Điểm cầu Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” (gọi tắt là Dự án ADB2) đặt tại Philippines. Tại điểm cầu Bộ Y tế có GS.TS. Trần Văn Thuấn – Thứ Trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế; Ban quản lý Dự án Trung ương (CPMU) và 05 điểm cầu tại 05 tỉnh Tây Nguyên với thành phần tham dự là các đại biểu tại địa phương. Tại điểm cầu Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban quản lý Dự án ADB2 Trần Thị Nga; BSCKII. Trần Ái – Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án tỉnh; đại diện các Sở, Ban, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế 10 huyện thành phố và Ban quản lý dự án ADB2 tỉnh Kon Tum.
Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ được triển khai, thực hiện với tổng số vốn là 76,6 triệu USD (trong đó, ADB hỗ trợ 70 triệu USD và vốn đối ứng là 6,6 triệu USD). Thời gian bắt đầu và kết thúc dự án từ năm 2014 đến năm 2020, trải qua 6 năm thực hiện, hầu hết tất cả các hoạt động của Dự án đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch, cụ thể: 100% các gói thầu xây dựng, với 82/83 công trình đã được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; 100% các gói thầu mua trang thiết bị được trao hợp đồng, trong đó CPMU trực tiếp mua và bàn giao 3.186 trang thiết bị thuộc 158 danh mục, bao gồm cả 24 xe ô tô cứu thương và 04 xe ô tô chuyên dụng. Hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 11.248 cán bộ y tế (đạt 95% kế hoạch). Công tác tuyển chọn tư vấn, truyền thông, quản lý chất lượng vv... cũng được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Dự kiến giải ngân được hơn 51,1 triệu USD đạt khoảng 80% tổng vốn ODA (theo công bố của ADB trên trang LFIS ngày 09/6/2020). Có 21/23 chỉ số kết quả của Dự án đã đạt và vượt so với mục tiêu. Theo quy định hiện hành, Dự án sẽ triển khai các thủ tục đóng dự án trong 06 tháng cuối năm 2020.
Tại Kon Tum, Dự án đã triển khai đạt được kết quả tích cực, bao gồm: Hoàn thành việc xây mới 10 trạm y tế; cải tạo, nâng cấp 25 trạm y tế. Bên cạnh đó các trang thiết bị được dự án đầu tư và hỗ trợ cho các trạm y tế, các phòng khám đa khoa khu vực...Đầu tư các thiết bị phục vụ cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cho các cơ sở y tế....Ngoài ra, Dự án hỗ trợ kinh phí đào tạo đối với các học viên chuyên khoa cấp II các chuyên ngành; học viên chuyên khoa cấp I các chuyên ngành; học viên đào tạo định hướng các chuyên khoa; cấp học bổng khuyến khích học tập loại cho 69 học viên là người dân tộc thiểu số đang học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi và cách sử dụng tài liệu truyền thông...
Những hoạt động của Dự án được đánh giá đã góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, chất lượng dịch vụ được nâng cao, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở.
Tin, ảnh: Bạch Thị Vân
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh