với mức cao hơn nữa – nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Hoàn thành dứt điểm định canh, đinh cư; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nguồn hàng hoá xuất khẩu phong phú. Tăng cường củng cố an ninh quốc phòng. Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế…

Trong những ngày về dự và chủ trì hội nghị của chính phủ triển khai kế hoạc nhiệm vụ năm 2000, Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã dành thời gian khảo sát, kiểm tra công tác bảo vệ rừng, công tác đinh canh, định cư, đón nhận dân kinh tế mới ở Kon Plông và kiểm tra tình hình hoạt động của nhà máy đường.

Ngày 31-01-2002: Chính phủ ra Nghị định chia huyện Kon Plông thành huyện Kon Plông và Kon Rẫy

 Chính phủ ra Nghị định số 14/NĐ-CP chia huyện Kon Plông thành hai huyện: Kon Plông và Kon Rẫy; đổi tên thị trấn Kon Plông thuộc huyện Kon Rẫy thành thị trấn Đăk Rve.

Sau khi chia tách, huyện Kon Plông có 6 xã trực thuộc huyện, gồm: Đăk Ring, Ngok Tem, Măng Bút, Măng Cành, Pờ Ê và xã Hiếu; huyện Kon Rẫy có 5 xã và 1 thị trấn, gồm: Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Kôi, Đăk Pne, Đăk Tờ Re và thị trấn Đăk Rve.

Ngày 24-01-2003: Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định công nhận Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ kháng chiến Đăk Ui

Ngày 24-01-2003, UBND tỉnh ra Quyết định số 60/QĐ-UB công nhận Di tích lịch sử Căn cứ kháng chiến Đăk Ui thuộc xã  Đăk Ui, huyện Đăk Hà là Di tích lịch sử cách mạng.

Ngày 24-01-2005: BCH Đảng bộ tỉnh khoá XII tổ chức Hội nghị lần thứ 16.

Đồng chí Y Vêng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Hội nghị nghe báo cáo kiểm điểm 5 năm thực hiện nghị quyết TW 6  (lần 2) khoá 8 “ về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện công tác kiểm tra năm 2004 và phương hướng nhiệm vụ công tác kiểm tra Tỉnh ủy năm 2005 theo Điều 30-Điều lệ Đảng;xây dựng Chương trình công tác năm 2005 của Tỉnh uỷ.

Tại Hội nghị,các đại biểu đã nghe công bố Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ định 2 đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh khoá XII là đồng chí Lê Văn Thạo, Chỉ huy trưởng BCHBP tỉnh và đồng chí Võ Thanh Chín, Quyền Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh. Và bầu đồng chí Hà Ban, UVTV giữ chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Trần Quang Vinh, TUV vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Ngày 18-01-2008: Đại diện chính phủ 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào tổ chức Lễ Khánh thành cột mốc ngã ba biên giới giữa ba nước.

Đồng chủ trì buổi lễ, về phía Việt Nam có ông Đào Việt Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; phía Campuchia có ông Var Kim Hông, Bộ trưởng cao cấp của Chính phủ phụ trách công tác biên giới; phía Lào có ông Phông Sạ Vắt Búp Phả, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao. Tham dự Lễ khánh thành có đại diện các bộ, ngành hữu quan của ba nước; đại diện lãnh đạo và nhân dân tỉnh Kon Tum (Việt Nam), tỉnh Rattanakiri (Campuchia), tỉnh Attapư (Lào); cùng các cơ quan thông tấn báo chí của ba nước.

Cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam- Campuchia- Lào được đặt tại đỉnh núi có độ cao 1.100 m so với mực nước biển, là vị trí giao điểm của ba đường biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào. Công trình mốc ngã ba biên giới đã được tỉnh Kon Tum thi công trong tháng 12-2007 theo đúng vị trí, thiết kế và yêu cầu kỹ thuật xây dựng do ba bên thỏa thuận, dưới sự giám sát của chuyên gia ba nước.

Ngày 18-01-2008: Tỉnh Kon Tum (Việt Nam) và Attapư (Lào)  tổ chức Lễ khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y- Phu Cưa.

Dự Lễ khai trương về phía Việt Nam có ông Đào Ngọc Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Trần Anh Linh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Hà Ban, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; phía Lào có ông Phông Sạ Vắt Búp Phả, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao, Trưởng Ban Biên giới Quốc gia; Sĩ Nay Miêng La Văn, Bí thư, Tỉnh trưởng Attapư. Tham dự lễ còn có lãnh đạo hai tỉnh, các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán hai nước, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các vị khách quý đến từ Vương quốc Campuchia và Thái Lan, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương.

Cặp cửa khẩu Quốc tế Bờ Y- Phu Cưa nằm trên địa phận tỉnh Kon Tum (Việt Nam) và Attapư (Lào). Đây là cặp cửa khẩu quốc tế có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của hai nước và là trung tâm phát triển của khu vực tam giác phát triển Việt Nam- Campuchia- Lào. Cặp cửa khẩu Quốc tế Bờ Y- Phu Cưa được xây dựng cơ sở hạ tầng trong nhiều năm, hiện đảm bảo yêu cầu giao thương, đi lại giữa hai nước.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Việc khai trương cặp cửa khẩu Quốc tế Bờ Y- Phu Cưa không chỉ tạo ra những điều kiện thuận lợi và cơ hội cho hai tỉnh, hai nước mà còn cả cho khu vực tam giác phát triển của 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào phát triển mạnh hơn nữa trong những năm đến.

Ngày 22-01-2009: UBND tỉnh Kon Tum công bố dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò

Dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò lan rộng tại 40 thôn, làng của 28 xã, thị trấn thuộc 6/9 huyện trong tỉnh, bao gồm: Đăk Glei, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Kon Plông và Tu Mơ Rông. Trong thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 40 con bò và 13 con trâu bị mắc bệnh lở mồm long móng, trong đó có 16 con bò của người dân địa phương. Đến ngày 17-4-2009, dịch lở mồm long móng trên gia súc cơ bản được ngăn chặn ở các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại xã Đăk Ang (Ngọc Hồi) và thị trấn Đăk Rve (Kon Rẫy) được giải thể. Cho đến ngày 15-7-2009, tỉnh Kon Tum tiếp tục tiếp tục phát hiện dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu, bò tại xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum.

Ngày 07-01-2013: Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Rattanakiri (vương quốc Campuchia) thăm và chúc tết cổ truyền tại tỉnh Kon Tum.

Ngày 07-01-2013, Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia) do Tỉnh trưởng Pao Hom Phan làm Trưởng đoàn đến thăm và chúc Tết cổ truyền của Việt Nam tại Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

Đón tiếp Đoàn có đồng chí Hà Ban, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Y Mửi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; đồng chí Đào Xuân Quý, Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Ngài Pao Hom Phan gửi lời chúc tốt đẹp đến lãnh đạo Tỉnh ủy Kon Tum nhân dịp Tết cổ truyền và kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum. Trong phát biểu của mình, ngài Pao Hom Phan luôn trân trọng tình cảm và sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng và sẽ tiếp tục nỗ lực vun đắp, xây dựng mối đoàn kết hữu nghị giữa 2 nước, 2 tỉnh ngày càng bền chặt.

Đồng chí Hà Ban, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đã cảm ơn lời chúc tốt đẹp của ngài Pao Hom Phan, đồng thời khẳng định Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Kon Tum sẽ tiếp tục sát cánh cùng tỉnh Rattanakiri vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 nước nói chung, 2 tỉnh Kon Tum và Rattanakiri nói riêng ngày càng bền chặt. Đồng chí Hà Ban trân trọng mời ngài Tỉnh trưởng, phu nhân và các thành viên trong Đoàn đến tham dự Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum, được tổ chức vào ngày 01-02-2013.

Ngày 15-01-2013: Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum.

Ngày 15-01-2013, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Xuân Quý, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Kon Tum báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013, đồng chí Trần Đại Quang đã biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền vag Nhân dân tỉnh Kon Tum đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, nhưng tỉnh Kon Tum vẫn đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ hàng ngàn hộ đồng bào DTTS thoát nghèo; an ninh chíh trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đồng chí Trần Đại Quang đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum cần đẩy nhnh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, nhất là hệ thống giao thông; nghiên cứu thực hiện lồng ghép các dự án trên địa bàn để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh việc đưa hàng Việt về nông thôn; tập trung giải quyết đất sản xuất, giao rừng, khoán rừng cho dân…tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực người DTTS.

 


[1]  Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập 1, trang 221 thì Tiểu đoàn 97  MTMT phối hợp với Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 108) nhưng theo ý kiến của đồng chí Nguyễn Tập, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đính chính thì không có Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 108) mà là đội đặc công của Quân Khu V tham gia diệt đồn Măng Buk.

 

Trần Thị Bích Liên (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới

CT.16.UBND

về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Lượt xem:262 | lượt tải:33

QĐ.1309.TU

về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Lượt xem:533 | lượt tải:33

QĐ.1308.TU

Thành lập các Tổ chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:72 | lượt tải:43

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 8-2024

Lượt xem:686 | lượt tải:73

CV.2598.BTGTU

V/v hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024

Lượt xem:271 | lượt tải:138

CV.2594.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 8-2024

Lượt xem:1205 | lượt tải:61

HD.163.BTGTW

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 14-6-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội các Hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:187 | lượt tải:32
 
pxyk2024
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay13,056
  • Tháng hiện tại248,113
  • Tổng lượt truy cập32,910,770
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây