Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu diễn ra cách đây đã 62 năm, nhưng “Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp” luôn là cụm từ được người dân cất lên với lòng tự hào, kính trọng mỗi khi nhắc tới sự kiện lịch sử trọng đại này. Trong lòng nhân dân, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng, một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự”, mà còn là một “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”. Chất nhân văn trong con người “Võ Đại tướng” ở mặt trận Điện Biên Phủ được biểu hiện qua những mối quan hệ chủ yếu: Với tập thể, với bộ đội, với đối phương và với chính bản thân. Trước hết, có thể nói Võ Nguyên Giáp là một con người "Dĩ công vi thượng", luôn biết đề cao vai trò của tập thể, có ý thức phục tùng tổ chức, kể cả trong những trường hợp khi được giao những việc không thuộc “sở trường, sở đoản” và ông có quyền tự quyết. Những lúc như vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn biết kiên trì chịu đựng, biết hành động, biết nói đúng lúc, đúng chỗ để không làm ảnh hưởng đến tập thể, đến quân đội, đến lợi ích dân tộc. Đồng bào các dân tộc tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (Điện Biên) đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại khu Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (2004). Ảnh tư liệu.
Ở mặt trận Điện Biên Phủ, tuy là người chỉ huy cao nhất được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao toàn quyền quyết định mọi vấn đề, nhưng vị Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Võ Nguyên Giáp không vì thế mà lạm dụng. Trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng, bao giờ ông cũng đưa ra thảo luận ở tập thể Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, tham khảo ý kiến của Đoàn cố vấn nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Tại Hội nghị Thẩm Púa (ngày 14-1-1954), khi Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch với sự nhất trí cao thông qua phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tỏ ra băn khoăn, trăn trở về sự bảo đảm yếu tố “chắc thắng” nếu đánh theo phương châm này. Trên cương vị Chỉ huy trưởng chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy, ông có quyền bác bỏ, hoặc đưa ra ý kiến phản biện, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không hành động như vậy, bởi theo ông, mình là người lên Điện Biên sau, chưa nắm được nhiều về tình hình chiến trường nên cần phải tin tưởng và tôn trọng ý kiến của tập thể, tin tưởng vào số anh em tiền trạm lên Điện Biên trước. Và sau đó, vị Tư lệnh chiến dịch đã phải trải qua 11 ngày đêm mất ăn, mất ngủ nghiên cứu, đánh giá, nắm lại tình hình thực tế diễn biến chiến trường, lắng nghe ý kiến của chỉ huy các đơn vị; trao đổi, thảo luận trong Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch…, cuối cùng mới đi đến quyết định thay đổi phương châm tác chiến vào giờ chót, trước giờ "G” chỉ vài tiếng đồng hồ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được coi là quyết định khó khăn nhất- như chính ông cũng từng thừa nhận. Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân; nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”; thể hiện tính nhân văn, nhân nghĩa của một vị tướng “dĩ công vi thượng”, luôn biết đề cao vai trò của tập thể, hết sức tôn trọng ý kiến của tập thể vì lợi ích chung. Trước khi đưa ra quyết định quan trọng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp trao đổi, tham khảo ý kiến của Đoàn cố vấn; bàn bạc, thảo luận dân chủ trong Hội nghị Đảng ủy mở rộng và Bộ chỉ huy chiến dịch. Tại thời điểm đó, không phải không có những ý kiến trái chiều, thậm chí không đồng tình với việc thay đổi phương châm tác chiến khi mà “giờ G” đã cận kề, bộ đội đã ở tư thế sẵn sàng nổ súng mở màn chiến dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, bằng sự phân tích khoa học, sát thực với tình hình thực tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bình tĩnh, kiên trì thuyết phục để tìm bằng được sự đồng thuận của các đồng chí trong Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch về quyết định thay đổi phương châm tác chiến một cách kịp thời. Sau này, vào tháng 5-1984, trong buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, một số cán bộ chỉ huy – những người lúc đầu từng không hiểu rõ quyết định thay đổi phương châm tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng không nói ra – đã thẳng thắn thừa nhận rằng, hồi đó mà cứ theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, không kịp thời và kiên quyết thay đổi phương châm tác chiến thì "chúng mình đã không còn có dịp hội ngộ với nhau tại đây như hôm nay". Với bộ đội, với các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng - Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch giống như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi. Trước nhiều trận đánh, Đại tướng đều viết thư động viên, thăm hỏi tình hình sức khỏe của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong… Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn của mặt trận lúc bấy giờ, ông thường xuyên quan tâm, nhắc nhở cơ quan hậu cần, chỉ huy các đơn vị chú ý chăm lo sức khỏe, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; chăm lo bồi dưỡng cán bộ, biết thương yêu, quý trọng và tôn trọng họ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người biết trọng dụng những người có đức, tài. Dưới “trướng” ông, nhiều trí thức xuất thân từ tầng lớp được coi là tiểu tư sản, những người thuộc tầng lớp trung nông, nhiều người chưa phải đảng viên… có đủ đức, tài đều được ông trọng dụng và tin cậy giao trọng trách quan trọng. Nhiều người trong số đó đã chỉ huy bộ đội lập công xuất sắc ở Điện Biên Phủ và sau này đã trở thành những vị tướng kiệt xuất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Võ Nguyên Giáp là một vị tướng thương yêu bộ đội hết mực cho dù người đó giữ cương vị nào. Là một nhà cầm quân đương nhiên cần phải khát khao chiến thắng, nhất lại là trong một chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt như chiến dịch Điện Biên Phủ, song với Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá, mà chiến thắng đó phải luôn đi kèm với giảm hy sinh xương máu của bộ đội một cách thấp nhất. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, việc quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", ngoài yếu tố bảo đảm đánh chắc thắng ra, còn nhằm giảm tổn thất, hy sinh cho bộ đội, bởi đối với ông, quý trọng sinh mệnh của cán bộ và chiến sĩ và nhân dân. Nói như cố Thượng tướng Trần Văn Trà thì "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh!". Còn Tổng chỉ huy Henri Navarre khi nhận xét về quan hệ cán – binh của Việt Minh ở mặt trận Điện Biên Phủ đã từng phải thốt lên rằng: "Đã bao lần tôi phát ghen với tướng Giáp”! [1] Là một vị tướng bao dung, độ lượng và dễ gần, song Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại là người cực kỳ nghiêm khắc trong công việc. Tại cuộc họp kiểm điểm phê bình và tự phê bình trong Đợt 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã thẳng thắn nghiêm khắc phê bình: “Các đồng chí có xót xa không, khi bao nhiêu đồng chí của mình ngã xuống mà trận đánh không thành công do thiếu sót của lãnh đạo và chỉ huy?”. Nói xong, ông lấy khăn ra lau nước mắt. Lời phê bình nghiêm khắc nhưng chân thành và thắm đượm tình cảm của vị chỉ huy cao nhất ấy đã làm cho những cán bộ có mặt cảm thấy thấm thía, nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm nặng nề của mình, một số người tỏ ra ân hận vì những sai lầm, khuyết điểm do mình gây nên. Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với một nhãn quan chiến lược sắc sảo, một tinh thần nhân nghĩa, nhân ái, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thức sâu sắc rằng, để chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi cần phải có một hậu phương chiến lược vững mạnh và một hậu phương tại chỗ được xây dựng bằng sức mạnh của “nhân sơn”,”nhân hải” . Đối với đối phương, thấu triệt tinh thần "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo" của các bậc tiền nhân, Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng biết đánh thắng địch bằng quân sự, mà còn biết thắng địch bằng nhân nghĩa, “biết khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã từng một thời đứng bên kia chiến tuyến, từ những tướng lĩnh của Pháp đến những người lính Âu-Phi... đều dành cho Đại tướng-Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp một sự kính trọng và khâm phục đặc biệt. Tư tưởng nhân nghĩa được kết tinh từ truyền thống nhân văn trong chống giặc ngoại xâm của cha ông trên tinh thần “không vì tư thù, tư oán” được Võ Nguyên Giáp kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau trận mở màn chiến dịch, tiến công cụm cứ điểm Him Lam của Đại đoàn 312, quân Pháp thương vong rất lớn. Theo đề nghị của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho ông Mạc Ninh thảo ngay một bức thư chuyển cho Bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ với thành ý cho phép ra Him Lam nhận thi thể các binh sĩ tử trận. Việc làm đó thể hiện tinh thần nhân đạo và trên thực tế nó đã tạo ra một "sang chấn" về tâm lý đối với binh lính Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay sau ngày chiến thắng, trên cánh đồng Mường Thanh và dọc theo bờ sông Nậm Rốm, ông cùng Bộ chỉ huy chiến dịch đã cho dựng hàng chục chiếc lều để cứu chữa cho tù, hàng binh bị thương. Một nữ tù binh sau khi được phẫu thuật cứu sống kịp thời đã thốt lên: “Cha mẹ tôi đã sinh ra tôi, nhưng chính là nhân dân và quân đội Việt Nam mới thực sự đã cứu tôi sống lại!" [2] Với chính mình, cái “tôi” trong con người Võ Nguyên Giáp là cái tôi “dĩ công vi thượng”. Ông là một người nghiêm khắc nhưng khiêm tốn, bình dị, bao dung và độ lượng. Suốt cả quá trình cầm quân ở Điện Biên Phủ người ta dường như ít thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp cáu gắt to tiếng với cấp dưới bao giờ. Khi đề cập đến chiến thắng Điện Biên Phủ, trước tiên bao giờ Đại tướng cũng nhắc đến vai trò của Bác Hồ, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, nhắc đến đồng đội, đồng chí, đồng bào các dân tộc Tây Bắc và đồng bào cả nước… Chất nhân văn trong con người Võ Nguyên Giáp cũng chính là hiện thân của tư tưởng nhân nghĩa, nhân văn trong văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam được tích tụ qua hàng nghìn năm lịch sử và được tỏa sáng, phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Đại tá, PGS, TS TRẦN NGỌC LONG, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam ----------- [1] H. Navarre: Thời điểm của những sự thật. Nxb Plong. Paris. 1979. Bản dịch của Viện LSQSVN. Tr. 45. [2] Nắm ngải cứu trên đầu Tư lệnh. Nxb Từ điển bách khoa, H, 2008. Tr.290. |
Theo QĐND |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn