Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thứ sáu - 21/12/2018 08:28
Để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, cần mở rộng diện tham gia bảo hiểm, trong đó, đặc biệt chú trọng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là nông dân, các đối tượng lao động tự do khu vực phi chính thức. Bên cạnh đó, cần sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hình có tính chất minh họa (nguồn: Internet)
Hình có tính chất minh họa (nguồn: Internet)

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28-NQ/TW) xác định mục tiêu: Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội nhằm mục tiêu đến năm 2021, đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ tương tự đến năm 2025 là khoảng 45% và 2,5%, đến năm 2030 là khoảng 60% và 5%.

Kết quả thực hiện Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tỷ lệ tham gia còn thấp

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện ở nước ta từ ngày 01-01-2008, áp dụng đối với người không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ra đời được sự đón nhận tích cực của người dân, đặc biệt là những người đã gần hết tuổi lao động nhưng chưa tích lũy được đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Thời gian qua, mặc dù tốc độ tăng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã cao hơn so với bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng con số tuyệt đối còn rất hạn chế. Đến hết năm 2017 số người tham gia là 227.506 người; số thu bảo hiểm xã hội tự nguyện trong giai đoạn 2015 - 2017 đạt bình quân trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tính đến ngày 31-12-2017, cơ quan bảo hiểm xã hội đang chi trả cho khoảng 24 nghìn người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng với số tiền chi trả là 770 tỷ đồng.

Nhìn chung, kết quả thực hiện về đối tượng tham gia và số tiền thu hàng năm năm sau đều tăng cao hơn so với năm trước. Tuy nhiên, do chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách mới, vì vậy, mặc dù số thu năm sau có tỷ lệ cao hơn nhiều so với năm trước, nhưng số người tham gia so với lực lượng lao động còn đạt tỷ lệ rất thấp. Năm 2008, số người tham gia chiếm 0,01% lực lượng lao động, năm 2016 là 0,3% và hiện nay được khoảng 0,47% lực lượng lao động. Trong khi số lao động làm công ăn lương trong nền kinh tế khoảng 8,2 triệu người và khoảng 3 triệu lao động có quan hệ lao động nhưng làm việc theo thời vụ không giao kết hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội. Thực tế, mặc dù tốc độ tăng bảo hiểm xã hội tự nguyện bình quân khá cao nhưng số tuyệt đối chỉ tăng khoảng hơn 30 nghìn người/năm. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn chủ yếu là người đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới như người lao động tự do, nông dân, còn hạn chế, hàng năm phát triển rất chậm.

Nhóm đối tượng người lao động tự do, nông dân có điều kiện kinh tế còn khó khăn, mặt bằng thu nhập thấp và không ổn định, cùng tâm lý tiêu dùng và chưa có hướng tích lũy lâu dài, dẫn tới nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội chưa cao. Bên cạnh đó, việc bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất cũng là những hạn chế lớn, khó thu hút được người dân tham gia, trong khi điều kiện về thời gian đóng kéo dài dẫn tới tâm lý ngại chờ đợi; chính sách hỗ trợ tiền đóng chậm được triển khai do khả năng cân đối ngân sách hạn chế.

Nguyên nhân dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt thấp còn là do công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng. Đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu đầy đủ về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, thậm chí, một bộ phận dân cư còn chưa biết có chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia bảo hiểm xã hội khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già.

Một trong các rào cản là vấn đề tâm lý của người tham gia, bởi hiện nay bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng quá dài (20 năm). Về lâu dài, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cần được điều chỉnh để linh hoạt hơn, khắc phục các hạn chế, tạo ra mức độ hấp dẫn hơn đối với người dân, cả lợi ích dài hạn và ngắn hạn.

Hơn thế nữa, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, chưa giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chưa tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những hạn chế, nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đồng thời, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan bảo hiểm xã hội chưa thường xuyên, thiếu quan tâm, có nơi coi đây là nhiệm vụ của riêng cơ quan bảo hiểm xã hội…

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện mặc dù đã được thiết kế ưu việt về quyền lợi nhưng tính hấp dẫn còn chưa cao trong bối cảnh đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là người lao động thuộc khu vực phi chính thức, tính chất công việc không ổn định, mặt bằng bình quân thu nhập thấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn; thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm); mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn thấp.

Tổ chức thực hiện chính sách chưa có những giải pháp đột phá trong tiếp cận, vận động đối tượng do chưa có cơ chế hoa hồng đủ sức hấp dẫn đối với các đại lý thu bảo hiểm xã hội so với sản phẩm bảo hiểm thương mại; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội mặc dù đã có những bước tiến nhưng vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận thông tin về bảo hiểm xã hội, đăng ký tham gia; các phương pháp giao dịch, đăng ký và thu nộp chưa đa dạng và tiện lợi. Thêm vào đó, mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện còn ít, trình độ đại lý thu còn hạn chế, nên chưa vận động, lôi kéo được người lao động tham gia (trên thực tế, có tình trạng, người muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng không biết tham gia như thế nào, đóng ở đâu, mức đóng bao nhiêu, được hưởng các quyền lợi gì, ...).

Từ ngày 01-01-2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ một phần chi phí cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP. Việc hỗ trợ tiền đóng từ 10 đến 30% trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là giải pháp thiết thực để thu hút đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Với người tham gia bảo hiểm xã hội đóng theo phương thức một lần, số tiền hỗ trợ cho những năm còn thiếu được Nhà nước chuyển toàn bộ một lần vào quỹ hưu trí và tử tuất trong cùng một năm. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm. Tuy nhiên, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như người lao động tự do và nông dân (khu vực phi chính thức) có thu nhập bấp bênh, không bền vững và mức hỗ trợ này vẫn chưa tạo sự đột biến, bởi còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 40 triệu người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, trong đó chủ yếu là lao động từ nông thôn ra. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh sản xuất và người lao động tự do không đăng ký lao động, không tham gia các loại bảo hiểm xã hội. Vì vậy, giải pháp quan trọng là phải chính thức hóa lao động phi chính thức, khuyến khích họ tham gia bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi cho người lao động thuộc khu vực này.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng chính sách để nâng cao nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khi người lao động thấy rõ việc tham gia bảo hiểm xã hội mang lại lợi ích về nhiều mặt thì họ sẽ chủ động tham gia. 

Đồng thời, nghiên cứu tăng mức hỗ trợ của Nhà nước. Theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP thì Nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 30% đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, 25% đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là rất thấp; đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo dù được hỗ trợ cao hơn cũng rất khó có thể tham gia được. Trên thực tế hiện nay, dù có hỗ trợ của Nhà nước song cũng không có sự đột biến về người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như với người tham gia bảo hiểm y tế bởi đối với bảo hiểm y tế, Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn hoặc hỗ trợ phần lớn, nhưng bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hỗ trợ một phần, trong khi còn rất nhiều rào cản để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Cần tăng mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là đối tượng không thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Đồng thời, linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, như mức hỗ trợ tối thiểu bằng 30%, 25%, 10% để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc áp dụng các hình thức tăng hỗ trợ nên được thí điểm ở một số khu vực lao động, ngành nghề trước khi nhân rộng.

Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, qua đó, khuyến khích người lao đông tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; nâng mức hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; thực hiện thí điểm gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân; gắn quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với các ưu đãi khác của Nhà nước (ví dụ ưu đãi vay vốn sản xuất kinh doanh); giao chỉ tiêu phát triển tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương.

Đối với các địa phương, cần đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thành một trong các chỉ tiêu phát triển kinh thế - xã hội của địa phương. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; đưa ra các giải pháp nhằm tăng nhanh đối tượng tham gia, trước mắt, tập trung triển khai, yêu cầu và hỗ trợ thêm mức đóng để cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; yêu cầu các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đôn đốc, hướng dẫn người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 1 tháng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác thu bảo hiểm xã hội tự nguyện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu bảo hiểm xã hội tự nguyện; đẩy mạnh việc thực hiện thu và chi bảo hiểm xã hội tự nguyện qua ngân hàng; đa dạng mạng lưới cung cấp dịch vụ./.
 

TS. Phạm Hải Hưng - Đại học Lao động và Xã hội Hà Nội

Nguồn tin: Tạp chí Cộng sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

TÀI LIỆU

phổ biến, quán triệt Kết luận 72.TW và Chương trình 77.TU (gửi kèm CV 2303-CV/BTGTU)

Lượt xem:101 | lượt tải:96

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú

Lượt xem:129 | lượt tải:86

HD.50.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:174 | lượt tải:120

TÀI LIỆU

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 78 năm Ngày hy sinh của Đồng chí Phan Văn Khoẻ, nguyên Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ

Lượt xem:822 | lượt tải:103

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng

Lượt xem:1561 | lượt tải:233

KH.130.TU

về tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) của Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ IV-năm 2024

Lượt xem:61 | lượt tải:19

QĐ.1084.TU

thành lập Ban Tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) của Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ IV – năm 2024.

Lượt xem:59 | lượt tải:15


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay8,878
  • Tháng hiện tại507,258
  • Tổng lượt truy cập30,041,435
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây