Sau những thắng lợi nhất định, năm 1974, lực lượng vũ trang của tỉnh được kiện toàn để tiếp tục nhiệm vụ chống bình định, lấn chiếm của địch. Tính từ tháng 01 đến đến giữa tháng 6-1974, hoạt động vũ trang của ta đã đánh 128 trận, gây thiệt hại lớn sinh lực địch.
Mùa hè năm 1974, Tỉnh ủy Kon Tum phối hợp với Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) chỉ thị cho các lực lượng vũ trang trong tỉnh tấn công tiêu diệt các lực lượng còn lại của địch nhằm mở rộng và hoàn chỉnh vùng căn cứ giải phóng của tỉnh và thông đường hành lang chiến lược Trường Sơn qua tỉnh Kon Tum nối liền với các tỉnh bạn trong khu vực. Mục tiêu tấn công chủ yếu trong chiến dịch Hè là căn cứ quân sự và Chi khu quận lỵ Đăk Pét. Đây là khu vực chiếm đóng quan trọng nhất của địch nằm ở phía Bắc của tỉnh, là căn cứ của Tiểu đoàn 88 biệt động biên phòng ngụy. Bộ máy quận và chi khu ở đây được tổ chức làm 36 đồn, do một tên thiếu tá làm chi khu trưởng; tổng quân số các loại tại đây khoảng hơn 1.000 tên địch (trong đó có 633 quân chủ lực). Chúng đóng thành 18 chốt điểm, gần 10 điểm vòng trong và 8 điểm vòng ngoài, dân số ở đây khoảng 3.000 người sống trong ấp bị địch kìm kẹp, đói và đau nặng, luôn bị đe dọa mà không được địch cứu chữa. Đây là cụm cứ điểm phòng thủ có công sự kiên cố, phức tạp và có lưới hỏa lực khá mạnh chi viện cho nhau. Trong từng chốt đều có rào dây thép gai nhiều lớp và có bãi mìn để ngăn chặn ta tấn công, dưới đất có đường ngầm liên lạc. Tuy nhiên, từ lâu Đăk Pét đã là cứ điểm bị ta cô lập, địch chỉ tiếp viện chủ yếu bằng máy bay.
Trải qua quá trình chuẩn bị, thăm dò, nắm tình hình, với tinh thần quyết chiến tiêu diệt địch. 8h00, ngày 16-5-1974, ta nổ súng tấn công căn cứ Đăk Pét. Sau hơn 4 giờ chiến đấu ác liệt, đến 11h00 trưa ngày 16-5, toàn bộ quân địch ở căn cứ Đăk Pét đều bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Trong số 403 tên bị bắt có Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Võ Ngọc Di, cùng toàn bộ Ban Chỉ huy biệt động 88, biệt động biên phòng của địch. Phối hợp với trận đánh này, các lực lượng vũ trang công tác địa phương của tỉnh đã phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, giải phóng toàn bộ Nhân dân trong vùng. Tại ấp Đăk Tem, đội công tác bám trụ khu vực đã đột nhập vào trong ấp kêu gọi quần chúng nổi dậy diệt ác ôn giành quyền làm chủ. Ở một số ấp khác còn bị địch kìm kẹp, có nòng cốt hướng dẫn, quần chúng đồng thời nổi dậy đấu tranh với địch. Trước dũng khí của quần chúng, bọn ác ôn hoảng sợ chạy trốn, bọn dân vệ bảo an, phòng vệ dân sự nộp súng đầu hàng, cờ giải phóng tung bay trên trụ sở các ấp.
Chiến thắng Đăk Pét đã đập tan bộ máy chính quyền của địch ở Chi khu quận lỵ Đăk Pét, tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 88 biệt động quân của địch, giải phóng 3.000 dân trong 8 xã, 10 ấp chiến lược khỏi ách kìm kẹp của địch. Cụm cứ điểm Đăk Pét bị tiêu diệt, tuyến đường chiến lược Đông Trường Sơn được khai thông để ta đẩy mạnh vận chuyển phục vụ chiến đấu và chuẩn bị các chiến dịch lớn vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trận Đăk Pét không những để lại nhiều kinh nghiệm quý mà còn “đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực Tây Nguyên”.
Chiến thắng Đăk Pét đã làm cho địch ở Kon Tum rơi vào trong thế hoang mang dao động mạnh, đồng thời khí thế tiến công diệt địch của ta phát triển rộng khắp mạnh mẽ hơn, các cứ điểm quân sự nhỏ lẻ của địch từng bước bị ta tấn công tiêu diệt; trong đó có cuộc tiến công tiêu diệt địch ở hai cứ điểm quan trọng là Măng Bút (ngày 20-8-1974) và Măng Đen (ngày 12-10-1974), đó là tiền đề để bộ đội chủ lực, quân và dân tỉnh Kon Tum tiến công tiêu diệt địch, giải phóng thị xã Kon Tum và giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum vào ngày 16-3-1975.
70 năm đã trôi qua, quá khứ đã khép lại, lịch sử đã sang trang, song chiến thắng Đăk Pét vẫn luôn in đậm trong tâm trí của Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum và huyện Đăk Glei. Ngày 16-5-2024, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đăk Glei sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đăk Pét và đón nhận Quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia - đây là sự kiện để tri ân, tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đã làm nên chiến thắng lịch sử; đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ sau, nhất là những người con của quê hương Đăk Glei phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải