Những đóng góp của quân và dân Kon Tum trong Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử 

Những đóng góp của quân và dân Kon Tum trong Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử

Thứ ba - 26/04/2016 12:14
Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975 do Quân đội nhân dân Việt Nam phát động. Nó đã tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường mở đầu cho sự thất bại và tan rã toàn diện của quân lực Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam chỉ trong 55 ngày mùa Xuân năm 1975, dẫn đến sự chấm dứt chiến tranh và tái thống nhất Việt Nam sau 21 năm bị chia cắt. Trong Chiến dịch này, quân và dân tỉnh Kon Tum phối hợp với lực lượng quân chủ lục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến thuật nghi binh và đánh tiêu diệt địch trên đường rút chạy, giải phóng hoàn toàn Bắc Tây Nguyên.
Nhân dân Kon Tum đón mừng ngày vui giải phóng hoàn toàn tỉnh (16-3-1975)
Nhân dân Kon Tum đón mừng ngày vui giải phóng hoàn toàn tỉnh (16-3-1975)

Tây Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng, nên Mỹ-ngụy đã biến nơi đây thành một căn cứ chiến lược lớn, hòng đè bẹp cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào và từ rừng núi xuống đồng bằng Khu 5. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi nhanh chóng, có lợi cho cách mạng. Hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 30-9 đến ngày 07-10-1974 và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18-10-1974 đến ngày 08-01-1975 đã phân tích, đánh giá, bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, chọn địa bàn Tây Nguyên mở chiến dịch khai mào, tạo tiền đề để đánh mạnh, đánh nhanh, đánh rộng trên toàn chiến trường miền Nam.

Chấp hành chủ trương Bộ Chính trị về chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, mang tính chiến lược. Quân ủy Trung ương quyết định dùng lực lượng chủ lực mạnh với binh khí kỹ thuật hiện đại để mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên mang mật danh A275, với trận then chốt mở màn tiến công Buôn Ma Thuột, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, phát triển cuộc tiến công sang các tỉnh ven biển miền Trung, thực hiện chia cắt chiến lược.

Thực hiện chiến thuật nghi binh, bắt đầu từ tháng 12-1974, Trung đoàn 7 công binh 559 mở thông đường 220 nối đường 14 ở Bắc Võ Định với đường 19 gần đèo Mang Yang sau khi vòng qua Đông Bắc thị xã Kon Tum. Hai trận địa pháo binh 130 mm giả được triển khai phía Bắc Kon Tum (thực ra chỉ có súng cối 120 mm). Một số xe tăng cũ, xe xích kéo pháo, xe vận tải được tổ chức cơ động liên tục suốt ngày đêm quanh phòng tuyến. Hai bến phà bằng gỗ được triển khai tại cầu Diên Bình và sông Đakbla. Sư đoàn 10 để lại một lực lượng nhỏ liên tục dùng súng cối bắn phá thị xã Kon Tum và đào nhiều hầm hào trong tuyến phòng ngự, đồng thời di chuyển về quanh Buôn Ma Thuột. Hệ thống điện đài vẫn giữ nguyên vị trí và liên tục phát đi các bức điện giả, báo cáo giả, mệnh lệnh giả với tần suất ngày càng cao. Mặt khác, lực lượng an ninh giải phóng Kon Tum còn cho người vào giả tìm người thân trong khu vực do quân lực Việt Nam cộng hòa kiểm soát, phao tin Quân giải phóng sắp đánh lớn vào Kon Tum. Dân chúng trong các vùng do Mặt trận kiểm soát đã làm nhiều cờ, hoa, biểu ngữ với nội dung chào mừng Kon Tum được giải phóng…

Hoạt động nghi binh của ta đã dẫn đến những thông tin trái ngược trong các báo cáo tình báo của CIA, Phủ đặc ủy tình báo, Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam cộng hòa. Cho đến cuối tháng 02-1975, CIA tại Sài Gòn vẫn phán đoán rằng mục tiêu tấn công chủ yếu của quân đội nhân dân Việt Nam là Pleiku và Kon Tum. Song trên thực tế, từ ngày 01 đến ngày 09-3-1975, bộ đội Tây Nguyên đã bí mật triển khai thế chiến dịch, tạo thế bao vây, cô lập, sẵn sàng đánh đòn phủ đầu vào Buôn Ma Thuột; thực hiện tiến công nghi binh quy mô vừa và nhỏ ở Plei ku và Kon Tum nhằm thu hút sự chú ý và lực lượng đối phương ở đó, đồng thời mở những cuộc tiến công cắt đứt đường 19, đường 21 nối Tây Nguyên với đồng bằng khu V (ngày 04-3-1975); tiến công đánh chiếm khu quân sự Đức Lập – Núi Lửa (09-3-1975), cô lập hoàn toàn Buôn Ma Thuột. 4 giờ sáng ngày 10-3, khi xe tăng của ta đã tiến vào Buôn Ma Thuột, tướng Phạm Văn Phú mới được cấp dưới đánh thức và biết Buôn Ma Thuột là mục tiêu chính, nhưng đã quá muộn…

Ngày 10-3-1975, quân ta từ 4 cánh tiến công Buôn Ma Thuột bằng cơ giới, nhằm vào sở chỉ huy sư đoàn bộ Sư đoàn 23. Sau 2 ngày chiến đấu, quân ta tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đây, làm chủ hoàn toàn thị xã. Mất Buôn Ma Thuột (11-3-1975), địch vội vàng điều 2 trung đoàn chủ lực còn lại của Sư đoàn 23 và 1 tiểu đoàn quân biệt động phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột. Nhưng lực lượng phản kích của chúng chưa kịp triển khai đội hình đã bị quân ta bao vây, tiến công tiêu diệt.

11 giờ ngày 14-3-1975, tại Cam Ranh diễn ra một cuộc họp mà sau này, nhiều nhà nghiên cứu về quân sự cho rằng nó là một trong những nguyên nhân gây ra một thảm họa quân sự lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam của Mỹ-ngụy. Tại cuộc họp, thiếu tướng Phạm Văn Phú báo cáo tổng quát diễn biến chiến sự tại Tây Nguyên; trong đó, tướng Phú thỉnh cầu xin tăng viện để phòng giữ Kon Tum, Pleiku và sau đó dùng để phản kích chiếm lại các vùng đã mất. Nguyễn Văn Thiệu không chấp nhận đề nghị của tướng Phú và lệnh cho ông này rút quân khỏi Pleiku, Kon Tum và toàn bộ Tây Nguyên về án giữ vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Bắt mạch đúng ý đồ của Nguyễn Văn Thiệu, từ ngày 13-3-1975, Quân ủy Trung ương điện cho Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, nêu rõ về khả năng quân Sài Gòn sẽ rút lui chiến lược, cần chuẩn bị tốt việc sẵn sàng tiêu diệt chúng trên đường rút chạy. Chính vì vậy, kế hoạch rút quân của quân lực Việt Nam công hòa không quá bất ngờ đối với ta. 20 giờ tối 16-3-1975, Lệnh truy kích được ban bố, bộ đội chủ lực của ta phối hợp với bộ đội địa phương nhanh chóng truy kích, chặn đánh tiêu diệt địch trên đường rút chạy. Hầu như toàn bộ Quân đoàn II (Quân lực Việt Nam Cộng hòa) bị tiêu diệt và tan rã trong cuộc rút quân hỗn loạn.

Ở Kon Tum, ngày 15-3, địch bắt đầu thực hiện một cuộc rút chạy về Pleiku theo đường 14. Ngày 16-3, một bộ phận thuộc Tiểu đoàn 304 của tỉnh chiếm trục đường 14 ở phía Nam thị xã, chặn đánh quân địch tháo chạy, buộc một bộ phận của chúng phải chạy vòng theo hướng Tri Đạo xuống Gia Lai.

Trưa ngày 16-3-1975, các lực lượng của tỉnh Kon Tum, từ các hướng áp sát vào thị xã, tiếp quản một số vùng phụ cận. Tiểu đoàn 304 tiếp tục mai phục đón đánh tiêu diệt gọn tàn quân địch rút chạy tại phía Nam khu vực đèo Sao Mai.

Cũng trong ngày 16-3-1975, ta đánh chiếm quận lỵ Đăk Tô (lưu vong), vây ép địch ở phía Bắc và phía Đông. Các lực lượng Tây Nam thị xã tước vũ khí hai trung đội nghĩa quân, dùng lực lượng này cùng với lực lượng của ta chiếm ấp Tân Điền, Phương Hòa, áp sát Nam cầu Đăk Bla. Đêm ngày 16-3-1975, tất cả các lực lượng vũ trang và chính trị trong tỉnh Kon Tum, cùng với các mũi đột kích của quân chủ lực đột nhập chiếm lĩnh và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng cuối cùng của địch, nhanh chóng triển khai chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum.

Đến ngày 24-3-1975, toàn bộ quân địch rút khỏi Tây Nguyên. Địa bàn Tây Nguyên rộng lớn với khoảng 60 vạn dân hoàn toàn được giải phóng. Phối hợp với Tây Nguyên, các chiến trường khu V, Trị - Thiên, Nam Bộ cũng mở chiến dịch, đẩy mạnh tiến công đối phương, thu nhiều thắng lợi lớn. Thắng lợi to lớn của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, còn địch bị suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường. Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Bài và ảnh: Ngô Đức Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới

CT.16.UBND

về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Lượt xem:261 | lượt tải:33

QĐ.1309.TU

về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Lượt xem:532 | lượt tải:33

QĐ.1308.TU

Thành lập các Tổ chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:70 | lượt tải:43

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 8-2024

Lượt xem:684 | lượt tải:73

CV.2598.BTGTU

V/v hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024

Lượt xem:270 | lượt tải:138

CV.2594.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 8-2024

Lượt xem:1204 | lượt tải:61

HD.163.BTGTW

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 14-6-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội các Hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:186 | lượt tải:32
 
pxyk2024
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay12,859
  • Tháng hiện tại247,545
  • Tổng lượt truy cập32,910,202
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây